Chiều 26.4, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng”, với mong muốn giúp sinh viên trang bị hành trang vững chắc về việc học đặc thù của khối ngành Y Dược tại bệnh viện nói riêng và các cơ sở y tế nói chung.
Tọa đàm cho sinh viên Học viện: Làm thế nào để trở thành bác sĩ lâm sàng giỏi? Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ; PGS.TS.BS Đoàn Quang Huy - Phó GĐ Học viện, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trưởng Bộ môn Nội ; PGS.TS.BS Nguyễn Đức Tiến - Tổng Thư ký Hội ngoại khoa và phẫu thuật nội soi Việt Nam, Nguyên Phó Giám đốc trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam; PGS. TS. BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và phẫu thuật nội soi Việt Nam, Phó Giám Đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam; TS.BS cao cấp Cao Việt Tùng - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng khoa Điều trị tích cực ngoại tim mạch, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam; TS.BS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện đào tạo và Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Phó Trưởng khoa điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung Ương, TS.BS Trần Anh Tuấn - Bí thư Đoàn thanh niên Học viện, Phụ trách Trung tâm thực hành tiền lâm sàng, Trưởng khoa Nội Bệnh viện Tuệ Tĩnh và các em sinh viên của Học viện Y – Dược học Việt Nam.
Trong khuôn khổ buổi toạ đàm các chuyên gia, bác sĩ đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của sinh viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Tại đây, sinh viên được nghe chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành về câu chuyện học lâm sàng và kinh nghiệm học như thế nào để đạt hiệu quả cao. Theo các chuyên gia, thực hành lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành Y. “Lâm” là đến gần, “sàng” là cái giường (nghĩa là giường bệnh). Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị. Thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh...
Vai trò của thực hành tiền lâm sàng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình cho biết, để đào tạo ra người bác sĩ cần có các yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Trong đó, kiến thức được các thầy, cô trang bị cho sinh viên ở trên giảng đường. Người thầy thuốc muốn biến lý thuyết thành kỹ năng và rèn luyện thái độ tốt thì hoàn toàn phải học tập từ lâm sàng. Kỹ năng tiền lâm sàng là một phần của kỹ năng y khoa cơ bản và được chia thành ba phần: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thăm khám và Kỹ năng thủ thuật. Đào tạo kỹ năng tiền lâm sàng giúp người học thành thạo các kỹ năng thăm khám, giao tiếp, xét nghiệm, thủ thuật và kỹ năng điều trị. Tất cả những điều này sẽ giúp sinh viên tự tin hơn, thái độ thực hành tốt hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân thật sự. Đào tạo tiền lâm sàng là đào tạo mô phỏng bệnh.
PGS.TS Phạm Quốc Bình phát biểu tại buổi tọa đàm
Theo PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình, buổi tọa đàm ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với các bạn sinh viên, thầy cô giảng viên và với nhà trường. Chương trình sẽ giúp các bạn sinh viên mới như Y1, Y2 cùng các bạn y lâu năm hơn được lắng nghe câu chuyện, kinh nghiệm lâm sàng từ các thầy chuyên gia, những nhà nghiên cứu đầu ngành trong công tác giảng dạy, khám chữa bệnh và nghiên cứu lâm sàng. Trong khuôn khổ tọa đàm các chuyên gia, bác sĩ đã chia sẻ cho sinh viên của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam những câu chuyện thú vị về lâm sàng và tiền lâm sàng. Các bác sĩ nhấn mạnh rằng để trở thành một bác sĩ giỏi, các sinh viên không được rời xa lâm sàng. Muốn được đi được lâm sàng ngoài kiến thức lý thuyết, sinh viên cần có kỹ năng và thái độ ân cần khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.
Phó Trưởng khoa điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương TS.BS Phan Hữu Phúc chia sẻ: các mô hình tiền lâm sàng không thể thay thế được bệnh nhân lâm sàng. Thực tế mỗi bệnh nhân với cùng một loại bệnh lại có nhiều biến hoá khác nhau và sự diễn biến của triệu chứng bệnh cũng khác nhau. Tuy nhiên sinh viên cần làm quen kĩ thuật tiền lâm sàng cơ bản để bước ra lâm sàng không bị bỡ ngỡ. Người thầy thuốc giỏi nhất là phải giải quyết được những biến chuyển trong bệnh của bệnh nhân.
TS.BS cao cấp Cao Việt Tùng cho rằng đào tạo tiền lâm sàng không phải là trào lưu, mà đây đang là bước quan trọng để kéo gần hơn khoảng cách giữa lý thuyết và lâm sàng cho sinh viên. Bên cạnh đó hiện nay với công nghệ hiện đại, các mô hình khám bệnh được tạo ra bởi AI, sản xuất mẫu vật có đặc tính bệnh tương tự cơ quan cơ thể thật bằng công nghệ in 3D. Người học hoàn toàn có thể giải phẫu ngay trên mẫu vật này. Điều này tạo thuận lợi cho sinh viên, nhà nghiên cứu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhất, an toàn nhất khi tiến vào lâm sàng.
Mỗi bệnh nhân là một người thầy
Đi lâm sàng, các em sinh viên được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cao quý. Các em cần ghi nhớ lời thề của bác sĩ, giữ thái độ trước bệnh nhân, ân cần, tôn trọng từ đó gần gũi và lắng nghe những chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bác sỹ Tùng cũng cho biết đi lâm sàng là cơ hội quý để các em chuyển hóa lý thuyết là công thức khám thành những kỹ năng chẩn đoán bệnh, phân tích bệnh.
Đồng tình với ý kiến của Bác sỹ Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình chia sẻ: học kiến thức là một phần, cần phải có sự kèm cặp của các thầy, cô. Sinh viên cần phải đi theo một bác sĩ điều trị, khi bác sĩ khám là cơ hội để các em quan sát, học hỏi cả kỹ năng và cả thái độ của bác sĩ với bệnh nhân. Đặc biệt lưu ý không được để xuất hiện "Hội chứng sợ lâm sàng" và muốn không sợ lâm sàng thì sinh viên cần chủ động với kiến thức, học chắc lý thuyết.
Thầy thuốc ưu tú PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết ngành y đòi hỏi sự thực hành rất cao nên mới có chuyện đi lâm sàng. Sinh viên ngành y nếu không gắn mình với bệnh nhân, bệnh viện, cơ sở đào tạo... thì ko thể trở thành bác sĩ giỏi được. Cần coi bệnh viện là môi trường học thuật, coi người bệnh như người thầy giáo của mình; chuẩn bị cho mình kỹ năng tự học thật tốt, chủ động bám sát bệnh nhân và đọc tích lũy thật nhiều kiến thức.
Làm thế nào để trở thành bác sĩ lâm sàng giỏi?
Điều kiện tiên quyết để trở thành bác sĩ giỏi là phải tự học, tự trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trao đổi với sinh viên, PGS.TS Phạm Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng Học viện nhấn mạnh tầm quan trọng của học lâm sàng đối với sinh viên y dược và khẳng định: “Sinh viên bám sát lâm sàng sẽ có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt. Vì vậy, các em hãy dành năm đầu tiên học tốt môn cơ sở, sau đó bắt đầu đi lâm sàng và phải bám sát lâm sàng, tuyệt đối không để xảy ra hội chứng sợ lâm sàng”. Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: ngành y có đặc thù so với các ngành khác và đòi hỏi thời gian thực hành lớn. Để đi lâm sàng đạt được kết quả cao với sinh viên ngành y nói chung, quan trọng nhất là vấn đề tự học. Bên cạnh đó, nếu không xác định được động cơ và mục tiêu bước chân vào ngành y sẽ rất dễ chán nản trong quá trình học và làm. Trong khi đi lâm sàng các em phải bám bệnh nhân vì nghề y là nghề thực hành, phải điều trị cho bệnh nhân. Mỗi lần bám bệnh nhân sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm, tích lũy được vốn kiến thức, làm dày dặn khả năng phát hiện và điều trị bệnh. Qua nhiều lần bồi đắp và tích lũy kinh nghiệm mới có thể trưởng thành. Và quan trọng nhất là phải đọc sách. Lý thuyết các thầy có thể giảng dạy trên giảng đường nhưng về nhà các em phải tự học để soi sáng triệu chứng lâm sàng đã gặp ở bệnh viện, làm dày dặn vốn kiến thức của bản thân".
Tại tọa đàm, nhiều sinh viên đặt câu hỏi: "Làm thế nào để trở thành bác sĩ lâm sàng giỏi?". Về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Tiến - Tổng Thư ký Hội ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam - cho rằng, điều quan trọng nhất là nghị lực, yêu nghề và yêu chính người bệnh của mình. "Điều kiện tiên quyết để trở thành bác sĩ giỏi là phải tự học, tự trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, chúng ta phải đam mê với nghề, khẳng định mình chọn đúng nghề và quyết tâm gắn bó lâu dài".
Buổi tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt với sinh viên Học viện. Giúp các em có cái nhìn đa chiều hơn khi đi lâm sàng – yếu tố quan trọng tạo nên một người Thầy thuốc giỏi và tâm đức.
Thực hiện: Vân Anh, Ảnh: Hùng Phúc