Toàn văn bài phát biểu của Giám đốc Học viện nhân kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam(27/2/1955 - 27/2/2017)

Date: 28/02/2017Lượt xem: 4080

DIỄN VĂN
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
27/2/1955 - 27/2/2017
GS.TS Đậu Xuân Cảnh
Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Học viện


Kính thưa các Thầy thuốc, các thầy cô giáo  cùng quý vị đại biểu!


Ngày này 62 năm trước, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho ngành y tế nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trong thư, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”.“Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.Lương - y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Người căn dặn: “… Cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”. Dẫu là rất ngắn gọn, nhưng trong thư, Người đã không quên nhắc rằng: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.

Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”  kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế. Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự hết sức vẻ vang đối với chúng ta. Đồng thời, cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm vô cùng thiêng liêng, cao cả của chúng ta đối với cộng đồng, xã hội và dân tộc. 

Hôm nay, Học viện chúng ta long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 62 năm Ngày thầy thuốc Việt nam (27/2/1955 - 27/2/2017) để nhắc lại lời dạy ân cần, thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời để ôn lại truyền thống vẻ vang và xác định rõ hơn trách nhiệm lớn lao của chúng ta được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Họcviện, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các cán bộ, viên chức, các thầy thuốc và đại diện học viên, sinh viên của Học viện đã đến dự buổi lễ trọng thể này.

Kính thưa các Thầy thuốc, các thầy cô giáo  cùng quý vị đại biểu!


Đối với chúng ta, Thật vinh dự và tự hòa vì chúng ta vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo,  hai nghề rất là cao quý, cao quý về sứ mệnh cao cả của mình, sứ mệnh chữa bệnh cứu người, sứ mệnh dạy cho sinh viên làm nghề chữa bệnh cứu người.

Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Học viện Y Dược học cổ truyền (YDHCT) Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong ổn định tổ chức, phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển YDCT. Những năm gần đây, trên cơ sở nắm giữ nền tảng YDHCT và điều tra dự báo nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ YDHCT của xã hội, Học viện thường xuyên điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ, hình thức, loại hình hướng tới đào tạo toàn diện những lớp cán bộ YDHCT đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Đến nay, Học viện đã đào tạo được trên 260 thầy thuốc có trình độ sau đại học, họ là những tiến sĩ, thạc sĩ, BSCKI, BSCKII, BS Nội trú, 6213 Bác sĩ YHCT và nhiều cán bộ y tế ở các trình độ khác. Đặc biệt năm học 2016-2017, Học viện mở chuyên ngành Y đa khoa hệ Đại học chính quy; tăng cường nhiều hình thức đào tạo: chính quy, liên thông, liên kết, ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của người học. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đã hoàn thành 2 đề tài và dự án cấp Nhà nước, 9 dự án và đề tài khoa học cấp bộ, gần 200 đề tài khoa học cấp cơ sở, chuyển giao được 10 quy trình công nghệ về chiết xuất dược liệu, trồng và chế biến cây thuốc, đem lại hiệu quả trong công tác đào tạo và khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học được quan tâm, nhất là đào tạo bác sĩ trung y theo chương trình tiên tiến của Trung Quốc với hình thức du học tại chỗ; liên kết nghiên cứu khoa học với Trường đại học Trung y dược Quảng Châu, Ðại học Trung y dược Thành Ðô(Trung Quốc); đào tạo thạc sĩ điều dưỡng với Trường USF - California, Hoa Kỳ; nghiên cứu, điều trị bằng YHCT với U-crai-na, Tây Ban Nha, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan, Ô-xtrây-li-a, Ấn Ðộ. Hiện đã có trên 500 lưu học sinh tham gia các chương trình đào tạo.

Quy mô, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng được nâng cao. Trong số 541 cán bộ cơ hữu, đã có 12 GS, PGS, 33 tiến sĩ, 125 thạc sĩ và 248 đại học; trong số 54 giảng viên kiêm nhiệm, đều có trình độ GS, PGS, TS, Ths, CKII. Hội đồng chức danh GS cấp cơ sở Học viện đã xét công nhận 13 PGS, là bước tiến mới thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với Học viện.

Năm 2016, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã thực hiện đổi mới tổ chức theo hướng chủ động cung cấp dịch vụ y tế cho người dân, khám chữa bệnh theo chuyên khoa sâu.Việc làm này đã được người bệnh đồng thuận và các thầy thuốc hưởng ứng. Phần lớn các khoa chuyên môn đã tự chủ về tổ chức thực hiện dịch vụ y tế, với kết quả người bệnh được phục vụ tốt hơn, chuyên môn được tăng cường và đời sống cán bộ viên chức được nâng lên, một số khoa đã có mức thu nhập tăng thêm bằng 3 lần lương. Bệnh viện không có biểu hiện tiêu cực.

Toàn bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh đang từng bước phấn đấu cho sự phát triển mạnh để đạt các tiêu chí Bệnh viện đa khoa hạng I vào năm 2020. Đến nay, rất nhiều chỉ tiêu chúng ta đã đạt Bệnh viện Hạng 1, như về trình độ cán bộ, về kỹ thuật thực hiện cho người bệnh.

  Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh từng bước đổi mới để đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu. Trong đó đã tập hợp và thu hút nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà khoa học và các lương y có trình độ,uy tín tham gia; thư viện trường phát triển liên với 6.500 đầu sách, trong đó có nhiều đầu sách quý hiếm về YHCT được sưu tầm, biên dịch và viết mới. Trung tâm tin học, Tạp chí và các ấn phẩm khoa học chuyên ngành YDHCT, các Trung tâm dịch vụ, khoa học kỹ thuật… vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo vừa tham gia phục vụ tốt khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho nhân dân; đồng thời tuyên truyền, cổ vũ, tạo vị thế mạnh mẽ về tác dụng, vai trò của YDHCT trong nước và trên thế giới.

Về cơ sở hạ tầng, Năm 2016, Học viện đã được Bộ Y tế, Chính phủ cho phép triển khai Dự án mở rộng quy mô bệnh viện Tuệ Tĩnh, xây dựng nhà 10 tầng với 100 giường bệnh nội trú; Dự án mở rộng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tại khu đô thị Đại học phố Hiến (Hưng Yên) với diện tích 69,72 ha đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao cho khoảng 8 nghìn sinh viên y dược khoa, học viên sau đại học; 6 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với kết hợp y học hiện đại. Cùng với khu hiệu bộ, giảng đường, ký túc xá, thư viện,… là các khu nghiên cứu công nghệ nuôi trồng dược liệu, lưu trữ gen, sản xuất thuốc và đặc biệt là khu Bệnh viện đa khoa thực hành của trường; và đến năm 2020 Dự án sẽ hoàn thành.

Thưa các đồng chí!

Về hoạt động xã hội, Hằng năm, Học viện tổ chức nhiều hoạt động xã hội, đưa cán bộ giảng dạy cùng học viên đi tới các vùng sâu, vùng  còn nhiều khó khăn như ở Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang… để khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Đây cũng là cách rèn luyện y đức của học viên, các em được tiếp xúc với thực tế cuộc sống, chia sẻ với cộng đồng một cách tự giác chứ không đơn giản chỉ là những yêu cầu qua các bài giảng trên lớp.

45 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Học viện đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng ba cho một tập thể và ba cá nhân giai đoạn 2001-2005; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho mười tập thể, 17 cá nhân; Bằng khen của Bộ Y tế cho 17 tập thể, 46 cá nhân, Cờ luân lưu của Bộ Y tế và của Chính Phủ...

Với tinh thần quyết liệt trong đổi mới, sáng tạo, đội ngũ những người thầy thuốc, cán bộ giảng dạy của Học viện đang nỗ lực, tận dụng tất cả nguồn lực trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ, thực hiện sứ mệnh cao cả đào tạo nguồn nhân lực YDHCT, những cán bộ, lương y, thầy thuốc giỏi, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo tồn, thừa kế, phát huy và phát triển các giá trị của y học dân tộc, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, tạo nên nền tảng vững chắc trong nền y học nước nhà.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu, những đóng góp to lớn của Bác Hồ đối với ngành Y tế Việt Nam. Mỗi cán bộ, nhân viên Học viện cần phát huy nhiều hơn nữa về đạo đức, y đức, phẩm chất của người thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu”. Tất cả cùng đoàn kết, chung tay xây dựng Học viện ngày càng phát triển, góp phần “Xây dựng một nền y học của ta - một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta,dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”. 

Nhân dịp này, Học viện chúng ta có 2 thầy thuốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, đó là, Thầy PGS.TS Nguyễn Duy Thuần – Nguyên Phó Giám đốc Học viện,Thầy ThS. Nguyễn Đăng Tuấn -  Chủ nhiệm Bộ Môn Nhi. Thay mặt lãnh đạo Học viện xin được chúc mừng 2 Thầy thuốc đã nhận được phần thưởng cao quý này. Chúc quý thầy nhiều niềm vui, hạnh phúc và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trên con đường phát triển Học viện.

Kỷ niệm ngày 27/2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ đến Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh – Người thầy đã có công xây nền y học Việt Nam với “Nam dược trị nam nhân” và đề cao phép phòng bệnh với đạo dưỡng sinh; Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các thế hệ hệ thầy thuốc cha anh của Việt Nam, cũng như của nhà trường  đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như phát triển Học viện. Chúng ta tri ân đến tất cả Thầy thuốc các thế hệ đã qua cũng như hiện nay đã và đang ngày đêm xây dựng và phát triển Học viện.

Để có được thành công trong quá trình phát triển Học viện, chúng ta nhận được nhiều sự giúp đỡ của các Bộ, Ban ngành các đơn vị. Xin được gửi tới các đồng chí lời cám ơn chân thành nhất.

Một lần nữa, cho phép tôi thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chân thành cảm ơn các các quý vị đại biểu, các Thầy thuốc, thầy cô giáo, cán bộ viên chức Học viện đã đến dự buổi lễ hôm nay. Xin kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin cảm ơn!

Tin liên quan:

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 62 năm ngày thầy thuốc Việt nam 27/2/1955 - 27/2/2017

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Thành lập Bộ môn Mắt và trao Quyết định công nhận giảng viên thỉnh giảng

Nhiều cơ quan, tổ chức tặng hoa chúc mừng Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam nhân dịp 27/2

Ban Giám đốc - BCH Công đoàn Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức mừng sinh nhật cho các cán bộ CCVC, LĐHĐ có ngày sinh nhật trong Quý 1 /2017.

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt nam tổ chức gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu 2017

Bệnh viện Tuệ Tĩnh chuẩn bị phương án sẵn sàng chăm sóc người bệnh tốt nhất

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn