Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” và tưởng nhớ các Đại danh y đã gây dựng nền móng cho y học nước nhà, ngày 2/3/2018 (rằm tháng riêng), Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Y Miếu Thăng Long.
Về dự Lễ dâng hương có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế; các Thứ trưởng và đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ/Cục/Thanh tra/Văn phòng Bộ Y tế. Công đoàn y tế Việt Nam, Viện chiến lược và chính sách y tế; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội. Về phía Học viện có TS. Đậu Xuân Cảnh – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Học viện, TS. Phạm Quốc Bình – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Học viện, TS. Đoàn Quang Huy – Phó Giám đốc Học viện cùng lãnh đạo các Khoa, phòng, ban, bộ môn.
Bộ trưởng cùng các đồng chí Thứ trưởng và các đại biểu dâng hương tại Y miếu Thăng Long
Việc tổ chức những chuyến đi về nguồn như thế này, Ban giám đốc Học viện mong muốn giáo dục truyền thống về y đức cho sinh viên Học viện. Những hoạt động này không chỉ giúp các thế hệ thầy thuốc tương lai tự hào hơn về truyền thống của nền YHCT dân tộc mà còn giúp các em biết nâng niu, trân trọng giữ gìn phẩm tiết cao quý của người thầy thuốc Việt Nam như các bậc tiền nhân đã làm.
Y Miếu Thăng Long được xây dựng dưới thời Hậu Lê (1774) theo sáng kiến của trưởng Viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn người làng Định Công, huyện Thanh Trì. Y Miếu Thăng Long hiện nay mang biển số nhà 12 phố Y Miếu (tên cũ là phố 224) thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Y Miếu là nơi thờ tiên thánh và các vị danh y của đất nước như: Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cạnh đó còn thờ các lương y của nền Y học Cổ truyền. Sang triều đại nhà Nguyễn, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn. Ngày nay, trong Y Miếu Thăng Long vẫn còn các bức hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp của các vị danh y.
Năm 1934, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn và phát triển rộng thêm. Khi Pháp chiếm Thăng Long thì Y Miếu coi như bị bỏ hoang, bị phá hủy. Năm 2000 Thành phố Hà Nội đã tu sửa lại.
Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng giêng Âm Lịch là ngày Y Học Cổ Truyền, các thế hệ lương y khắp nơi và nhân dân về đây để dâng hương, tưởng niệm, công đức và ôn lại truyền thống của nền Y Học Cổ Truyền Việt Nam.