Truyền hình trực tuyến: Ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não

Date: 02/05/2018Lượt xem: 3876

Truyền hình trực tuyến: Ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não

Suckhoedoisong.vn - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề " Ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim tai biến mạch máu não” vào 9h30, thứ Ba, ngày 24/4/2018. Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Mời các bạn theo dõi video chương trình:

Theo các chuyên gia tim mạch, trong các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim chiếm  tới 73%. Trên thế giới mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong vì nhồi máu cơ tim.

Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, ngay cả trong lúc người bệnh đang ngủ, chơi hay làm việc. Nhồi máu cơ tim thường gặp ở người lớn tuổi, những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,  tim mạch, người ít vận động hoặc có thói quen hút thuốc lá,  ăn nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn … Nhồi máu cơ tim đang có xu hướng  ngày càng trẻ hóa.

Một căn bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề giống nhồi máu cơ tim là bệnh tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế, tai biến mạch máu não  là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút.  Phần nào của não bị chết thì phần phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó, không nói được, hoặc hôn mê...

Theo Hội đột quỵ  Việt Nam, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 .000 người bị đột quỵ. Có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.  Tuy nhiên nhiều người chưa biết rằng, đột quỵ là bệnh có thể cấp cứu, thời gian vàng để xử trí đột quỵ trong vòng 3 giờ.

Vậy dấu hiệu nào nhận biết?  Xử trí ra sao khi gặp các trường hợp nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não? Cần làm gì để phòng ngừa các căn bệnh này một cách hiệu quả?... Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam


PGS.TS. BS CKII Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch C1, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai.


PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội


Dẫn chương trình: Anh Thư

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ&Đời sống bắt đầu từ vào 9h30, thứ Ba, ngày 24/4/2018. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

Hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Trong mỗi chương trình chúng tôi cũng sẽ có những câu hỏi tương tác tới khán giả và những khán giả có câu trả lời chính xác và nhanh nhất, đồng thời like và share thông tin của chương trình sẽ nhận được một phần quà của chương trình.

Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam; PGS.TS.BSCKII Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch C1, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã nhận lời tham gia chương trình.

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :
MC
Thưa PGS.TS.BSCKII Tạ Mạnh Cường, xin bác sĩ có thể cho khán giả của chúng tôi được biết bệnh nhồi máu cơ tim là gì? Bệnh nguy hiểm thế nào?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Bình thường chúng ta nghĩ quả tim chứa nhiều máu, nhưng thật ra là quả tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vòng qua tim, gọi là động mạch vành. Cũng giống như các mạch khác, động mạch vành có thể xơ, tắc hẹp, lúc này dòng máu không đi qua được chỗ tắc đó; cơ tim phía sau chỗ tắc không được nuôi dưỡng gây thiếu máu, tổn thương, hoại tử. Khi đó người ta gọi là nhồi máu cơ tim.

Bệnh NMCT rất nguy hiểm, ví dụ diện NMCT diện rộng, diện tắc tới 70% thì bệnh nhân tử vong ngay lập tức, hay gọi là bệnh nhân đột tử. Ở diện nhồi máu nhỏ hơn thì cơ tim hoại tử, chỗ cơ tim thủng ra người bệnh tử vong. Các biến chứng khác có thể gặp là rối loạn nhịp tim, suy tim...

MC
Trên thực tế Viện Tim mạch Việt Nam, ông có thể chia sẻ về hiện trạng của căn bệnh này không? Bệnh sẽ để lại di chứng thế nào lên người bệnh?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Nhối máu cơ tim là cấp cứu khá thường quy tại Viện Tim mạch Việt Nam, số người bị bệnh là nhiều.

Đáng lưu ý là nếu trước đây NMCT thường gặp ở người cao tuổi thì nay bệnh gặp ở cả đối tượng trung niên, thanh niên cũng không hề ít.

Di chứng quan trọng nhất sau khi trải qua giai đoạn cấp của NMCT là bệnh nhân bị thiếu máu hoại tử cơ tim, suy tim…

MC
Thưa PGS.TS Kiều Đình Hùng, bên cạnh căn bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng là một trong những căn bệnh thường gặp, nhất là người lớn tuổi. Xin BS cho biết, tai biến mạch máu não là gì? Nguy cơ lớn nhất mà bệnh nhân tai biến có thể gặp là gì?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Thực ra tai biến mạch máu não gặp ở người trẻ  người già và nguyên nhân khác nhau. Trong tai biến mạch máu não có 2 trạng thái chính: chảy máu não (có nhiều nguyên nhân: Cao huyết áp, vỡ phình mạch não, vỡ dị dạng mạch máu não) người trẻ phần lớn là vỡ dị dạng mạch máu não, người trung niên thì hay phình mạch máu não, người cao tuổi thì hay vỡ phình mạch não, người lớn tuổi hơn thì hay do tăng huyết áp; Nhũn não là nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, mạch não bị tắc, tắc do bệnh lý xơ vữa động mạch hoặc hẹp lòng động mạch, hoặc   do tổn thương mạch do tiểu đường. Bệnh về tiểu đường tổn thương thành mạch. Các bệnh tim mạch (máu đông trong tim) các bệnh van tim do lưu thông máu không tin do máu cục ở tim bắn lên trên não làm nhồi máu não, nhồi máu ở động mạch nhỏ thường ít ảnh hưởng hoặc không có chức năng ít ảnh hưởng, vùng chức năng quan trọng như vận động thì sẽ bị liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, chức năng dây thần kinh (điếc tai), méo mồm...

Hệ quả đáng tiếc nhất (nếu vỡ phình mạch) nếu mổ không kịp thời, điều trị không kịp thời (lượng máu chảy quá nhanh, nhiều) thì sẽ tử vong  hoặc nếu máu chảy vừa phải vào vùng chức năng khác như vận động sẽ gây liệt nửa người, vùng tiếng nói sẽ bị thất điều (không nói, rối loạn ngôn ngữ) vùng trí tuệ... Nhồi máu não ở động mạch lớn như động mạch cảnh trong, động mạch não giữa thì gây ra tử vong, nếu qua khỏi thì di chứng lớn thường là liệt nửa người. Tùy theo vùng thì sẽ có tổn thương đi kèm.

MC
Nhiều người thường gọi chung nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não là tai biến. Điều này có đúng không? Xin ông có thể giúp khán giả phân biệt dấu hiệu 2 bệnh này thế nào?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Ở trong tai biến mạch máu não thì đúng là đột quỵ. Về sọ não các nguy cơ mắc phải ở người trẻ là dị dạng mạch não (sinh ra đã có) khoảng 5% dân số. Tuy nhiên vỡ lúc nào thì không thể biết trước được. Ở người già có thể không vỡ, trẻ em cũng có thể vỡ. Nguyên nhân hứ hai là U máu thể hang, phình động mạch não. Phình mạch não thường gặp ở người trung niên và có yếu tố bẩm sinh nhưng có một yếu tố liên quan chặt chẽ là bị các bệnh chuyển hóa (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường) chỗ phình ra sẽ bị vỡ.

Nguyên nhân hiện nay chúng ta hay gặp nhất là bệnh rối loạn chuyển hóa nhất là bệnh tiểu đường (rất âm thầm) bệnh tiểu đường gặm nhấm thành mạch rất nhiều. Những nước phát triển như Nhật Bản kiểm soát bệnh chuyển hóa rất tốt nhưng ở VN thì tỷ lệ rất cao, các bệnh tiểu đường, mỡ máu tăng nhanh.

PGS.TS.BSCKII  Tạ Mạnh Cường bổ sung: Về mức độ nguy hiểm thì chúng ta quan niệm như vậy cũng có lợi và cũng đúng về mặt dân gian. Đột quỵ đó là cái gì cấp tính, hậu quả rất lớn. Tuy nhiên đột quỵ là (shock) dùng cho biểu hiện tắc mạch não còn trong tim mạch nhồi máu cơ tim là một thuật ngữ và không gọi là đột quỵ. Có nhiều người gọi là đột quỵ tim nhưng không chính xác là như vậy. Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là hai hậu quả lớn nhất của bệnh lý tim mạch. Mọi cái hướng tới là nhằm ngăn chặn và biến chứng quan trọng này.

Những người có nguy cơ tim mạch lớn thì sẽ là những ứng cử viên của nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não. Những nguy cơ thì có rất nhiều, nguy cơ lớn trong tim mạch là tăng huyết áp những người tăng huyết áp nếu không được kiểm soát huyết áp tốt thì có thể bị nhồi máu cơ tim, mạch máu não. Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), người tiểu đường, người hút thuốc lá và tuổi đời và giới (tuổi cao, nam giới) gặp nhiều hơn, sau 70 thì tỷ lệ mắc bệnh như nhau.

 

MC
Xin bác sĩ có thể cập nhật các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim hiện nay không?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Nhồi máu cơ tim rất đa dạng, có người đau bụng tưởng đau dạ dày và đi nội soi nhưng thực ra là nhồi máu cơ tim ở nhánh sau. Hiện các bệnh viện khi soi dạ dày bắt buộc phải điện tim. Không có là có các triệu chứng rầm rộ mà khi có dấu hiệu đau nào đó thì có thể kiểm tra định kỳ.

Hiện nay phương pháp điều trị tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim rất phát triển. Tùy nguyên nhân mà có cách điều trị nhưng trước hết là phải phòng ngừa và chẩn đoán được càng sớm càng tốt. Tim mạch hơi khác ở não là nhồi máu cơ tim ở người có tiền sử  hoặc lớn tuổi nhưng ngày càng trẻ. Tai biến mạch máu não có thể gặp ở người trẻ, trẻ em. Nếu thấy đau đầu thì phải đi khám để tầm soát dị dạng mạch máu não (có thể nút chỗ phồng để tránh vỡ), tỷ lệ mổ ngày càng ít đi.

Còn người lớn tuổi thì các dị dạng phình mạch thì có thể nút lại thông từ đùi lên. Nếu chảy máu rồi nếu không có máu tụ thì chụp mạch nút mạch lại, điều trị nội khoa. Nếu chảy máu lớn thì phải mổ lấy máu và kẹp mạch lại. Còn bệnh nhân tắc mạch thì có nhiều kỹ thuật (bệnh nhân tự nhiên thấy tối sầm mặt mày). Ngoài tầm soát mạch máu não thì tầm soát các mạch máu nuôi não (động mạch cảnh) nếu hẹp thì đặt stent. Nếu nhũn não rồi, mạch máu não lớn thì dùng các stent hoặc ống lên trên não hút. Ở Tây thì có máy hút chuyên dụng để hút (mỗi lần 15.000 USD), ở VN thì dùng cái rọ lấy máu cục còn mạch nhỏ hoặc mạch lớn đến muộn thì dùng thuốc chống đông làm máu loãng làm cục máu đông tan. Cần đến sớm các cơ sở y tế nếu đến muộn thì sẽ rất khó, nhồi máu diện rộng nếu dùng thuốc chống đông thì sẽ có nguy cơ chảy máu. Việc điều trị đòi hỏi bác sĩ phải có rất nhiều kinh nghiệm.

Lê Mạnh Cường (0933289XXX)
Bố tôi năm nay 63 tuổi, bị tăng huyết áp độ 2. Bốn tháng nay, bố tôi hay đau đầu dữ dội, đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị phình mạch máu não, có thể dẫn tới đột quỵ não. Sau đó, bố tôi đã phẫu thuật kẹp túi phình và dùng thuốc huyết áp. Bố tôi có thể bị tái phát bệnh phình mạch não hay đột quỵ không? Làm thế nào để phòng ngừa việc này xảy ra?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Phình động mạch não ở người lớn tuổi thường là tổn thương thành mạch. Nếu kẹp rồi thì có thể có 2 nguy cơ là sau một thời gian sẽ bị phình ở chỗ khác (như săm xe đập vậy). Đôi khi chỗ phình có thể bị phình tiếp nếu không kẹp sát vào lòng mạch rồi một thời gian sẽ bị phình tiếp (tỷ lệ 10%) để tránh thì phải điều trị huyết áp tốt, bệnh chuyển hóa tốt.

Nguyễn Nguyệt Minh (Nghệ An)
Thưa bác sĩ, xung quang bạn bè, hàng xóm tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bị tai biến, ông nội và bố tôi cũng bị và phải nằm 1 chỗ vài năm cuối cuộc đời. Tôi rất lo mình cũng bị như vậy. Bác sĩ cho hỏi bệnh này có di truyền không? Vì sao tai biến mạch máu não thường xảy ra khi có những thay đổi thời tiết, khi trời quá nóng hoặc thời tiết quá lạnh, số người bị tai biến rất nhiều? Làm sao để phòng bệnh trong những ngày thời tiết như vậy?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Bệnh tai biến mạch máu não không có di truyền. Thứ hai để phòng cần chế độ ăn hợp lý, kiểm tra sức khỏe. Bạn nên chụp cộng hưởng từ não để loại trừ một số nguyên nhân dị dạng mạch máu não, loại trừ cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa. Khi trời lạnh co mạch ngoại biên thì huyết áp tăng và khi huyết áp tăng dễ bị chảy máu não. Người huyết áp cao không nên để bị lạnh kể cả mùa hè nên tắm nước nóng. Còn nóng thì hay bị nhũn não tại vì khi nóng mạch ngoại biên giãn thì huyết áp thấp và cộng mới hẹp mạch não thì nguy cơ thiếu máu não cao.

 PGS.TS Đậu Xuân Cảnh bổ sung:   Nguy cơ hiện nay tai biến mạch máu cao nếu không có sự kiểm soát được. Thậm chí 30-40 tuổi có thể gặp. Kiểm soát nguy cơ là việc quan trọng, chế độ sinh hoạt. Về y học cổ truyền thì tai biến mạch máu não nằm trong chứng thất điều (tình trí), vui quá, buồn quá, sợ quá... nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Y học hiện đại gọi là stress. Hội chứng hiện nay là ăn uống không điều độ, không kiểm soát. Nếu rối loạn lipid máu sẽ gây ra xơ vữa động mạch, huyết áp áp cao nếu không được kiểm soát. Cần kiểm soát tốt về sinh hoạt hàng ngày, về y học cổ truyền hàn (bị lạnh) sẽ làm lưu thông huyết mạch kém gây cục máu đông. Huyết áp cao mà bạn uống nhiều rượu quá sẽ làm nguy cơ tai biến mạch máu não.

Nguyễn Hải Hà (Đại học Sư phạm Hà Nội)
Tôi năm nay 30 tuổi, bị huyết áp thấp dưới 100mm Hg, những lúc bị thường đau đầu nặng, choáng váng, đổ mồ hôi, tôi thường phải dùng thuốc giảm đau. Gần đây tôi có dấu hiệu choáng váng, xây xẩm mặt mày, mọi thứ quay vòng khi thay đổi tư thế. BS cho biết, huyết áp thấp có nguy cơ bị đột quỵ không? Làm cách nào để hết những cơn choáng váng?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Huyết áp thấp ở một nguy cơ đột quỵ cộng thêm xơ vữa động mạch. Huyết áp là tim bóp tốt thì đẩy máu đi khắp nơi, tim yếu huyết áp thấp (tim đập không khỏe). Huyết áp thấp nên chơi một môn thể thao để tim đập khỏe. Dùng thuốc cải thiện tuần hoàn não, kiểm soát, hạn chế về rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, tiểu đường). Thường xuyên kiểm tra mạch máu não và mạch nuôi não.  Nếu huyết áp thấp lâu ngày thì não không được nuôi dưỡng đầy đủ thì gây ra chóng mặt, khó ngủ, ngủ hay mơ,  nhức mỏi mắt, thay đổi thời tiết. Để lâu gây tổn thương não gây ra quên.

PGS.TS.BSCKII  Tạ Mạnh Cường bổ sung:   Huyết áp thấp thì cần phân biệt 2 thể, huyết áp thấp có nguyên nhân (bệnh lý tim mạch ảnh hưởng  sức bóp ở tim)  hoặc huyết áp thấp do nhịp tim quá chậm, hoặc co bóp cơ tim yếu. Chúng ta phải chữa gốc là tim tăng cường co  bóp nhanh,  nhịp chậm thì phải điều chỉnh (máy tạo nhịp).  Huyết áp bình thường từ 90-130mmHg còn huyết áp thấp gây ra tình trạng khó chịu. Khi bệnh nhân mệt quá có thể sử dụng thuốc nâng huyết áp lên, tĩnh mạch chi dưới giãn làm máu chậm trở về tim thì có thể đi tất.

Bệnh nhân có thể dùng thêm sâm để nâng huyết áp lên một chút có thể dùng trà sâm, kẹo sâm có thể dễ chịu hơn.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh bổ sung:   Sâm là thuốc hàng đầu trong đông y để làm bổ khí, cái gì khỏe lên là khí, da dẻ hồng hào đẹp là huyết. Tim là cội nguồn tạo nên công năng để vận hành áp lực trong hệ thống mạch, liên quan đến máu. Tạo huyết áp ổn định để duy trì cơ thể. Trong đông y có bài thuốc để điều trị, tuy nhiên sâm có thể dùng nhưng nếu dùng liều cao thì sẽ có những ảnh hưởng như mệt quá mức (hao khí). Sâm dùng độc vị thì có thể dùng vài ngày, một tuần. Nếu dùng độc vị sâm giá trị phát huy không tốt. Có thể dùng bài thuốc kết hợp để nâng huyết áp. Có thể tập dưỡng sinh, kích thích sự hưng phấn, xoa bóp bấm huyệt...

MC:
Tại BV Tuệ Tĩnh- thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, bác sĩ có hay gặp các bệnh nhân đến khám vì căn bệnh này không? Y học cổ truyền quan niệm thế nào về nhồi máu cơ tim?
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam thường gặp các đối tượng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, than phiền không được khỏe, nặng nề vùng ngực. Sau khi kiểm tra mỡ máu, lưu thông huyết, lưu thông mạch vành, có biểu hiện hẹp động mạch vành. Đối tượng thứ hai là rối loạn mỡ máu tương đối trầm trọng. Đối tượng thứ ba bị nhồi máu cơ tim rồi, đặt stent rồi, họ đến kiểm tra chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nhồi máu cơ tim tiếp. 3 đối tượng đó thường đến với chúng tôi. Còn đối tượng nhồi máu cơ tim thực sự, cấp cứu đa số chúng tôi không tiếp nhận, mà dành cho trung tâm của GS. Cường mới có thể xử lý được. Chúng tôi thường tiếp cận bệnh nhân như vậy.

Về góc độ YHCT, YHCT xếp nhồi máu cơ tim thuộc chứng tâm thống. Ngày xưa các cụ không nhận biết quá sâu về động mạch vành, nhưng nhận thấy ở vùng ngực đau: tâm thống, liên quan hoạt động cơ thể. Theo đông y, có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân có thể do bệnh nhân bị nhiễm lạnh, mạch máu bị co lại. Trong đông y gọi là tình chí bất biểu, nghĩa là vui quá, lo quá, giận dữ quá, buồn rầu quá nếu kéo dài gây rối loạn, ảnh hưởng chức năng của cơ thể, rối loạn chuyển hóa. Anh lo quá, giận dữ quá, buồn rầu quá đều không tốt cho tim. Ăn uống thái quá: đói quá, ăn no quá, ăn theo sở thích quá, ăn nhiều chất mỡ quá gây ra vữa xơ động mạch, gây hẹp lòng động mạch, là nguyên nhân gây ra hình thành cục máu đông. Có thể gây ra tắc mạch. 

MC
Thưa bác sĩ, tôi được biết nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não là những căn bệnh cần phải cấp cứu kịp thời, nếu không bệnh nhân tử vong rất nhanh. Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nào cho thấy một người bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não? Lúc đó chúng ta nên xử trí thế nào?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Khi mà có dấu hiệu chứng tỏ cơ tim bị nhồi máu, hoặc mạch não bị tắc thì có lẽ nhiều người nghĩ dùng an cung ngưu hoàng hoàn là giải pháp cứu cánh nhưng hiện nay các khuyến cáo của Hội đột quỵ, Hội tim mạch thế giới thì quan trọng nhất là người nhà cần liên hệ trung tâm cấp cứu gần nhất để nhân viên cấp cứu có mặt kịp thời tại lúc đó là giải pháp hữu hiệu, cứu cánh cho gia đình trong lúc bối rối như vậy.

Tất cả cái gọi là xử trí sớm, kịp thời không gì tốt bằng đưa bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ, tim mạch lớn càng nhanh càng tốt vì nó có giờ vàng, trong 4h có thể làm đc nhiều việc cho bệnh nhân.

Sau khi tái thông dòng chảy có thể phục hồi được, tránh được các biến cố. Vì nếu để lâu quá tế bào chết đi, cơ tim chết đi, dù có khơi thông dòng chảy được thì khả năng phục hồi cũng kém đi.

PGS.TS Kiều Đình Hùng: Trường hợp bị NMCT, đột quỵ ở nhà là tình uống hay gặp nhưng nếu nghi ngờ người nhà đột quỵ thì theo tôi, không nên dùng thuốc vì chưa rõ nguyên nhân thế nào. Do đó, nên để bệnh nhân chỗ thoáng, ngửa cổ, đừng để lạnh vì mạch co lại huyết áp tăng dễ chảy máu.

Hiện nay nhiều nhà dự trữ An cung tuy nhiên người ta đã tìm ra chất chống đông máu trong an cung, và nếu vấp phải tình trạng nhồi máu não chảy máu thì dùng an cung càng chảy máu hơn, bệnh nhân nhanh tử vong hơn.

Bên cạnh đó trong an cung có kim loại nặng cao nên không nên dùng cái đó.

Người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế trung tâm tim mạch lớn, nên làm tốt nhất trong 3 giờ đầu, sau 4h dùng thuốc tan cục máu đông nhưng hiệu quả thấp hơn dùng hệ thống hút máu cục.
MC
Thưa các chuyên gia, tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim nguy hiểm là vậy. Xin hỏi những bệnh này có cách nào để phòng ngừa không?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Phòng ngừa là mục tiêu chung của ngành y tế và bác sĩ tim mạch vì khi xảy ra rồi hậu quả khôn lường. Bệnh nhân tai biến, đột quỵ đang lao động bình thường thì thành người sống phụ thuộc, gánh nặng với ngành y tế, bản thân người bệnh rất lớn.

Nếu không mắc bệnh thì cần điều trị tốt các bệnh lý tim mạch, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, mỡ máu và không nên sử dụng thuốc lá vì đây là yếu tố gây tổn hại mạch lớn.

Với người có nhiều bệnh phối hợp trên thì cũng cần kiểm soát các yếu tốt rất tốt các bệnh chứ không nên chỉ kiểm soát tốt một thứ, nếu không biến cố tim mạch vẫn xảy ra, phải dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, cần kiểm tra theo dõi để đạt đích điều trị.

PGS.TS Kiều Đình Hùng: Nên có chế độ sinh hoạt phù hợp, tập thể dục giúp hệ thống chuyển hoá hoạt động tốt, chế độ ăn uống phù hợp, không nên ăn quá nhiều thịt, trứng, nội tạng động vật gây cholesterol, không ăn quá nhiều tinh bột dễ gây tiểu đường… kiểm soát tốt mới phòng được bệnh

Phòng tai biến, tim mạch, não… cần khám bệnh định kỳ, siêu âm tim, chụp mạch não…

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Trong sinh hoạt nên điều độ, không để các trạng thái vui buồn quá mức, đây là nguyên nhân gây bệnh. Người có tuổi, người trẻ nên tránh lạnh, không nên chủ quan ngay cả trong mùa hè dễ bị viêm phổi cấp, nhiễm lạnh liên tục “huyết gặp hàn thì ngưng”, chính nó là nguyên nhân hình thành cục máu đông.

Sau tai biến mạch máu não có thể phục hồi châm cứu rất có hiệu quả.

MC
Các dấu hiệu nào chứng tỏ bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

NMCT là thuật ngữ y học, dân gian gọi là đau tim. Đầu tiên là cơn đau, đau ngực, đau trước tim… Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường phối hợp và đang dùng thuốc điều trị bệnh lý này. Hoặc hút thuốc lá nhiều nay đột nhiên xuất hiện đau ngực khác lạ, chưa thấy đau bao giờ, đau sâu, không đau nông, đau có tính chất chèn ép, co thắt, đau từ vài đến 15p, không kéo dài quá 1h, lan lan cổ, răng ê, lan hai bên tay, ngón tay út cũng đâu. Sau 15p cơn đau hết thì có lẽ cơn đau với tính chất như vậy cần nghĩ đến NMCT và ngay lập tức liên hệ cấp cứu ở nơi gần nhất.

Tương tự, với bệnh nhân đột quỵ, tự nhiên người bệnh nói khó, uống nước chảy một bên, tay không cầm nắm được, chân yếu đi… với trường hợp nặng bệnh nhân đi vào hôn mê. 

Chúng tôi cũng cảnh giác 1 triệu chứng nữa, người bệnh đã từng mắc nên đi kiểm tra sức khoẻ như đột ngột làm rơi đũa bát, cầm không chắc, nhìn tối sầm tuy rất nhanh và hồi phục nhưng đó là đột quỵ thoáng qua… Người dân nên đi khám để phòng đột quỵ thực sự.

Độc giả
Thưa PGS TS Cảnh, tôi được biết, trong y học cổ truyền có nhiều bài thuốc được cho là có thể điều trị ngay tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Ví dụ như an cung ngưu hoàng hoàn. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng có thể khiến bệnh nhân nguy kịch. Theo quan điểm của y học cổ truyền, an cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng với 2 bệnh này hay không? Nhiều người dùng thuốc này như một cách dự phòng tai biến có đúng hay không?
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bài thuốc dùng cho tai biến mạch máu não, có 2 khái niệm: trúng phong kim lạc và trúng phong tạng phủ.

Sau khi trúng phong, nếu liệt nửa người tỉnh táo gọi là trúng phong kim lạc.

Nếu rơi vào trạng thái hôn mê, không biết gì cả thì cả trúng phong tạng phủ. 

Một là chảy máu não (chiếm 10-20%), nhồi máu não (chiếm 80%) là chính, có cục máu đông, gây tắc nghẽn.

An cung ngưu hoàng hoàn, trường hợp nhồi máu não khá phù hợp. Còn nếu xuất huyết não phải chống chỉ định.

Có người nhồi máu não cục bộ thì được nhưng nhồi máu não lan tỏa càng làm nặng lên. Nên phải hài hòa, phải đưa bệnh nhân đến cấp cứu ở bệnh viện, nơi có thể chẩn đoán ngay là tai biến mạch máu não, nhồi máu não hay.... Bởi y học hiện nay tiến bộ, nếu nhồi máu não có thể dùng các thuốc  nhanh trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Trước 4 tiếng đồng hồ cứu sống rất an toàn.

Nhồi máu cơ tim thuộc tâm thống, bản chất đau ngực khủng khiếp, nếu dùng thuốc này phải rất cẩn thận song song với nó, như GS. Cường nói, phải cấp cứu kịp thời. Từ khi đau tim đến khi cấp cứu, từng giây nó gây thiếu máu, làm tế bào cơ tim hoại tử. Cần phải song song cấp cứu khẩn cấp trong y tế. Song song với nó phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế tim mạch. 

MC: Có nên dùng An cung ngưu hoàng hoàn để phòng bệnh không?

PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh: Để xác định nó là loại thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc bổ. Khi uống vào nó gây ra giảm nguy cơ đông máu, thậm chí tan máu. Một số lâm sàng cấp cứu do tự ý dùng một cách thái quá. Cấp cứu thậm chí xuất hiện phủ tạng, thậm chí đa phủ tạng. Nếu uống thì phải chia nhỏ ra, thay vì 1 ngày uống 1 viên thì 3 ngày uống 1 viên. Chưa có bằng chứng cho thấy dùng để phòng bệnh có thể giảm nguy cơ bệnh. 

Nếu tự ý dùng, có thể tăng nguy cơ tự xuất huyết của cơ thể. Nhiều trường hợp tự ý dùng đã phải cấp cứu ở bệnh viện lớn.

PGS.TS.BSCKII Tạ Mạnh Cường trả lời: Khi có dấu hiệu chứng tỏ cơ tim bị nhồi máu, hoặc mạch máu bị tắc, thông thường chúng ta nghĩ An cung là giải pháp. Đến giờ, các khuyến cáo, chúng tôi thấy rằng quan trọng nhất cần liên hệ với trung tâm cấp cứu gần nhất. Ở Hà Nội, có cấp cứu, sự có mặt của nhân viên y tế ngay thời điểm đó là giải pháp hữu hiệu, là cứu cánh cho gia đình. Cho đến bây giờ, sự cứu sống kịp thời không có gì tốt bằng đưa người bệnh đến trung tâm đột quỵ hay trung tâm tim mạch lớn. Cơ tim hay não cũng thế thôi. Như GS. Cảnh nói, có giờ vàng, trong 4 giờ đầu có nhiều việc làm cho bệnh nhân. Sau khi tái thông dòng chảy có thể hồi phục được. Lâu quá tế bào chết đi, kể cả cơ tim chết đi. Sau giờ vàng đó, khả năng hồi phục khó hơn rất nhiều. 

PGS.TS Kiều Đình Hùng bổ sung: Không nên dùng thuốc. Ngửa cổ ra, đừng để lạnh nhất là mùa đông, vì lạnh mạch co lại, huyết áp càng tăng. Không hiểu sao thuốc nhà nào cũng dùng An cung. Đông y gọi là hoạt huyết, trong đó có chất chống đông máu. Nếu nhồi não chảy máu, dùng An cung càng chảy máu hơn, dễ nhanh chết. Trong trường hợp nhũn não dùng được, nhưng ở nhà không biết nguyên nhân. Phải đến bệnh viện chẩn đoán mới biết. Tự ý dùng ở nhà rất nguy hiểm. Giải pháp tốt nhất không nên dùng thuốc mà cấp cứu ngay đến bệnh viện chàng nhanh càng tốt. An cung kim loại nặng rất cao. Khuyên là không nên dùng. 

Phòng bệnh dùng cách khác. Dùng đông máu aspirin liều nhỏ sẽ tốt hơn rất nhiều so với dùng an cung. Quan trọng nhất hiện nay là giờ vàng điều trị. Những người điều trị ở đô thị lớn, đến trung tâm chống đột quỵ, như ở Bạch Mai rất tốt. Đến trước 4 giờ sau tai biến, người ta hút cục máu đông ra, chỉ sau vài tiếng bệnh nhân liệt hết liệt luôn. Hoặc Đại học Y Hà nội họ làm rất tốt. Vấn đề còn liên quan đến hệ thống cấp cứu nữa. Các bác sĩ can thiệp kỹ thuật cao không phải lúc nào cũng có sẵn, tổ chức cấp cứu rất tốt mới có thể làm được 3 giờ đầu. Cục máu đột quỵ chỉ có thể làm trong 3-4 tiếng đầu, sau 4 tiếng dùng thuốc tan cục máu đông, nhưng thuốc hiệu quả chậm hơn là hút máu cục. 

Độc giả
Thưa PGS Cảnh, một trong những hậu quả thường gặp của tai biến mạch máu não là tình trạng liệt nửa người hoặc liệt một phần cơ thể, đi lại vận động khó khăn? Vậy xin hỏi bác sĩ, sau tai biến, người bệnh nên tập luyện phục hồi chức năng vận động thế nào? Làm sao để tránh tái phát bệnh?
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh :

Nguyên tắc của tai biến mạch máu não, sau khi qua giai đoạn cấp, cứu sống bệnh nhân thì tính đến phục hồi nhanh cho bệnh nhân. Như GS. Hùng nói khi hút máu đông đã là giải pháp phục hồi, 1-2 tiếng sau chân đã đi lại được rồi. Trong phục hồi có 2 phần: phục hồi tổn thương vận động và phục hồi tổn thương tâm thần. Có những rối loạn tổn thương, tùy theo vị trí mạch não tổn thương, mức độ tâm thần kinh của họ thế nào. Có thể hoạt động ngôn ngữ giảm, hay sinh hoạt thiếu chủ động, tất cả hoạt động đó đều cần phải tiến hành phục hồi. Ngoài phục hồi sớm ccòn tôn trọng tư thế suy nghĩ cơ thể: để họ tự ngồi dậy, tay ở tư thế cơ năng để phục vụ cho hoạt động sau này, từng bước một đưa họ ra khỏi giường nằm. Khi họ tỉnh táo rồi, hướng dẫn cho họ tự đọc và hướng dẫn người nhà chăm sóc ngay từ ban đầu. Sau khi cấp cứu, thì phải đến giai đoạn phục hồi, thầy thuốc phục hồi rồi hướng dẫn cho người bệnh, người nhà phục hồi, liên hoàn. Phải hợp tác với y tế thì quá trình hồi phục nhiều hay ít tùy thuộc vào tổn thương ở não: khu trú hay lan tỏa. Nếu tổn thương não, vị trí không ảnh hưởng nhiều đến trí nhớ, thì có thể phục hồi tương đối tốt. Ngoài vị trí còn do mức độ tổn thương nếu nó lan rộng thì vô cùng khó khăn. Khi có sự cố như vậy, cần lưu ý phục hồi ngay trên giường bệnh cấp cứu càng sớm càng tốt, không chỉ thầy thuốc mà bản thân bệnh nhân, người nhà liên tục phối hợp. 

Bạn Trần Huy Đông
 
(Thái Bình)
Tôi năm nay 59 tuổi, tôi bị bệnh động mạch vành đã 3 năm nay. Gần đây tôi cảm thấy căng tức ở ngực, ngày từ 1-3 lần, có lần chỉ thoáng qua, nhưng có ngày bị vài phút, thỉnh thoảng thấy rất mệt khi vận động. Tôi bị tăng huyết áp 20 năm nay. Đi khám bác sĩ bảo tôi thiếu máu cơ tim, làm các xét nghiệm được chẩn đoán co thắt động mạch vành và cơ tim dưới màng trong tim. Xin bác sĩ cho biết tôi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim không? Bệnh của tôi có cần đặt stent không, nếu can thiệp như vậy tôi có khỏi bệnh không?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Bác là người có nguy cơ tim mạch, hiện hữu là tăng huyết áp, có biểu hiện đau ngực, với tính chất như vậy bác có thể bị chứng đau ngực không ổn định, cơn ngắn thì càng đặc hiệu, bác có nguy cơ mắc động mạch vành.

Do đó cần xem xét động mạch vành có bị hẹp hay không, có thể chụp cắt lớp đa dãy, dựng hình động mạch vành mà không cần thiết đưa ống thông vào tim để chụp.

Từ đó sẽ rõ biểu hiện hẹp, tắc hay không, nếu từ 70% trở lên thì có thể khai thông ĐMV, tái tưới máu cho ĐMV đó, sau đó dùng thuốc đúng đủ thì có thể kiểm soát được nó.

Nguyễn Hải Triều
 
(098425XXX)
Cách đây 1 tuần, một bà mới hơn 50 tuổi ở gần nhà em mất vì đột quỵ. Em nghe nói lúc phát hiện ra bác nằm dưới đất, cả nhà tưởng trúng gió nên cạo gió, rồi lấy kim chích đầu ngón tay. Xin hỏi BS nếu người bị đột quỵ, làm như vậy có tác dụng gì không, em nghe nói mấy cách này được phổ biến rất nhiều trên mạng?
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh :

Trong đông y, đứng trước trường hợp thống phong có thể bị hôn mê, miên man. Có thể khai khướu, bằng cách dùng kim châm vào 10 đầu ngón tay. Nếu hôn mê sâu, thì không được, phải cấp cứu là chính. Dùng huyệt ở rốn hoặc huyệt dự tuyền ở lòng bàn chân. Nếu người hôn mê, động tác để bệnh nhân nằm tư thế ngửa cổ, như GS. Hùng nói để lưu thông không khí. Nếu hôn mê vừa, có thể châm 10 đầu ngón tay, nhưng nếu không có chuyên môn sâu không được, phải đưa cấp cứu ngay. Tư thế ngửa cổ, tỳ gáy để đường thở tốt, phòng thiếu oxy não. Nếu không có hôn mê, người bệnh vẫn nhận biết thì có thể châm 10 đầu ngón tay, nhưng phải là người có chuyên môn mới được làm. 

PGS.TS Kiều Đình Hùng bổ sung: (MC: Có cơ sở khoa học nào cho các phương pháp cứu người đột quỵ như độc giả nói không? )

Tôi nghĩ là như GS. Cảnh nói, nếu không có hiểu biết về đông y thì nên để bệnh nhân nằm hơi cao, cổ ngửa ra lưu thông đường thở, không để bệnh nhân bị lạnh, chứ nếu can thiệp không đúng cách có thể làm bệnh nhân nặng hơn. 

Bạn đọc giấu tên hỏi
Thưa bác sĩ tôi 32 tuổi, sức khỏe tốt, tập thể dục thể thao thường xuyên như tennis, bơi lội, chỉ mỗi nghiện thuốc lá và cà phê. Dạo gần đây tôi cảm thấy đau tức ngực, sau khu vực xương ức, bên trái, có lúc lan lên cổ. Tôi tìm kiếm trên mạng và thấy có nhiều triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Nghe mọi người bảo nên mang theo thuốc aspirin để phòng nếu xuất hiện dấu hiệu đau ngực thì uống. Xin hỏi bác sĩ, trẻ khỏe như tôi có thể mắc bệnh của người già hay không? Tôi có nên uống thuốc aspirin khi đau tức ngực không?
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Vấn đề là bạn hút thuốc lá nhiều đó là yếu tố làm xơ vữa động mạch. Chúng tôi cũng cấp cứu nhiều người trẻ bị NMCT rồi, bị bệnh thì cực kỳ nặng, cơ tim lần đầu tiên thiếu máu trầm trọng khác với người cao tuổi là thiếu máu dần dần và có sự thích nghi.

Bạn hút nhiều thuốc có thể liên hệ tư vấn bỏ hút thuốc lá; tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, làm các xét nghiệm máu nếu có nguy cơ cần điều chỉnh. Nếu có cơn đau xuất hiện rồi cần làm điện tim, siêu âm tim, chụp động mạch vành cắt lớp để xem xét rõ để phòng NMCT và tai biến mạch máu não.

Nguyễn Anh Khang
 
(Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)
Thưa các bác sĩ! Ba tôi bị tai biến lần 2 cách đây 4 năm, lần đầu bị nhẹ, lần sau thì nặng hơn. Hiện giờ ba tôi bị liệt tay phải, méo miệng, đi lại khập khiễng. Cho tôi hỏi, hiện trạng của ba tôi có thể phục hồi như bình thường được không? Để đi được như vậy thì điều trị như thế nào, tôi nghe nói các biện pháp phục hồi chức năng của đông y như châm cứu, điện châm, thủy châm rất tốt phải không? Cảm ơn các bác sĩ!
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh :

Nếu ba bạn bị tai biến lần 2, hiện bị liệt, có nhu cầu cần phục hồi, phục hồi chức năng rất quan trọng với cụ hiện nay. Song song là phòng chống tái phát lần 3. Về phục hồi chức năng, xoa bóp, bấm huyệt đem lại hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên hồi phục mức nào 30%, 100% tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Không thể nói chắc với bạn là phục hồi 100% được. Nói chung cứ cố gắng phục hồi được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.  

Hồng Minh
 
(Phú Thọ)
Chào các chuyên gia, và PGS Hiếu, bố tôi bị tắc hẹp mạch vành 85%, nhưng sau khi phẫu thuật đặt stent mạch vành ông vẫn đau nhức ngực. Vậy có cách nào khắc phục được không? Người ta bảo như vậy dễ bị nhồi máu cơ tim có phải không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường :

Như vậy có nghĩ mạch vành của bố bạn đặt stent tái thông rồi, có trường hợp vẫn bị đau ngực. Thật ra mạch vành bệnh nhân tổn thương trên đoạn mạch dài, mạch máu đi về phía xa càng nhỏ. Có thể nong được động mạch lớn nhưng hệ mao mạch đằng sau vẫn không phải hệ mao mạch khoẻ mạnh, có thể thiếu máu cơ tim tồn lưu vẫn có thể đau ngực.

Do đó cần tăng cường chức năng mao mạch, dòng chảy phụ thuốc vào thuốc dùng hàng ngày. Vừa chống tắc stent, chống xơ vữa động mạch, dùng thuốc rồi cũng cần xem xét các nguyên nhân khác gây đau ngực như viêm loét dạ dày cũng biểu hiện trên ngực và ngược lại, hoặc đơn giản như xem thoái hoá cột sống cổ gây chèn ép rễ thần kinh cũng gây đau ngực…

Tốt nhất bệnh nhân nên dùng đầy đủ thuốc, nên đi khám tìm hiểu nguyên nhân ngoài tim để có hướng điều trị thích hợp.


Tin liên quan:

Truyền hình trực tuyến: Phương pháp ưu việt trong chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp

Điều trị bệnh tai biến mạch máu não bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền

Áp dụng phương pháp châm cứu trong điều trị hội chứng cổ vai gáy

Làm đẹp không đúng cách: tiền mất, tật mang

Điều trị Thoát vị đĩa đệm bằng Phương pháp y học cổ truyền

Khoa châm cứu Bệnh viện Tuệ Tĩnh: Kế thừa, phát huy, phát triển sáng tạo nền y học cổ truyền Việt Nam

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn