Vừa qua, Ban Giám đốc Học viện đã có cuộc trao đổi, thảo luận với Khoa Y lâm sàng và Bộ môn Nhi về việc đổi mới chương trình ngành Y khoa của Học viện năm học 2022-2023.
Thống nhất đổi mới chương trình ngành Y khoa năm 2022 của Khoa Y lâm sàng và Bộ môn Nhi
Dự buổi họp, về phía Học viện có PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện; Bộ môn Nhi có: TS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương, Trưởng Bộ môn Nhi Học viện YDHCTVN; ThS. BS Bùi Hương Thu – Phó trưởng Bộ môn Nhi cùng các Thầy Cô là giáo vụ bộ môn và giáo vụ lâm sàng bệnh viện Nhi Trung Ương; về phía Khoa Y lâm sàng có TS Phạm Thái Hưng – Trưởng Khoa Y lâm sàng Học viện.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy mong muốn có sự ưu tiên tuyệt đối cho ngành Y khoa, trong hoàn cảnh dịch Covid - 19 ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực tập lâm sàng, đặc biệt là sinh viên Y6 chuẩn bị ra trường. Vì vậy, giữa Khoa Y lâm sàng và các Khoa, Bộ môn luôn có sự đồng thuận trong triển khai giảng dạy lý thuyết và lâm sàng để học viên, sinh viên lĩnh hội một cách tốt nhất kiến thức trong quá trình học tập. Việc đưa các mô-đun học thuật vào chương trình giảng dạy sẽ giúp sinh viên có cơ hội tham gia vào các chương trình về y học, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học và phát huy tính năng động sáng tạo của bản thân. Thực hành lâm sàng sớm với các khối học khác trong Học viện, bao gồm thực hành tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, các bệnh viện Đa khoa và các bệnh viện Y học cổ truyền lớn tại Hà Nội… cho phép sinh viên có những trải nghiệm đa dạng và phong phú, tiếp cận với chăm sóc ban đầu tại cộng đồng và hệ thống y tế cơ sở. Sinh viên từ đó sẽ phát triển các kĩ năng biện luận chẩn đoán để chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán xác định và các chẩn đoán khác để đề xuất chế độ điều trị thích hợp và bước đầu có thể tư vấn cho người bệnh các biện pháp chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh.
Qua buổi thảo luận, trên cơ sở ThS.BS Bùi Hương Thu báo cáo thực trạng về những thuận lợi, khó khăn của Bộ môn, TS Cao Việt Tùng cho rằng, việc xây dựng các chương trình giảng dạy mô-đun đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để học tập thực sự có hiệu quả cần có sự kết nối giữa giảng viên của Học viện và Thầy Cô thỉnh giảng của các bệnh viện; nâng cao vai trò, chất lượng giảng viên thỉnh giảng nhằm xây dựng bộ tài liệu sát với môn học và chuẩn đầu ra. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng sẽ kết hợp cùng Học viện tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất cho các em sinh viên học tập.
TS Phạm Thái Hưng cho biết, hiện tại có 21 bộ môn thuộc Khoa Y lâm sàng và theo hướng giảng dạy mô-đun. Đây là xu hướng tất yếu nên bắt buộc các bộ môn phải có sự rà soát chuẩn đầu ra phù hợp với chuẩn năng lực của Bộ Y tế. Phải xây dựng chuẩn đầu ra chung của Khoa, sau đó triển khai xuống các bộ môn có sự phù hợp và thống nhất cao. Muốn như vậy, các bộ môn phải có kế hoạch về nhân lực cũng như về cơ sở vật chất.
Thông qua buổi thảo luận, việc đổi mới chương trình ngành Y khoa là hướng tất yếu và hết sức cần thiết nhằm cải thiện kỹ năng trong đào tạo, học tập chủ động và giảng dạy lâm sàng cho sinh viên. Tiến tới Bộ môn Nhi và tất cả các bộ môn khác cần phải xây dựng đề cương chi tiết trên cơ sở chuẩn đầu ra đang hiện hành song song với việc đề xuất xây dựng đổi mới chương trình trong thời gian tới.
T/h: Vân Anh