Học thuyết tạng tượng ( Phần 1)

Date: 17/05/2012Lượt xem: 73776

“Tạng” là các tổ chức cơ quan ở trong cơ thể

“Tượng” là biểu tượng của hình thái, sinh lý, bệnh lý của nội tạng phản ánh ra bên ngoài cơ thể. Vì thế quan sát cơ thể sống để nghiên cứu quy luật hoạt động của nội tạng gọi là “tạng tượng”.

Nghiên cứu sự hoạt động nội tạng của cơ thể là dựa vào sự phát triển của giải phẫu học ở một mức độ nhất định. Giải phẫu học xưa đã có nguồn gốc rất sớm, các sách “tố vấn”, “linh khu” và Hải Thượng Lãn Ông đã ghi chép rất nhiều kiến thức nói về giải phẫu. Nhưng học thuyết “Tạng Tượng” lại không hoàn toàn dựa vào giải phẫu học, nó là một thứ học thuyết theo sự chỉ đạo của quan điểm “Người và hoàn cảnh bên ngoài là một thể thống nhất” mà quan sát cẩn thận và nghiên cứu nhiều lần ở con người sống, đồng thời thông qua chứng nghiệm thực tiễn chữa bệnh lâu dài và dùng học thuyết âm dương ngũ hành để nói rõ thêm. Vì thế chúng ta cần phải có nhận thức về học thuyết “Tạng tượng” dưới đây:

·         Mỗi một tạng, không phải chỉ là thực chất cơ quan trong giải phẫu học mà chủ yếu bao gồm cơ năng hoạt động sinh lý của tạng đó và mối liên hệ hữu cơ giữa tạng đó với các tạng khác.

·         Hệ thống hoạt động của tổ chức cơ quan dựa vào mối liên hệ lẫn nhau trong hoạt động sinh lý của các tạng mà phân chia ra.

·         Học thuyết tạng tượng đã phản ánh đầy đủ sự thống nhất trong nội bộ cơ thể và sự thống nhất giữa cơ thể với hoàn cảnh bên ngoài. Tính thống nhất này biểu hiện ở chỗ hoạt động sinh lý, bệnh lý của hệ thống ngũ tạng quan hệ với sự thay đổi của 5 mùa quan hệ lẫn nhau giữa các tạng phủ với các tổ chức phần ngoài cơ thể, với hoạt động tư duy của con người.

Nội dung của tạng tượng bao gồm: mọi tổ chức cơ quan và qui luật của chúng: tâm, can, tỳ, phế, thận, đờm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang, tâm bào, não, tủy, cốt mạch, tử cung, kinh lạc, khí huyết, đinh vệ, tinh khí thần, tân dịch cho đến da, lông, gân, thịt, móng, tóc, tai, mắt miệng, lưỡi, mũi, tiền âm, hậu âm. Trong những tổ chức cơ quan này theo tính chất và công năng của chúng để phân loại, quy nạp, chia thành ngũ tạng (5 tạng), lục phủ, phủ kỳ hằng ngũ quan, cửu khiếu và tinh, khí, thần vv… Nhờ đó số nội tạng được sắp xếp có hệ thống tiện cho việc nhận thức và nắm vững vấn đề.

 

 

 

LỤC PHỦ

 

Đởm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quan, tâm tiêu gọi là lục phủ. Công năng của lục phủ là tiêu hoá thức ăn uống, hấp thu và phân bố tân dịch, bài tiết phế liệu và cặn bã, chỉ nên tả ra mà không nên tàng chứa cho nên lục phủ lại có tên là “phủ truyền hoá”.

ĐỞM

Đởm bám vào gan, công năng sinh lý của đởm vừa có quan hệ tới sự tiêu hoá của thức ăn, vừa quan hệ tới hoạt động tinh thần. Vì thế đởm vừa được xếp vào lục phủ, vừa được xếp vào phủ kỳ hằng. Đởm chứa nước mật, cho nên đởm lại được gọi là “phủ trung tinh”; Nước mật có vị đắng, cho nên khi đởm khí nghịch lên thì có chứng miệng đắng. Nếu nước mật tiết vào vị, theo vị khí nghịch lên, thì thành chứng nôn ra nước đắng.

Tinh của đởm là cương trực, cương thì hào hùng quả cảm, cho nên thiên linh đan bí điểm luận sách Tố Vấn gọi đởm là chức vụ trung chinh, chủ việc quyết đoán. Người có đởm khí hào hùng thì khí của ngũ tạng lục phủ cũng vì đó mà cương thịnh dù có bị kích thích từ ngoài tới sự việc qua thì trở lại bình thường ngay được đó là cái lẽ thường nói: “Khí nhờ đởm mà mạnh, tà không can phạm được”. Trái  lại, người đởm khí hư nhược hễ bị kích thích từ ngoài tới thì khí huyết rối loạn, thường gây thành bệnh. Ngoài ra, người đởm hư yếu cũng thường có những chứng tinh thần thất thường, mất ngủ hay sợ sệt, trong lòng nơm nớp không yên.

VỊ

Vị ở dưới cách mạng, trên tiếp với thực quản, dưới thông với tiêu trường, miệng trên gọi là “bí môn”, miệng dưới gọi là “u môn”, bí môn cũng gọi là “thượng quản”, u môn cũng gọi là “hạ quản” ba vùng gọi là “vị quản”. Thức ăn uống từ miệng vào, qua thực quản rồi vào vị cho nên vị gọi là “đại thượng”. Cái kho lớn hoặc gọi là “bể của thủy cốc”.

Vị có công năng thu nhận và tiêu hoá cơm nước, nếu vị có bệnh thì sẽ xuất hiện các chứng vùng bụng chướng đau, chướng đầy, tiêu hoá không tốt, đói không muốn ăn, nôn mửa, nuốt chua, hoặc tiêu cơm chóng đói.

Khí huyết của cơ thể là chất tinh vi trong đồ ăn uống hoá sinh, bắt nguồn ở vị. Vì thế vị vừa là bể của thủy cốc, vừa là nguồn gốc của khí huyết. Sự vận động của lục phủ ngũ tạng, chân tay xương khớp đều nhờ vào sự dinh dưỡng của khí huyết, cho nên người có vị khí sung bại không thu nhận được cơm nước thì tiên lượng phần nhiều là không tốt. Người xua có nói: “ăn được thì tốt, không ăn được thì chết” tức là nói về tình huống này.

TIỂU TRƯỜNG

Phía trên, tiểu trường tiếp với u môn, thông với vị, phía dưới tiếp với “Hạ lan môn” thông với đại trường. Công dụng chủ yếu của tiểu trường là phân biệt thanh trọc, cơm nước trong vị sau khi đã chín nhừ đi qua u môn chuyển xuống tiểu trường, tại đây lọc lựa ra thứ thanh thứ trọc, thanh là tân dịch, trọc là cặn bã, thanh thì được hấp thu chuyển vào các bộ phận, cuối cùng thì thấm vào bàng quang; trọc thì chuyển xuống đại trường. Cho nên thiên linh đan bí điểm luận sách Tố Vấn nói: “Tiểu trường giữ chức vụ thu thành, vật biến hoá từ đó mà ra”. Nếu tiểu trường mất chức năng gạn lọc, không tách ra được thanh trọc, thì thủy dịch ở bàng quang sẽ giảm sút, tiểu tiện ngắn, ít, thậm chí bí đái, đồng thời cả thanh và trọc trong tiểu trường đều dồn xuống đại trường mà có chứng đại tiện lỏng.

ĐẠI TRƯỜNG

Đại trường bao gồm 2 bộ phận: hồi trường và trực trường,  đầu cuối trực trường gọi là giang môn (phách môn). Đại trường có công dụng hấp thụ phần nước gọi là “tế bí biệt trấp” vì cặn bã ở tiểu trường dồn xuống sau khi được đại trường hấp thụ phần nước mới thành phân. Vì thế đại trường là một cơ quan truyền tống cặn bã và làm cho cặn bã thành hình. Cho nên thiên linh đan bí diễn luận sách Tố Vấn nói: “Đại trường giữ chức truyền tống, vật đã biến hoá từ đấy mà ra”. Nếu đại trường hư  hàn, mất công năng “tế bí biệt trấp” thì có các chứng sôi bụng đau xoắn ỉa chảy. Trái lại, đại trường thực nhiệt, dịch ruột khô ráo thì xuất hiện chứng táo bón.

BÀNG QUANG

Bàng quang ở vùng bụng dưới, là chỗ chất nước dồn góp lại. Công dụng của bàng quang là bài tiết nước tiểu cất giữ tân dịch. Nước tiểu là sản vật của quá trình khí hoá, cũng như mồ hôi từ tân dịch hoá ra, cho nên thiên linh bí điển luận sách Tố Vấn nói: “Bàng quang giữ chức châu đô tân dịch chứa ở đó, khí hoá thì có thể thải ra”.

Nước tiểu từ tân dịch hoá ra, tân dịch thiếu, ít thì có chứng đái không thông. Trái lại, đái quá nhiều thì hao tổn tân dịch. Cho nên bàng quang có tác dụng chủ việc thải nước tiểu và giữ tân dịch lại.

TAM TIÊU

Tam tiêu là đường nguyên khí phân bố thức ăn uống chuyển hoá ra vào, chủ khí, chủ thủy, coi toàn bộ hoạt động khí hoá trong cơ thể.

Duy trì quá trình khí hoá chủ yếu nhờ nguyên khí mệnh môn. Khí hơi thở và khí cơm nước ở tràng vị. Nguyên khí mệnh môn là khí căn bản của tam tiêu. Nguyên khí đi vào tam tiêu phân bố khắp người để thúc đẩy mọi hoạt động sinh lý của các tổ chức cơ quan. Khí trời do phế khi hấp thu vào, giao khí với khí cơm nước của tràng vị tại khí hơi nhờ tác dụng túc giáng của phế và sự hoạt động của tâm mạch, tuyên tán khắp trong ngoài để cung cấp dinh dưỡng.  Cốc khí (khí cơm nước) nguyên khí, phế khí, nhờ đường tam tiêu mà vận hành khắp trong ngoài toàn thân, thấu khắp 12 kinh mạch, ngũ tạng lục phủ, cơ nhục, hoàn thành cả loạt tác dụng khí hoá của cơ thể.

Nói khí hoá, tức là làm cho những vật chất nào đó trong cơ thể hoá thành khí, khí lại hoá thành một số vật chất nào đó trong cơ thể. Đó cũng chính là qúa trình sinh hoá của sự hoá khí, hấp thụ thành hình bài tiết các thức của đồ ăn uống trong cơ thể. Cho nên thiên vinh vệ sinh hội sách Linh khu nói: “Thường tiêu như sương mù, trung tiêu như bọt nước sủi, hạ tiêu như nước chảy”

Sương mù là hình dạng khí thượng tiêu man mác như sương mù, xủi là hình dạng thức ăn uống chín nát ở trung tiêu, nước chảy là hình dạng chất nước ở hạ tiêu được thải ra. Cho nên nói tam tiêu là đường ra vào của thức ăn uống, chủ việc tuần hoàn và bài tiết thủy dịch của cơ thể.

Như những điều nói trên, tam tiêu có hai công năng chính: là chủ trì các khí, hai là thông điều đường nước nhưng tam tiêu có chia ra thượng, trung, hạ và mỗi phần đều có đặc điểm riêng, nay trình bày từng phần sau:

a) Thượng tiêu: từ họng xuống đến miệng trên dạ dày, công dụng chủ yếu của thượng tiêu là:

·         Thu nạp chất ăn uống không để nôn ra ngoài

·         Tiếp thu khí thủy cốc từ vị ra, phân bố khắp vùng cơ biểu toàn thân, để  ôn dưỡng cho cơ nhục, các khớp và da dẻ.

b) Trung tiêu: Ở trung quản vị (từ miệng trên dạ dày xuống miệng dưới dạ dày). Công dụng chủ yếu của trung tiêu là:

·         Chín nhừ thức ăn uống, chứng hoá tân dịch

·         Tiếp thu tinh khí của thủy cốc, hoá sinh ra sinh khí

c) Hạ tiêu: Từ trung tiêu xuống chỗ vùng bụng dưới, công dụng chủ yếu của hạ tiêu là: gọn lọc chất thanh, chất trọc, bài tiết chât bỏ đi, khí của hạ tiêu đi xuống chủ đưa ra mà không nhận vào.

Như trên có thể thấy được thượng, trung, hạ, tam tiêu bao gồm đủ ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch, có những công dụng hô hấp, tiêu hoá thức ăn uống, hấp thụ, bài tiết sinh hoá khí huyết. Cho nên mới có công dụng của tam tiêu quan hệ với công năng khí hoá của toàn bộ cơ thể.

 

 

NGŨ TẠNG

 

 

Ngũ tạng bao gồm tâm, can, tỳ, phế, thận, 5 thứ này đều có cùng dạng tàng chứa tinh khí. Tinh khí là cơ sở của hoạt động sinh mệnh chỉ nên cất giữ lại mà không nên tản ra cho nên gọi là ngũ tạng.

Tâm (phụ thêm tâm bào và đản trung)

Tâm là chủ đề sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể, các tạng trong cơ thể phân công hợp tác dưới sự thống lĩnh của tâm mốc có thể hoạt động theo quy luật nhất định được. Vì thế, ảnh hưởng của tâm đối với sinh mệnh rất lớn, công năng chủ yếu của tâm biểu hiện ở 2 mặt như sau:

1. Tâm chủ thần minh:

 “Thần minh” là hoạt động của tinh thần, ý thức tư duy, “tâm chủ thần minh” là nói tâm làm chủ đề hoạt động ý thức, tư duy. Cho nên trên lâm sàng thấy những bệnh có liên quan tới “thần kinh” như: hồi hộp, phiền nóng trong tim hoảng sợ, mất ngủ, nói sảng, hôn mê, cười không nghĩ vv… phần nhiều quy vào phạm vi bệnh của tâm, hoặc cho là có quan hệ với tâm.

Ngũ tạng lục phủ dưới sự chủ đề của “thần” tiến hành hoạt động sinh lý nhịp nhàng thống nhất với nhau. Nếu tâm có bệnh, thần không tự chủ được thì hoạt động của tạng phủ sẽ mất nhịp nhàng cân đối, làm cho sinh lý bị rối loạn, mà sinh ra bệnh. Chính vì tâm chủ thần minh, làm chủ của ngũ tạng lục phủ nên mỗi khi bị tà khí xâm phạm thì uy hiếp rất lớn đến sinh mệnh. Cho nên thiên linh đan bí điểm luận sách Tô Vấn nói: “Tâm giữ chức vụ quân chủ, thần minh từ đó mà ra…Cho nên chủ không sáng suốt thì 12 tạng đều nguy”.

2. Tâm chủ huyết mạch, tinh hoa của tâm phô ra ở mặt:

Huyết là do tâm làm chủ, mạch là do đường ống của huyết lưu hành, tâm với huyết mạch phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Trong việc thúc đẩy sự vận hành tuần hoàn của huyết dịch, tuy tâm với mạch có sự hợp tác với nhau, nhưng làm nên tác dụng chủ động vẫn là tâm. Vì thế huyết tuy có công năng dinh dưỡng vẫn phải nhờ vào sự hoạt động của tâm mạch. Màu sắc tươi tốt của 3 thứ tâm huyết mạch phản ánh ra ở mặt, cho nên theo sự biến đổi màu sắc ở mặt, có thể biết được sự thịnh, suy, hư thực của 3 thứ tâm, huyết mạch điều này giúp phần nào cho việc chẩn đoán lâm sàng.

Nếu người có công năng của tâm thần được kiện toàn huyết mạch được thịnh vượng thì sắc mặt hồng nhuận sáng bóng có thần, trái lại thì nhợt nhạt, không tươi. Nếu huyết vận hành bị trở ngại, huyết dịch bị ngừng trệ thì sắc mặt hay thấy xám đen, nếu huyết ngừng đọng không lưu thông, mất dinh dưỡng thì chẳng những sắc mặt bị sạm đen mà còn khô như củi nữa.

Tâm chủ thần minh, lại như huyết mạch, thần nhờ huyết khí mà tươi sáng, huyết khí mà bất hoà thì thần minh thường cũng mất bình thường. Cho nên tâm khí hư thì thần sút kém mà buồn bã.

Tâm khí thịnh thì thần mạnh khoẻ mà cười luôn.

Hoạt động của thần minh cũng ảnh hưởng đến huyết mạch, nếu lo buồn tư lự quá độ thì tổn thương tâm khí. Sự hoạt động của ngũ tạng, lục phủ, lại cần nhờ vào sự nuôi dưỡng của khí huyết. Vì thế hoạt động của thần minh, huyết mạch, tạng phủ có liên hệ chặt chẽ với nhau; từ đó mà đã nói rõ được tâm là chủ thể sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể là chủ toàn diện.

Phụ thêm: tâm bào lạc và đản trung

Tâm bào lạc là cái màng ở ngoài bọc lấy tim, lạc bám vào màng là đường của khí huyết thông hành, gọi chung là tâm bào lạc. Tâm bào lạc (là tổ chức phần ngoài của tạng tâm) có tác dụng bảo vệ tâm – tà khí xâm phạm vào cơ thể nói chung đều từ ngoài vào trong, từ biểu vào lý cho nên tà khí phạm tâm trước tiên là phạm vào tâm bào lạc – Tà ở tâm bào đã có thể ảnh hưởng đến công năng mà xuất hiện ra chứng tạng của tâm, cho nên bệnh tâm thường được gọi là như vậy, phần nhiều chỉ vào tà khí ở bào lạc của tâm mà không phải thật đúng là bệnh của tâm.

Đản trung ở chỗ giữa hai vú trên ngực là chỗ tụ tập của tôn khí gọi là “khí hải”. Tôn khí là động lực của huyết mạch vận hành và hô hấp, ngôn ngữ. Tâm chủ huyết mạch, phế chủ khí, coi về thanh âm cho nên bệnh của đản trung phần nhiều có liên quan tới tâm, phế khí hải không đủ, thì thiếu khí không đủ để nói, khí hải dồi dào thì khí đầy ở lồng ngực ảnh hưởng đến phế thì sinh bệnh khó thở, ảnh hưởng tới tâm thì thấy chứng mặt đỏ.

CAN

1. Can chủ sơ tiết:

Can chủ sơ tiết, coi sự phân bố dương khí của toàn thân, tương ứng với khí sinh phát của mùa xuân.

Khí của can thường cấp bức mà dễ càng thịnh, thích vươn chải thoải mái mà ghét gò bó uất trệ, cho nên thiên linh đan bí điển luận sách Tố Vấn ví can là: “giữ chức tướng quân”. Nếu can khí hữu dư thì làm cho người ta hay sợ sệt, hay kinh khiếp. Nếu can khí sơ tiết quá độ, can dương càng thịnh lên thì sẽ xuất hiện chứng đầu mặt choáng váng, mắt đỏ, chảy máu mũi, nếu can khí bị uất ức, không sơ tiết được thì thành bệnh can khí uất kết như những chứng ngực khó chịu, sườn đau.

2. Can tàng huyết:

Can tàng huyết khác với tâm chủ huyết, can tàng huyết là chỉ vào việc điều tiết lượng huyết, tâm chủ huyết là chỉ vào sự vận hành tuần hoàn của huyết dịch.

Sự hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, cần phải nhờ sự dinh dưỡng của huyết dịch, lượng lưu thông của huyết dịch lại thường tùy thuộc vào sự lao động nghỉ ngơi, động tĩnh nên có sự thay đổi. Khi vận động mạnh thì lượng lưu thông của huyết cần phải tăng thêm. Khi nằm ngủ thì lượng lưu thông của huyết lại giảm bớt, công năng điều tiết lượng huyết như vậy là nhờ vào can. Cho nên thiên ngũ tạng sinh thành sách Tố Vấn nói: “người ta ngủ thì huyết vào can”. Nếu can mất chức năng tăng huyết thì sẽ xuất hiện chứng ngủ đêm không yên.

3. Can chủ gân:

Tinh hoa của can phô ra ở móng tay, móng chân. Gân bám vào xương, sự thu co dãn duỗi của gân chủ về việc vận động của khớp xương. Sự dinh dưỡng cần thiết cho gân lại nhờ vào sự cung cấp của can. Vì thế bệnh ở gân phần nhiều có quan hệ với can.

Ví dụ: Người già động tác chậm chạp, vận động không nhanh nhẹn là vì can không dinh dưỡng cho gân, vì sự thu co dãn duỗi của gân bị thất thường mà xuất hiện chứng co giật cấp tính cũng thường có quan hệ với bệnh can.

“Can chủ cân” “móng tay là phần thừa của cân” màu sắc hình thái của móng tay có quan hệ rất lớn đến can và cân. Nói chung sức cân khoẻ mạnh thì móng phần nhiều là mềm. Can đởm có bệnh thì móng tay dài băng ra, cho nên người bệnh can nhiệt thì hay thấy chóng mặt, da xanh, móng khô.

 

TỲ

1. Tỳ chủ việc vận hoá:

Sự tiến hoá hấp thụ thức ăn và quá trình vận chuyển tân dịch là do sự chung sức hợp tác với nhau của tỳ và vị mà nên việc. Tiêu hoá thức ăn là công năng của vị, mà hấp thu vận chuyển các chất dinh dưỡng lại cần nhờ vào tỳ. Cho nên tỳ là tạng vận hành tân dịch cho vị phải thông qua đường kinh mạch để phân tán hoàn thành. Vì là các kho cấp dưỡng cho ngũ tạng lục phủ, đường kinh mạch túc thái âm thông với vị thuộc vào tỳ, tân dịch trong vị do tỳ hấp thụ, thông qua đường kinh mạch túc thái âm mà vận chuyển vào kinh túc dương minh với thái âm kinh có quan hệ biểu lý với nhau cho nên tân dịch được tỳ hấp thu cũng thông qua đường kinh túc dương minh mà phân bố đến 3 kinh dương.

Tóm lại, các bộ phận trong cơ thể cần phải nhờ vào sự luân chuyển tân dịch của tỳ mới được nuôi dưỡng như thế quá trình tỳ chứa việc vận hoá chất tinh vi trong đồ ăn uống cũng là cái lẽ mà thầy thuốc đời sau gọi tỳ là “nguồn gốc của hậu thiên”.

Trong quá trình tiêu hoá đồ ăn uống hấp thu chất dinh dưỡng phân bố tân dịch, tuy tỳ với vị mỗi thứ làm chủ một mặt nhưng hai thứ này vẫn ảnh hưởng lẫn nhau vì thế tỳ có tính thấp (ướt) mà chỉ việc đưa lên, vị có tính chất (khô) mà chủ việc đưa xuống tỳ thấp vị táo, táo với thấp cũng làm việc chung nấu thức ăn mới được tiêu hoá. Tính vị chủ việc đưa xuống cho nên cơm nước mới được đưa xuống dưới. Tính tỳ chủ việc đưa lên, cho nên tân dịch nhờ đó mới được tiếp thu, mộc thấp, mộc táo, mộc thăng, mộc giáng mới có thể hoàn thành được toàn bộ qúa trình vận chuyển thức ăn.

Tỳ tuy tính thấp, nhưng lại có thể vận hoá thủy thấp, khi thủy thấp của người ta nhờ sự vận hoá của tỳ mới có thể bài tiết liên tục mà không ứ đọng lại. Nếu tỳ hư không chuyển vận mạnh mẽ được thì sẽ làm cho thủy thấp ngưng đọng, thậm chí sinh ra các bệnh đàm ẩm, phu thủy. Thủy thấp ngưng đọng lại trở ngại đến hoạt động cơ năng của tỳ, như vậy gọi là “thấp hại tới tỳ thổ” đời sau theo lẽ này mà nói là “tỳ chủ thấp mà lại ghét thấp”.

2. Tỳ chủ về tay chân:

Tay chân nhờ dương khí mà hoạt động, dương khí hoá sinh ra được từ các chất tinh vi trong đồ ăn uống, bắt nguồn ở vị, chuyển vận ở tỳ. Vì thế sức hoạt động mạnh hay yếu của chân tay có quan hệ chặt chẽ với tỳ. Nếu tỳ không thể thay cho vận hành tân dịch thì tay chân không được ôn dưỡng của dương khí mà không có sức vận động, lâu ngày có thể thành chứng tay chân bại liệt, không chủ động được.

3. Tỳ cơ nhục tươi tốt ra ở môi:

Thức ăn uống vào vị, qua sự vận hoá hấp thu của tỳ để dinh dưỡng cơ nhục. Công năng của tỳ mạnh khoẻ, cơ nhục được nuôi dưỡng đầy đủ thì người béo đẫy. Nếu tỳ bị bệnh đến nỗi bị trở ngại cho sự tiêu hoá hấp thu, cơ nhục không được dinh dưỡng đầy đủ thì người sẽ vàng gầy dần dần, cho nên thiên suy luận sách Tố Vấn nói: “Tỳ chủ về cơ nhục của toàn thân”. Tỳ và vị là biểu lý với nhau, kinh mạch của vị vòng quanh miệng môi. Tỳ vừa chủ về cơ nhục lại vừa có mối quan hệ bên trong với miệng môi. Theo sự phân đổi màu sắc hình thái của miệng môi, có thể phản ánh được bệnh của tỳ, vị, cơ nhục. Thường thấy ở những người tỳ hư dinh dưỡng không tốt thì môi miệng thường vàng úa không tươi. Nếu tinh khí của tỳ kiệt hết, cơ nhục mất tính năng bình thường thì sẽ xuất hiện các chứng lưỡi liệt, môi lật ra (chỗ nhân trung đầy lên).

Vì bệnh của tỳ thường phản ánh ra ở cơ nhục môi, miệng, cho nên thầy thuốc xem xét màu sắc trạng thái của cơ nhục môi, miệng thì có thể đoán biết được tình hình sinh lý, bệnh lý của tỳ, cũng có thể tiên lượng suy đoán được bệnh của tỳ sẽ tốt hay xấu.

4. Tỳ thông huyết:

Tỳ có quan hệ chặt chẽ với huyết, huyết là tinh khí của đồ ăn uống hoá ra, bắt nguồn ở trung tiêu tỳ vị cho nên thầy thuốc đời sau có nói: “tỳ là nguồn sinh ra huyết, tâm là tạng phủ về huyết”.

Tỳ chẳng những có thể sinh huyết mà còn có công dụng thống nhiếp huyết dịch. Tỳ khi khoẻ mạnh mới có thể duy trì được sự vận hành bình thường của huyết dịch mà không bị tràn ra ngoài. Nếu tỳ khí hư suy, mất chức năng thống nhiếp huyết dịch thì huyết dịch sẽ chảy tràn ra ngoài mạch mà xuất hiện các chứng xuất huyết khác.

 

 

PHẾ

 

1. Phế chủ khí:

Khí là vật chất trọng yếu, cơ thể nhờ khí để duy trì sự sống, có hai nguồn: một là tinh khí trong đồ ăn uống, hai là khí trời hút vào người. Khí trời từ phía ngoài do phế hút vào, khí của đồ ăn uống từ phía trong cơ thể, do tỳ mạch chuyển dẫn lên phế, hai khí ấy kết hợp lại chứa vào khí hải ở lồng ngực gọi là “Tông khí”. Tông khí là nguồn gốc của khí trong toàn thân đi ra họng thở để làm hô hấp, dồn vào tâm mạch, phân bố khắp toàn thân. Cho nên hàm nghĩa của phế chủ khí chẳng những phế coi việc hô hấp mà còn nói toàn bộ khí của cơ thể khắp trên dưới trong ngoài đều do phế làm chủ.

2. Phế trợ tâm, chủ việc trị tiết:

Trị tiết có nghĩa là quản lý rành mạch, không rối loạn, có thứ tự rõ ràng, ở đây là chỉ vào sự hoạt động sinh lý có quy luật. Sở dĩ các tổ chức tạng phủ trong cơ thể hoạt động có quy luật nhất định, tuy do công dụng “tâm chủ thần minh” của tâm, nhưng vẫn cần được sự hỗ trợ của phế. Cho nên thiên linh đan bí điển luận sách Tố Vấn nói: “Phế giữ chức tướng phó việc trị tiết từ đó mà ra”. Tác dụng tướng phó của phế biểu hiện về mặt huyết mạch, chủ yếu là ở mối quan hệ tác dụng lẫn nhau giữa khí và huyết. Tâm chủ huyết, phế chủ khí, cơ thể nhờ sự vận hành tuần hoàn của khí huyết để vận chuyển chất dinh dưỡng, duy trì hoạt động cơ năng và quan hệ nhịp nhàng giữa các tạng và quan hệ nhịp nhàng giữa các tạng phủ. Sự vận hành của huyết, tuy do tâm làm chủ nhưng phải nhờ vào tình hình thoải mái của phế khí mới có thể vận hành bình thường. Khí của toàn thân tuy do phế làm chủ nhưng cần phải nhờ sự vận hành huyết mạch mới có thể thông đạt khắp toàn thân. Tâm với phế, huyết với khí nương tựa nhau, tác thành cho nhau, gây tác dụng cho nhau rất chặt chẽ. Cho nên đời sau có cách nói: “khí là thống soái của huyết, huyết là thứ phối hợp với khí, khí lưu hành thì huyết lưu hành, chỗ nào huyết đi đến thì khí cũng đi đến”

3. Phế chủ túc giáng, thông điều thủy đạo:

Nước uống vào vị, tinh khí của nước qua sự chuyển vận của tỳ mà dồn lên phế, phế khi túc giáng thì thủy dịch theo đường thủy đạo của tam tiêu mà xuống thấu bàng quang; nếu phế mất khả năng túc giáng sự thay cũ đổi mới của thủy dịch sẽ bị trở ngại, thì thủy dịch sẽ dồn đọng lại, tiểu tiện sẽ không thông, thậm chí thành bệnh thủy thũng. Vì thế tiểu tiện có thông lợi hay không, thường có quan hệ tới công năng túc giáng của phế. Người ta có nói: “phế là nguồn trên của nước” là lẽ này.

4. Phế chủ bì mao:

Sự liên quan giữa phế với bì mao chủ yếu ở hai mặt dưới đây:

·         Phế chủ khí, coi việc hô hấp là cơ quan chính để trao đổi khí, ở trong ngoài cơ thể, mà lỗ chân lông, da, cũng có tác dụng tán khí, cho nên lỗ chân lông cũng gọi là “khí môn”.

·         Da lông nhờ sự hun nóng của phế khí mới được tươi nhuận. Vì thế, phế khí đầy đủ thì da lông mỡ màng, tươi nhuận; phế khí suy kiệt thì da lông khô khan xơ xác.

Chính vì thế với da lông có mối liên hệ chặt chẽ, cho nên da lông bị tà khí, tà khí có thể truyền vào phế loại cảm lạnh mà ho là một ví dụ rất rõ rệt. Người bệnh phế hư thì da lông cũng thường hư yếu, chẳng những dễ ra mồ hôi mà còn dễ bị cảm ngoại tà.

 

 

%2

Tin liên quan:

Đại cương về kinh lạc ( phần 2)

Đại cương về kinh lạc ( phần 1)

Đại cương về kinh lạc

Thiên nhiên hợp nhất

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn