Thông điệp truyền thông Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết

Date: 05/07/2017Lượt xem: 4535

HỎI - ĐÁP VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính gây ra. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc làm cho công tác điều trị và chống dịch gặp nhiều khó khăn. Bệnh nặng có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em và gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội.

2. Bệnh SXHD là bệnh truyền nhiễm gây dịch với nhiều người mắc vậy biểu hiện của bệnh SXHD như thế nào?
Bệnh SXHD thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

3. Tại sao lại gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue, có phải là có nhiều nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết không?
Do triệu chứng nổi bật hay gặp nhất của bệnh là sốt, xuất huyết và bệnh do vi rút Dengue gây ra, chính vì vậy, bệnh có tên là sốt xuất huyết Dengue. Sở dĩ có thêm chữ Dengue trong tên bệnh là để phân biệt với các bệnh sốt xuất huyết do các tác nhân khác. Tuy nhiên, trong nhân dân, bệnh thường được gọi với tên ngắn gọn là bệnh sốt xuất huyết. 

4. Tác nhân gây bệnh SXHD là vi rút Dengue và một người có thể bị mắc bệnh không phải chỉ có một lần đúng không?
Bệnh SXHD do vi rút Dengue gây ra với 4 typ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 typ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng typ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXHD lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những typ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4. 

5. Nguồn truyền nhiễm của bệnh SXHD là gì?
Người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch SXHD cứ một trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.

6. Người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh vậy bệnh SXHD được lây truyền như thế nào?
Bệnh SXHD không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Muỗi truyền bệnh SXHD được gọi là vector truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh SXHD.

7. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt vậy loài muỗi nào là vector chính truyền bệnh SXHD? 
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh SXHD, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi ưa thích hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC.

8. Muỗi truyền bệnh SXHD thường sinh sản ở đâu?
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như bể, thùng, lu, vại chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng. Thậm chí trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong suốt đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần vài chục trứng. 

9. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC, vậy ở Việt Nam Bệnh SXHD thường xuất hiện ở đâu? 
Ở Việt Nam, bệnh SXHD là bệnh lưu hành rất phổ biến. Bệnh xuất hiện cả ở 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Tuy nhiên bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc bệnh ít gặp hơn. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là những nơi rất thuận lợi cho dịch bệnh SXHD bùng phát.

10. Bệnh SXHD thường xảy ra vào thời điểm nào trong năm?
Bệnh SXHD thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Trong năm, bệnh SXHD phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch SXHD khoảng 3-5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra. 

11. Những người nào và lứa tuổi bao nhiêu thường bị mắc bệnh SXHD? 
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue đều có thể bị nhiễm vi rút Dengue và mắc bệnh. Tuy nhiên, ở vùng bệnh lưu hành nặng như miền Nam và nam Trung bộ nước ta, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn, còn ở các vùng khác khả năng mắc bệnh của trẻ em và người lớn là như nhau.

12. Bệnh SXHD được truyền sang người qua muỗi đốt vậy làm thế nào để phòng bệnh SXHD?
Hiện nay, bệnh SXHD chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh sốt xuất huyết. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng tại hộ gia đình cụ thể như sau: 
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, khạp, các vật dụng chứa đựng nước; thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp thường xuyên; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).
- Phòng chống muỗi đốt: mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; dùng các biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình. Người bị sốt xuất huyết hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXHD cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

13. Tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến như thế nào?
Như đã nói ở trên, sốt xuất huyết là căn bệnh do muỗi Aedes truyền, có khả năng lan rộng nhanh và đe dọa tính mạng con người. Trên thế giới, bệnh sốt xuất huyết lưu hành trên 100 quốc gia ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số khu vực khác như châu Phi, châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; số trường hợp mắc sốt xuất huyết phân bố từ thành thị đến nông thôn. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 3 tỷ người sống tại các vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành với 50-100 triệu ca mắc và tỷ lệ chết/mắc lên tới 2,5% hàng năm. 
Tại khu vực Đông Nam Á, 10 nước ASEAN đang trong tiến trình hợp tác về văn hóa, xã hội nhằm cải thiện khả năng của khối ASEAN trong việc kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh sốt xuất xuất huyết và chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.
Hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó tính đến ngày 03/6/2014 tại Malaysia tăng 258%, Úc tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2013.
     Tại Việt Nam, tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận số trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm 49,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực miền Bắc giảm 19,0%, miền Trung giảm 81,3 %, miền Nam giảm 26,5%, Tây Nguyên giảm 86,1%. Có 21 tỉnh từ đầu năm đến nay không ghi nhận trường hợp mắc. Tuy nhiên chúng ta không được lơ là chủ quan và phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng. Không có bọ gậy/lăng quăng, không có sốt xuất huyết. 
Để kiểm soát bọ gậy/lăng quăng, mỗi gia đình phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra tại nhà. Bộ Y tế xây dựng bảng kiểm tra lăng quăng tại hộ gia đình hàng tháng:

htpp://vncdc.gov.vn
 

 

 

 

 

 

Link xem Video Thông điệp truyền hình phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika:
https://www.youtube.com/watch?v=yEyCmmB55hY














 










 
 
 
 

  
 































Tin liên quan:

Thông báo về việc nhận đơn phúc khảo kì thi Học phần Chuyên môn tổng hợp - Đợt 1 năm 2017

Lịch phát sóng chương trình tai biến mạch máu não và chương trình Châm cứu điều trị hội chứng cổ vai gáy

Thông báo Chương trình Học bổng Ấn Độ dành cho Việt Nam năm 2017 - 2018

Thông báo về việc nhận đơn phúc tra Tuyển sinh Sau đại học đợt 1 năm 2017 (có mẫu kèm theo)

Thông báo lịch phát sóng Hội thảo khoa học đào tạo chuyên khoa YHHĐ và YHCT kết hợp với YHHĐ cho đối tượng bác sĩ YHCT trên các kênh thông tấn Báo chí

Thông báo về việc truy cập miễn phí Tạp chí quốc tế (Nhà xuất bản Karger - Thụy Sĩ)

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn