Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Lên đường chi viện, kêu gọi kết nối và sẻ chia với tâm dịch tỉnh Bắc Giang

Date: 03/06/2021Lượt xem: 4152
Cùng với các lực lượng tuyến đầu, đoàn công tác của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã xung kích tham gia đội tình nguyện lên đường chi viện Bắc Giang trong công tác truy vết, khoanh vùng Covid-19.




Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên đường chi viện, kêu gọi kết nối và sẻ chia với tâm dịch tỉnh Bắc Giang

Hưởng ứng lời kêu gọi cả nước đồng tâm chi viện cho tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng chống dịch COVID - 19 của Cục khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế. Ngày 26/5/2021, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã ra Quyết định số 450/QĐ-HVYDHCVN về việc tham gia hỗ trợ công tác, phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang, cử 36 viên chức, sinh viên tham gia cùng đoàn. Công tác chống dịch và triển khai nhiệm vụ, đón nhận nhiệm vụ của những thành viên đoàn được triển khai nhanh chóng và khẩn trương như: tập huấn chuyên sâu, khám kiểm tra sức khỏe và test nhanh SARS-CoV-2 cho các thành viên tham gia đợt 1.

Sáng 27/5, tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã diễn ra buổi lễ tiễn đoàn lên đường đến Bắc Giang nhận nhiệm vụ. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng và những ánh mắt yêu thương của Ban lãnh đạo Học viên, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thay cho lời căn dặn đoàn, là động lực, niềm tin cho mọi người quyết tâm chung sức cùng Bắc Giang và cả nước đẩy lùi dịch bệnh.  

Trước giờ phút chia tay lên đường nhận nhiệm vụ, Ban Lãnh đạo Học viện cùng đoàn tình nguyện làm lễ dâng hương tại tượng đài Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh. Những lời dặn dò, ánh mắt và cái nắm tay của lãnh đạo Học viện thay cho lời căn dặn, cổ vũ tinh thần giúp đoàn tình nguyện vững tin tiến về Bắc Giang- nơi ấy người dân đang mong chờ.


Tạm biệt Học viện, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình với biết bao tâm trạng của cả người đi và ở lại, 36 thành viên của đoàn công tác Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên xe rời Hà Nội đến tuyến dịch tỉnh Bắc Giang, tuy không nói ra nhưng tất cả đều có chung một quyết tâm cùng các y bác sỹ tuyến đầu đồng lòng dập dịch, để người dân nhanh chóng trở lại cuộc sống đời thường. 

Vượt qua chặng đường dài, ngay sau khi đến Bắc Giang với bữa cơm chóng vánh, đoàn công tác của Học viện tiến thẳng đến tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang. Không ai bảo ai, tất cả nhanh chóng bắt tay ngay vào việc đã được phân công, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và hòa cùng các y bác sỹ làm các nhiệm vụ và công việc thần tốc, thần tốc và thần tốc... đưa mẫu làm xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Đoàn tình nguyện của Học viện ai nấy đều hăng hái như những xung kích ra trận tuyến, quên hết thời gian, mệt mỏi và sợ hãi trong cái nắng nóng như đổ lửa, họ đã lạc quan ghi trên áo dòng chữ: “ Mệt chỉ là cảm giác”. Bắt tay thực hiện công việc khi mọi người còn chưa thức dậy và trở về khi mọi người đã say giấc. Thế nhưng, trên xe thay bằng việc nghỉ ngơi sau một ngày dài vất vả, họ vẫn cất cao lời ca biết ơn thầy cô, mái trường, nơi họ đã gắn bó rèn luyện, học tập để hôm nay làm được nhiều việc có ích cho đời. 


Trút bỏ bộ đồ bảo hộ cấp 4 còn sũng nước, đôi bàn tay nhăn, quắt lại do ngâm mồ hôi cả ngày, họ ăn vội bữa tối lúc đêm khuya. Trước khi lên giường ngả lưng, có người chỉ kịp viết vội mấy dòng chia sẻ trên trang cá nhân thay cho dòng nhật ký để lưu lại những giây phút đáng nhớ của trận chiến dịch bệnh trong thời bình tại Bắc Giang: “chúng tôi đã bước sang ngày thứ 2 ở tâm dịch Việt Yên, nơi đây đã và đang có rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế quan tâm và chỉ đạo đồng hành cùng các chiến sỹ áo trắng chúng tôi cùng sát cánh bên người dân phòng, chống, chữa dịch bệnh covid -19. Ngày hôm nay, 36 người – chúng tôi lấy 2068 mẫu và gửi đi. Đêm xuống lúc nào không hay, cởi đồ bảo hộ ra với thấy mình ướt sũng như chuột, mũi, tai đau nhức, những vết hằn do đeo khẩu trang trên mặt vài tiếng sau mới đỡ, đôi bàn tay thì mỏi nhừ, nhăn nheo, xịt sát khuẩn đến đâu xót đến đó,…Đấy là mới ngày thứ 2 thôi, thấm tháp gì so với nhiều chiến sỹ áo trắng khác đã ở đây trong những ngày đầu phát dịch. Tôi ngưỡng mộ họ, chúng tôi đến sau, sẽ tiếp sức cho họ…và phải cố gắng để làm tròn nhiệm vụ theo những gì Ban lãnh đạo Học viện đã căn dặn… khi nào hết dịch mới về…”. Lại có những dòng tin nhắn vội vừa thương, vừa hài hước: “ Chị ơi, điện thoại của em hỏng rồi, không gửi hình ảnh hôm nay về báo cáo chị được đâu, mai chị nhé”. Hóa ra, vì sát khuẩn cho điện thoại nhiều cồn, lại “ trộn” cùng mồ hôi, nên cháy màn hình điện thoại.



Trên trang cá nhân, bạn Hồng Nhung, bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh, Phó Bí thư đoàn trường Học viện cho biết: Ngày thứ 2 đến Bắc Giang, các bạn sinh viên được chia làm 2 nhóm, tham gia điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ở thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên. Để đảm bảo an toàn, Nhung cùng mọi người phải đeo găng tay cao su và mặc bộ đồ bảo hộ kín mít suốt ca làm việc. “Thời tiết nóng bức, mồ hôi ướt sũng chảy từ trán xuống khiến mắt tôi cay xè. Bàn tay, bàn chân nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay nhiều giờ liền.Thậm chí, vì đeo mặt nạ và kính bảo hộ trong thời gian dài, khuôn mặt của tôi cũng bị trầy xước với những vết sẹo đỏ thẫm”. Thế nhưng em viết “ Thầy trò chúng em đang sống những ngày đẹp nhất mà các học trò thường nói: sống như chưa từng được sống. Nơi đây, giữa mặt trận chống dịch sục sôi ý chí can trường của đội ngũ y tế cả nước và của cả nhân dân Bắc Giang chúng em đã có những ngày rực lửa nhất của cuộc đời. Và xin dành riêng cho “ Biệt đội săn Covid VUTM” yêu thương của tôi những tự hào, những cảm phục. Cảm phục vì các em đã không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, cộng thêm phải khoác lên người bộ bảo hộ cấp 4, của những ngày làm việc triền miên nhiều giờ đồng hồ…”



        Chia sẻ với phóng viên hôm làm lễ ra quân, Lưu Thị Hà (SN 1999) là sinh viên năm cuối, chuyên ngành Bác sĩ y học cổ truyền, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam cho biết, ngày 27/5, khi nhận được lời kêu gọi, Hà cùng 36 cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường đã tình nguyện đăng ký đến huyện Việt Yên, Bắc Giang để phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng dập dịch. Hà cũng cho biết, để đảm bảo phòng chống dịch, trong ca làm việc, Hà cũng như mọi người còn phải nhịn uống nước và đi vệ sinh. Đây là lần đầu tiên Hà cùng các bạn sinh viên Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam được tham gia vào quá trình lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ các địa phương chống dịch. Do chưa có kinh nghiệm chống dịch, ban đầu, cô gái 23 tuổi còn khá bỡ ngỡ trước áp lực cùng điều kiện làm việc khắc nghiệt. Sau dần cũng thành quen, Hà nhanh chóng bắt kịp với công việc.

Nhận thấy công việc nhiều lại vất vả, Hà và các bạn chia nhóm làm việc luân phiên theo ca để đảm bảo tiến độ, sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng theo sự huy động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang. “Đoàn có 29 bạn nữ và 7 bạn nam. Chúng tôi cũng gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe, thể lực nhưng khi đến đây, tôi và các bạn được tập huấn rất kỹ về chuyên môn, kỹ năng phòng, chống dịch, hỗ trợ người bệnh phòng, chống COVID-19”, Hà tâm sự. Thực sự, lời chia sẻ của Hà cũng như các tình nguyện viện đoàn công tác Học viện tại Bắc Giang được lan truyền trên face book  của Học viện rất vội vàng nhưng rất đỗi cảm động và thu hút được nhiều người quan tâm, chia sẻ, động viên. Khi những hình ảnh đôi bàn tay họ, những giây phút tranh thủ ngả lưng cũng đủ để chúng ta - những người may mắn đang ngồi trong nhà, bật điều hòa, ăn bữa cơm gia đình…mới thấy trân trọng cuộc sống này và thấy mình thật may mắn, và ở nơi ấy, đồng nghiệp của chúng ta cùng các em sinh viên tình nguyện - các chiến sỹ áo trắng ở mọi miền tổ quốc vẫn đang tất bật với công việc ngành y cùng người dân chiến đấu với bệnh dịch COVID-19 đang hoành hành ở Bắc Giang cũng như trên cả nước. Hãy tiết kiệm những chi tiêu không cần thiết, hãy lên tiếng và kết nối với Học viện để xem cá nhân và đơn vị mình có thể làm và giúp được gì đó cùng các chiến sỹ ngành y tại tâm dịch Bắc Giang, nhằm phát huy tinh thần đùm bọc, sẻ chia.









Một số hình ảnh tổ chức, cá nhân ủng hộ đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch bệnh Covid-19:







T/h: Vân Anh; Ảnh: Hồng Nhung, Anh Tuấn

Tin liên quan:

Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19

Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tập huấn phòng chống dịch bệnh Covid - 19 cho cán bộ, nhân viên Học viện

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam hợp tác với các bệnh viện thực hành

Học viện YDHCT Việt Nam làm việc với Tập đoàn TH

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Trao giấy khen cho 13 Đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" 5 năm liền (2016 - 2020)

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn