Truyền hình trực tuyến: Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả trong điều trị bệnh

Date: 10/10/2017Lượt xem: 3062

Truyền hình trực tuyến: Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả

 trong điều trị bệnh

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi truyền hình trực tuyến với chủ đề "Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả trong điều trị bệnh”. Chương trình được truyền hình trực tuyến vào lúc 9h30, thứ Năm, ngày 28/09/2017. Toàn bộ nội dung cuộc trao đổi được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phương pháp quý báu trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, được lưu truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn.

Kính mời độc giả xem video chương trình:


Từ lời căn dặn của Thiền sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị nam nhân” và lời dạy của Bác Hồ về việc chú trọng nghiên cứu, phối hợp Đông y với Tây y trong chữa bệnh, ngày nay Y dược cổ truyền đã và đang phát triển theo phương châm: khoa học, dân tộc và đại chúng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền phải bằng các phương thức, công cụ khoa học để lý giải; chú trọng nghiên cứu, minh chứng bằng khoa học, vì trong y dược cổ truyền còn có những vấn đề mà khoa học hiện đại chưa lý giải được.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề kết hợp đông y với tây y để bảo vệ sức khoẻ của mình, làm sao để kết hợp đông tây y hiệu quả nhất đồng thời tránh những sai lầm đáng tiếc trong việc tự ý điều trị bệnh bằng các thuốc đông y mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống -

 

Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “ Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả trong điều trị bệnh”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

TS. Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.


TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Trung ương - người nhiều lần tuyên chiến với các "thánh" chữa ung thư trên internet.


 

Dẫn chương trình: Anh Thư

 

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ&Đời sống bắt đầu từ vào lúc 9h30, ngày thứ Năm, 28/09/2017. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam; TS. Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm  hô hấp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Phó trưởng Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội; TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Trung ương đã nhận lời tham gia chương trình.

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :
MC
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho TS. Đậu Xuân Cảnh, xin ông cho biết đông y có những thế mạnh gì trong việc điều trị bệnh?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Thế mạnh nổi bật của YHCT là thầy thuốc luôn tiến hành chỉnh thể luân trị, tức là xem xét bệnh nhân một cách toàn diện, tức là xem bệnh nhân là người lớn tuổi hay người trẻ, hoàn cảnh kinh tế bình thường hay khó khăn, bệnh nhân là trí thức hay là người bình thường... từ đó thầy thuốc xem xét một cách toàn diện lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh. Đây là những đặc trưng của điều trị theo YHCT.

MC
Xin ông cho biết, trong đông y có những phương pháp điều trị gì và những loại hình bệnh tật nào đã được thực tế chứng minh về tính hiệu quả khi điều trị bằng đông y?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh, khi bị cảm lạnh đông y dùng phát hãm, tức là cho ra mồ hôi, thường gọi là xông hơi, giúp người bệnh ra mồ hôi, từ đó hết cảm lạnh- đông y gọi là phát hãm.

Trong đông y có một phương pháp tìm nguyên nhân, tức là trị bệnh tắc cầu trị bản, tức là tìm ra nguyên nhân, bản chất để điều trị bệnh. Ví dụ trong bệnh viêm khớp dạng thấp, đông y xếp nguyên nhân do phong thấp gây nên. Thường dùng phương pháp điều trị trừ thấp, người bệnh điều trị đông y rất tốt. Một người bị liệt dây thần kinh 7, theo đông y là phong hàn gây nên làm tắc nghẽn mạch ở dây thần kinh 7 khiến bệnh nhân miệng méo 1 bên, mắt nhắm không kín, đông y điều trị những bệnh này rất hiệu quả. Hay bệnh rất hay gặp hiện nay là tai biến mạch máu não, qua giai đoạn cấp cứu, đến giai đoạn phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền đem lại nhiều hiệu quả phục hồi tốt cho người bệnh.

Đông y có phương pháp điều trị như phép tiêu. Ví dụ bệnh sỏi thận, tỷ lệ tái phát rất cao, sau tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi, đông y có cách điều trị sỏi này bằng phép tiêu làm tỷ lệ tái phát thấp. Hay các bệnh lý dạ dày, tá tràng, hội chứng ruột kích thích... liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, ăn uống hay tiêu hóa, với đông y, dạ dày không thích hợp với những thức ăn quá lạnh,  việc điều trị tìm nguyên nhân rất tốt cho người bị bệnh dạ dày, tá tràng...

MC
Thưa TS. Đoàn Thị Phương Lan, xin bà cho biết, y học hiện đại có thể kết hợp với y học cổ truyền trong những trường hợp nào để có được hiệu quả điều trị cao nhất?
TS. Đoàn Thị Phương Lan :

Như chúng ta thấy Tây phát triển lâu và rất hiện đại và đi thẳng vào vấn đề y học dựa trên bằng chứng tức là tìm rõ nguồn gốc có bằng chứng rõ ràng. VD nếu là bệnh ung thư thì phải tìm thấy tế bào ung thư của những bộ phận khối u hoặc bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu sẽ phải tìm vi  khuẩn trong bệnh phẩm. Còn chúng ta được kế thừa nền y học hiện đại nhưng bên cạnh đó y học cổ truyền rất quan trọng và ngày càng phát huy, có những bệnh về tây y thấy thực sự rất khó khăn nhưng đông y lại giải quyết được. Đặc biệt những bệnh mà phối hợp tốt đó là các bệnh mạn tính như các bệnh cơ xương khớp, thần kinh cơ, tiêu hóa. Các chuyên ngành đều có thể phối hợp giữa Tây y  và Đông y được.

MC
Trong thực tế, người dân thường có những sai lầm nào trong việc điều trị kết hợp cả Đông y và Tây y thưa các bác sĩ?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Khi kết hợp y học hiện đại và YHCT, trước hết người thầy thuốc cần phải chẩn đoán đúng, tức là cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh bằng các bằng chứng khoa học. Khi đã chẩn đoán chính xác, có thể sử dụng điều trị bằng y học hiện đại, nhưng với những bệnh nhân có thể chất không phù hợp có thể kết hợp YHCT kèm theo. Ví dụ một bệnh nhân bị bệnh hen phế quản, tây y chăm sóc điều trị hen phế quản rất tốt nhất là khi bị cấp tính, nhưng kết hợp đông y thế nào, đông y giúp người bệnh tránh bị nhiễm lạnh, tăng sức đề kháng để không bị tái phát, đem lại hiệu quả cao cho người bệnh. Ngược lại, hen phế quản nếu chỉ điều trị bằng đông y mà khi lên cơn hen cấp tính, không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Việc kết hợp này cần hiểu một cách bài bản. Hay một ví dụ khác, bệnh nhân bị bệnh khớp, y học hiện đại có nhiều bằng chứng để chẩn đoán bệnh, đây là một loại bệnh miễn dịch, tuy nhiên trong thuốc điều trị bệnh khớp có nhóm thuốc non corsteroid có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến tiêu hóa, người bệnh có thể điều trị bằng y học cổ truyền, đem đến cho người bệnh một điều trị bài bản. Điều trị đúng sẽ phát huy tối đa lợi thế của y học hiện đại và YHCT để đảm bảo tối đa cho người bệnh mà không có sai lầm nào cả.

TS Đoàn Thị Phương Lan: Sai lầm của người dân khi kết hợp đông y và tây y để điều trị bệnh đã trao đổi ở trên. Người dân mình thường có thói quen đi khám tây y, chữa không khỏi mới sang đông y, hoặc đông y chữa không khỏi lại quay sang tây y, chạy lung tung mà không theo hướng dẫn nào cả. Để tránh  tình trạng này cần tìm hiểu kỹ. Thuốc tây y hay đông y đều có tác dụng phụ, có vẻ thuốc tây y có tác dụng phụ nhiều hơn, nên các bệnh mạn tĩnh đông ý có vẻ có hiệu quả hơn. Thứ 2 là tương tác thuốc nguy hiểm cho người bệnh, bệnh nhân không thông báo cho bác sĩ khiến việc điều trị không hiệu quả. Đây là cách điều trị không đúng của người dân. Mọi người cần lưu ý đi khám đúng chuyên khoa, thông tin rõ ràng cho bác y đông y và bác sĩ tây y để từ đó bác sĩ sẽ có tư vấn chính xác cho người bệnh.

Độc giả
Câu hỏi tiếp theo xin được dành cho TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, là một người rất tích cực đấu tranh với những kẻ tự xưng là “thánh chữa ung thư” trên mạng internet, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân khi gặp những trường hợp lợi dụng lòng tin của người dân đối với nền y học cổ truyền để lừa đảo, trục lợi trên sức khỏe và thậm chí là tính mạng của những người bệnh?
TS.BS Phạm Thị Việt Hương :

Tôi là bác sĩ y học hiện đại nhưng bản thân tôi rất thích truyền thống. Chúng ta cần phân biệt y học cổ truyền khác hoàn toàn với khái niệm lang băm hoặc các phương pháp không được kiểm nghiệm, truyền tai, không được chứng thực. Bản thân chúng tôi được đào tạo khóa vài tháng về YHCT. Bản thân các em ở chỗ BS. Cảnh cũng được gửi đi đào tạo Tây Y.

Theo công văn do nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn, cần kết hợp bổ sung giữa đông y và tây y.  

Các bài viết của tôi là để tuyên chiến với các “thánh chiến” lang băm, chữa bệnh không đúng, gây tử vong cho người bệnh, chứ không phải với đông y.    

Bản thân tôi áp dụng đông y cho bản thân và người thân.

Tôi có bài học về bệnh nhân sai lầm khi chữa linh tinh. Bệnh  nhân Huế, bị ung thư vòm họng đã xạ trị hóa trị, hóa trị 6 đợt phác đồ bài bản thế giới đang dùng. Khi ra viện, đáp ứng hoàn toàn không còn tổn thương vòm họng, hạch, sức khỏe tương đối bình thường, tôi dặn chị nghỉ ngơi bình thường. Khoảng 5 ngày sau, gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng tiêu chảy không cầm. Khi họ đi chữa ở đâu đó, họ thường giấu bác sĩ, hỏi đi hỏi lại họ quả quyết không ăn uống gì lạ bất thường. Cấp cứu 3 ngày trời, và chị đã tử vong do mất nước không bù nổi, rối loạn điện giải. Phút giây tôi tiễn ra xe, một người chị chồng nói với tôi rằng, trong thời gian ở nhà, cô ý đã đi lấy nấm lim xanh trưng cất rất đặc, uống vào nôn ra, uống vào đau bụng và bị như vậy. Dù có tác dụng phụ vẫn kiên quyết uống.  

Bản thân nấm lim xanh là tốt, có thể chị ý lấy nấm lim xanh không đúng nguồn gốc xuất xứ, đã nấu không đúng, hoặc không hợp với thể trạng của chị ý. Người tạng hàn phải tránh thứ lạnh, chúng ta ăn uống thứ lạnh rất nguy hiểm.  

Câu chuyện khác là về một cháu bé bị bạch cầu cấp dòng tủy. Khi áp dụng đúng phác đồ hóa chất, u nhỏ hơn nhiều. Trong thời gian ngoại trú, gia đình báo cháu tử vong. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì lúc truyền hóa chất, cháu vẫn còn trụ được. Nhà gần bệnh viện, nếu cháu có diễn biến bất thường thì gia đình hẳn sẽ liên lạc bác sĩ. Sau khi tang gia xong rồi, gia đình mới báo cháu tử vong. Và sau đó, một phụ huynh cùng lớp mới kể rằng cháu đã dùng thuốc phiện đen. Có lẽ gia đình cháu đã lên rừng tìm lá anh túc. Khi hít vào cháu đã bị nhiễm độc và tử vong.  

Thầy thuốc đông y thường được đào tạo 6 năm, lăn lộn các bệnh viện, được đào tạo bài bản và được công nhận. 

Bài thuốc của các thầy thuốc đông y được thẩm định qua trung ương để được cấp chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng chúng ta đôi khi tìm đến những người không hề được đào tạo về đông y một ngày nào, nhưng họ lại ngồi ở chợ truyền tai, hoặc post lên mạng phương pháp không đúng, gây ra hậu quả khôn lường.

MC
Thưa các bác sĩ, nhiều người bệnh hay bị nhầm lẫn giữa bệnh khớp và bệnh gout. Vậy có sự phân biệt 2 bệnh này như thế nào và việc điều trị hiện nay ra sao?
TS. Đoàn Thị Phương Lan :

Bệnh khớp là rất nhiều bệnh, khớp là một chuyên  ngành khớp, có cả nội khoa và ngoại khoa. Một số bệnh khớp như: viêm khớp phản ứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, gút... Gút là một trong những bệnh lý về khớp.

TS. Đậu Xuân Cảnh bổ sung: Bệnh gút, hiện nay kiến thức của thế giới rõ ràng, họ đã tìm được đặc điểm lâm sàng của bệnh gút và nguyên nhân bệnh gút. Lâm sàng là nơi đau nhiều nhất VD như đau ngón chân cái, bệnh lâu rồi thì có biểu hiện tophi trên người. Còn về nguyên nhân  gây bệnh là do rối loạn chuyển hóa protein đặc biệt là axit uric trong máu cao. Gút là một bệnh khớp nhưng đặc điểm lâm sàng khác và nguyên nhân liên quan đến axit uric trong máu cao chứng minh bệnh gút. Về điều trị thì Tây y đã có thuốc điều trị tuy nhiên cũng có tác dụng phụ. Đông y cũng có những phương pháp điều trị, đông y xếp đây là chứng đàm thấp liên quan đến ăn uống, người bệnh gút ý thức được thức ăn nào làm khó khăn cho căn bệnh. Thậm chí người bệnh gút không chỉ ăn thịt cá mà có thể ăn hoa quả như na cũng có thể đau. Khi chẩn đoán bệnh gút phải có bằng chứng và phải được bác sĩ tư vấn chế độ ăn để kiểm soát lượng thực phẩm protein như phủ tạng động vật như tôm, tim luộc. Khi điều trị thì y học cổ truyền cũng đem lại hiệu quả tốt.

 

Ngô Thu Hà (Thái Bình)
Con trai tôi 11 tháng tuổi. Gần đây, cháu thường xuyên có biểu hiện ho nhiều về đêm và sáng sớm, khò khè, có đờm… Nhiều người bảo cháu ho kích ứng thời tiết do trời hanh khô, nắng gắt ban ngày, ban đêm và sáng sớm chênh lệch nhiệt độ khiến không thích nghi kịp. Xin hỏi bác sĩ con tôi bị làm sao, tôi nên điều trị cho cháu thế nào để hết ho và dễ thở hơn. Tôi nghe nói có các bài thuốc chữa ho cho trẻ rất hữu ích mong bác sĩ tư vấn giúp
TS. Đoàn Thị Phương Lan :

Đứng về mặt tây y, cháu 11 tháng tuổi có triệu chứng ho, khò khè khó thở về đêm, không biết trước đây cháu có bị như vậy không và cháu đã bị như vậy bao lâu rồi, đờm có đùn ra được không, màu sắc ra sao, có sốt hay không? Các triệu chứng như vậy cũng chưa thể kết luận cháu bị bệnh gì. Người ta quy định nếu trong 1 năm có 3 đợt  khò khè, khó thở như vậy thì khả năng cháu bị bệnh hen, nhưng ở lứa tuổi này phân biệt phế quản, phế viêm và hen cũng chưa phân biệt được. Cháu có bị bội nhiễm thêm vi khuẩn hay không chưa xác định được, cháu bị bệnh đường hô hấp cần đi khám chuyên khoa nhi để phát hiện xem ngoài bệnh này còn bệnh khác không để có phương pháp điều trị.

 

MC
Với các bệnh mạn tính thì sự kết hợp Đông y và Tây y được thể hiện như thế nào trong việc điều trị và hạn chế tái phát bệnh? Chẳng hạn như điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ mạn tính hay viêm mũi dị ứng… các bác sĩ có thể dẫn chứng cụ thể cho người dân nắm được?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Ví dụ như bệnh thoái hóa đốt sống cổ, hay thoái hóa đốt sống thắt lưng, đây là những bệnh lý liên quan đến tuổi tác. Một người trên 40 tuổi bắt đầu có thoái hóa, hay người trên 50 tuổi biểu hiện thoái hóa rất rõ dù người đó làm việc chân tay hay trí óc, những người làm văn phòng thoái hóa đốt sống cổ rất rõ.  Điều trị thoái hóa như thế nào? Quan điểm của đông y là tất cả khớp, xương thuộc về thận, khi có tuổi thận kém hơn, hội chứng này liên quan đến chức năng thận giảm. Khi xương bị thoái hóa, theo y học hiện đại xương đặc lại, sụn rễ xương mất sự mềm mại, gấp duỗi của đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng không còn mềm mại như lúc trẻ, có người mọc ra gai xương, làm cản trở hoạt động của họ, biểu hiện như ngồi lâu gây đau. Về đông y quan niệm quan niệm do chức năng thận giảm đi, đông y sẽ bồi bổ chức năng thận, người bệnh giảm bớt co cứng cổ, co cứng thắt lưng, giảm đau, làm mềm mại lưng, khớp. Nếu người bệnh không gắn liền với thoát vị đĩa đệm thì chúng tôi chỉ điều trị trong vòng 1 tuần là người bệnh trở lại bình thường. Nếu chúng tôi chụp MRI xem thoát vị đĩa đệm trong chỉ định ngoại khoa sẽ loại, nếu nằm trong điều trị ngoại khoa bảo tồn chúng tôi sẽ điều trị bằng phương pháp YHCT. Điều trị bằng YHCT đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh, gần như không gây tác dụng phụ về tiêu hóa, người bệnh hết đau, vận động cổ bình thường. 

TS Đoàn Thị Phương Lan: Những bệnh thông thường chúng ta sẽ kết hợp đông y với tây y thế nào? Như các bệnh cơ xương khớp, viêm mũi dị ứng, thoái hóa cột sống... là những bệnh mạn tính, vì như chúng ta biết những bệnh này không bao giờ khỏi vì là bệnh cơ địa. Nếu kết hợp đông y và tây y chúng ta sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi phương pháp. Ví dụ như bạn bệnh viêm mũi dị ứng hay đau cột sống vào nửa đêm chẳng hạn, chúng ta không thể chờ để đi sắc thuốc, hay khám đông y được,  lúc đó dùng tây y dùng thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng sẽ phát huy rất nhanh. Bệnh mạn tính như viêm mũi dị ứng thường bị từng đợt khi thay đổi thời tiết hay hít phải dị nguyên. Cột sống lại có những cơn đau cấp, lúc đó dùng tây y rất tốt. Bố mẹ tôi cũng dùng thuốc YHCT, rất tiện lợi. Khi điều trị bệnh mạn tính, tôi nghĩ đông y rất tốt. Thuốc tây y muốn duy trì phải dùng thuốc kéo dài, có tác dụng phụ, như viêm mũi dị ứng dùng thuốc corticoid dạng xịt tại chỗ, dùng nhiều không tốt. Mẹ tôi bị thoái hóa cột sống, dùng tây y ít nhiều cũng ảnh hưởng tới dạ dày, khi chuyển sang thuốc đông y thì dễ chịu và yên tâm hơn. Rõ nét nhất là khi bị cấp nên điều trị tây y, khi điều trị duy trì, điều trị nền điều trị đông y rất tốt.

Huy Đoàn (kế toán)
Tôi năm nay 32 tuổi, bị viêm mũi dị ứng, thường xuyên hắt hơi từng tràng, ngứa họng, ho cảm thấy rất khó chịu. Tôi thường vệ sinh bằng nước muối sinh lý, nước muối biển nhưng tình trạng không đỡ. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi thuốc nào xịt tốt và dùng thế nào cho hiệu quả ạ? Tôi bị viêm mũi dị ứng có cần kiêng khem gì không thưa bác sĩ?
TS. Đoàn Thị Phương Lan :

Viêm mũi dị ứng ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, môi trường. Triệu chứng của bạn là hắt hơi, sổ mũi nhiều, khó chịu. Bạn dùng nước muối sinh lý và nước muối biển thì tương tự như nhau có tác dụng làm sạch mũi, bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng nếu chỉ dùng thuốc làm sạch không đủ mà phải dùng thuốc chống viêm nữa. Viêm mũi dị ứng có nhiều mức độ và tùy thuộc vào từng mức độ, có nhiễm trùng không hay có dị ứng không thôi nên bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa dị ứng để khám cụ thể, kê đơn. Bệnh này cần theo dõi lâu dài và tái khám. Để hạn chế các đợt hắt hơi, sổ mũi, như đã biết viêm mũi dị ứng là bệnh dị nguyên do bị ứng khi tiếp xúc dị nguyên, cần giữ gìn để không tiếp xúc như ngửi nước hoa, mùi sơn, cần tránh vườn hoa, nơi hút thuốc lá. Bạn cần đến bác sĩ để

TS. Đậu Xuân Cảnh bổ sung: Bạn không nên ở môi trường máy điều hòa lạnh quá .

 

Tuấn Mạnh
 
(An Giang)
Thưa chuyên gia, đối với bệnh nhân ung thư, trường hợp nào đông tây y bổ trợ, trường hợp nào thuốc tây y và đông y xung khắc nên tránh, ví dụ trước và sau mổ, trong quá trình hoá trị, xạ trị. Trong quá trình hoá trị, bệnh nhân ung thư thường được khuyên không nên uống linh chi, xạ đen bởi những loại thảo dược này có công năng thải độc, làm mất tác dụng diệt tế bào ung thư của hoá chất. Nhưng trước khi mổ, trước khi truyền hoá chất có thể uống để nâng cao thể trạng bệnh nhân không? Và đặc biệt sau quá trình điều trị, có nên dùng đông y để cải thiện sức khoẻ? Và nên dùng những loại thảo dược nào?
TS.BS Phạm Thị Việt Hương :

Hiện nay điều trị ung thư trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là bổ sung đông tây y kết hợp. Ở Viện K, chúng tôi có khoa y học cổ truyền, với diện tích lớn bằng với tây y. Ở đây có các thầy thuốc được đào tạo bài bản.  

Một số bài thuốc đông y có tương tác với tây y hay không? Nó tùy bệnh, tùy thời điểm kết hợp. Hóa chất đào thải qua đường gì, chủ yếu qua gan, hay tiết niệu đến thận. Thông thường chúng tôi không muốn bệnh nhân đang truyền hóa chất dùng đông y. Chúng tôi có phác đồ. Chúng tôi chưa có đủ bằng chứng về sự tương tác. Khi bệnh nhân truyền hóa chất, họ nôn. Mất công sao tẩm thuốc đông y đã bị tác dụng phụ và nôn do tác dụng phụ hóa chất.

Chúng tôi khuyến khích bệnh nhân bổ trợ bằng đông y khi đã hóa trị, xạ trị xong rồi. Vài tuần sau xạ trị, chúng tôi chuyển bệnh nhân sang đông y bắt mạch, tùy thể hàn, nhiệt, ... thầy thuốc đông y mới bốc bài thuốc phù hợp, chứ chúng ta không tự ý uống được đâu. Các phác đồ truyền hóa chất có thể gây độc cho gan thận, thiếu máu,... thì đông y có bài thuốc có thể bổ trợ, giải độc gan, bổ huyết tạo hồng cầu.

Hiện nay,  khoa học chưa chứng minh được hiệu quả của xạ đen và nấm linh chi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xạ đen và nấm linh chi có hiệu quả nhất định. Nấm linh chi và xạ đen phải có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, sao tẩm khoa học chứ không phải mua đâu đó, không biết được nó có mốc hay không, nhiễm độc hay không. Bản thân tôi, bố mẹ chồng con uống. Muốn điều trị đông y, không phải nghe nói mách, mà phải tìm đến thầy thuốc đông y với các bài thuốc được kiểm nghiệm. Có một số người bệnh dùng đông y sai thời điểm, sai chỉ định, gây oan ức cho đông y.

Một số bệnh nhân vào bệnh viện thì khối u ở ruột đã rất to, gây tắc ruột, nếu để lâu có thể tử vong, thì không thể áp dụng đông y được.

Bệnh nhân có u ở đùi rất to, bác sĩ đề nghị phẫu thuật, xạ trị, nhưng bệnh nhân bảo để nghĩ đã, rồi sau đó cũng ko đi điều trị ở đông y và tây y, mà lại tự mua miếng dán về, gây loét,... Bản thân miếng cao nó có tác dụng giảm đau.  Trong y học, khối u của ung thư to do ác tính, tăng sinh của tế bào ung thư, chứ không phải thể do phù nề. Do đó phải cắt bỏ, hóa trị, phác đồ vào đó. Như vậy là do dùng không đúng chứ không thể đổ lỗi do miếng dán đông y.  

TS. Đậu Xuân Cảnh: Điều trị Y học hiện đại có thể làm cho bệnh nhân yếu mệt. Tùy thể trạng có thể điều trị bổ trợ bằng đông y như thuốc bổ để bồi bổ cơ thể. Sau khi dùng hóa chất hoặc xạ trị, có thể dùng thuốc bổ. Ví dụ một số phụ nữ sau xạ trị, dùng thuốc đông y chống xuất huyết sau xạ trị. Hiện nay chúng tôi có nghiên cứu một số bài thuốc đông y sau xạ trị. Sau khi đã điều trị tây y, có thể đến bác sĩ đông y khám để có các bài thuốc nâng cao thể trạng, bổ trợ phòng ngừa thiếu máu, .... Các biện pháp điều trị kết hợp rất tốt, không làm tổn thương tác dụng tây y, mà tăng thể trạng của bệnh nhân.  

Khi điều trị đông y, người dân cần cẩn thận lựa chọn thầy thuốc cho mình. Lựa chọn thầy thuốc chính thống, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Người đó được đào tạo bài bản, đó là lựa chọn tốt để đem lại hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất cho mình.

MC
Lợi thế của Y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh là gì thưa các bác sĩ? Và riêng đối với bệnh xương khớp thì điều trị y học cổ truyền có lợi thế gì?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Lợi thế của điều trị bằng đông y trong bệnh cơ xương khớp bao gồm: thứ nhất, nó đem lại hiệu quả cho người bệnh, thứ hai nó không có ảnh hưởng tới dạ dày. Thoái hóa thường phải sử dụng thuốc trong thời gian dài. Khi người bệnh không có tác dụng phụ, họ có cảm giác không bị ảnh hưởng gì khiến họ rất yên tâm. Ví dụ người bệnh bị bệnh cơ xương khớp của y học hiện đại thường dùng thuốc corticoid sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, thậm chí gây rối loạn đường huyết, hoặc thuốc non steroid - thuốc giảm đau chống viêm của y học hiện đại- gây tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa rất lớn khiến người bệnh phiền hà. Khi người bệnh gút, lên cơn đau khớp chẳng hạn, họ uống thuốc giảm đau tây y rất hữu ích. Như thế để thấy việc dùng thuốc đông tây y phải mềm mại, đúng lúc. Tôi thường chỉ đạo, khi bệnh nhân bị đau quá, bác sĩ cần giảm đau cho người bệnh để cắt cơn đau như xoa bóp giảm đau, châm cứu hoặc bấm huyệt để giảm đau, thậm chí cả dùng thuốc giảm đau tây y cho bệnh nhân. Bác sĩ cần nhìn nhận một cách trách nhiệm hơn đối với người bệnh.

Nguyễn Thị Minh
 
(Yên Bái)
Tôi bị đau xưng khớp gối hơn 1 năm nay, được chẩn đoán là bị viêm màng hoạt dịch, theo dõi viêm khớp dạng thấp. Tôi đã dùng thuốc và tiêm vào khớp gối nhưng chỉ đỡ khoảng 1-2 tháng rồi lại đau lại. Nay tôi muốn chuyển sang dùng thuốc đông y có được không vì tôi nghe nói dùng thuốc khớp tây y có hại cho dạ dày. Xin bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bạn đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bạn có thể sử dụng phương pháp đông y để điều trị rất tốt. Tuy nhiên khi chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, không phải ai cũng chẩn đoán được, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán với những bằng chứng khoa học để chẩn đoán. Khi chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, bản chất là một dạng bệnh miễn dịch, cần có nhiều xét nghiệm để khẳng định yếu tố thấp này. Khi được chẩn đoán bệnh này bạn cần xác định đây là bệnh theo mình cả đời, cần lên kế hoạch với bác sĩ để phòng chống tàn phế, các tác dụng phụ. Nếu điều trị bệnh khớp bằng tây y, thường có ảnh hưởng lên hệ thống tiêu hóa, kể cả trên nhãn thuốc tây y cũng ghi rõ ràng, bạn cần đọc đơn cẩn thận và cần được thầy thuốc tư vấn, và sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguyễn Thị Thục
Xin hỏi bác sĩ, tôi đọc trên mạng thấy rất nhiều bài báo nói về việc chữa ung thư bằng củ sả và lá đu đủ sắc uống. Nếu nó được chứng minh có hiệu quả sao không phổ biến cho nhân dân. Bác sĩ cho biết, lá đu đủ sao vàng sắc với sả có hiệu quả với người bệnh ung thư hay không. Tôi khẩn thiết mong được trả lời vì gia đình tôi đang có người mắc ung thư gan, tôi xin cảm ơn.
TS.BS Phạm Thị Việt Hương :

Ung thư bây giờ đúng là vấn đề toàn cầu, điều trị lâu dài, tốn kém, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy mà nở rộng các thông tin lan truyền chữa bệnh. 

Hoạt tính chống ung thư có trong các cây thuốc dân gian như dừa cạn,... thậm chí tôi đọc có trong cây hoa bồ anh. Có cho nó có hoạt tính chống ung thư, không có nghĩa ra vườn, luộc lên, sao uống là được. Để có viên thuốc, phải có hàng tấn cây đó, đưa vào nhà máy bào chế, thêm gốc tự do, qua công nghệ dược học mới tạo ra viên thuốc có hoạt tính chống ung thư, nhưng chỉ riêng bản thân nó , không thể diệt được tế bào ung thư mà phải dùng nhiều thuốc và phác đồ phối hợp. Có thuốc tác dụng vào pha G0,... phải điều trị đa thức kết hợp hóa trị, xạ trị. Ung thư là từ chỉ hơn 200 loại ung thư, không phải nó chứa hoạt tính trị ung thư này là có thể điều trị được ung thư khác. Bạn nên đưa người nhà đến bệnh viện điều trị. Có thể đến Bệnh viện K Trung ương. Nếu ở Huế, có thể đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Chứ không phải cứ sao tẩm thảo dược lên là chữa ung thư được.

Nguyễn Mai
 
(Hòa Bình )
Bố tôi bị ung thư phổi đã 10 năm, thời gian gần đây bệnh lại tái phát. Bác sĩ cho biết, bệnh lần này không phẫu thuật được do khối u ở vị trí cuống phổi. Trước đây bố tôi đã dùng tam thất trong thời gian chữa bệnh thấy cũng hiệu quả. Lần bị bệnh này ông cũng dùng tam thất và không thấy chuyển biến gì. Tôi xin hỏi bác sĩ tôi có thể kết hợp tam thất và xạ đen để cho bố tôi uống không. Ung thư phổi có nên dùng xạ đen hay không?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Thứ nhất, bố bạn bị ung thư phổi 10 năm, ông chắc chắn đã được các chuyên gia ung thư điều trị, đến giai đoạn tái phát này có thể gây ra các rối loạn chức năng, chèn ép, tôi nghĩ đây là giai đoạn nặng của bệnh. Có thể kết hợp nhiều phương pháp để điều trị cho bố bạn. Tôi khuyên bạn nên đưa bố đến chuyên khoa phổi của Bệnh viện K để xác định độ nguy hiểm của bệnh đến đâu, điều trị thế nào. Bác sĩ sẽ có lời khuyên tốt nhất cho bố bạn.

Còn YHCT, việc kết hợp tam thất với xạ đen là cách bạn có thể lựa chọn để phối hợp nâng cao sức khỏe cho bố bạn. Ngoài ra còn nhiều bài thuốc khác để nâng cao sức khỏe của bố bạn tốt hơn ngoài tam thất và xạ đen.

Trong đông y, tam thất lượng dùng có tác dụng khác nhau, muốn nâng cao thể trạng không dùng liều quá cao. Nếu dùng liều cao làm phá huyết thì không tốt.

TS.BS. Phạm Thị Việt Hương:

Không nói rõ ung thư phổi thể giải phẫu bệnh là gì, nhưng đã 10 năm rồi, có thể là thể mô bệnh học tiên lượng tốt. Ung thư tập hợp gồm hơn 200 bệnh học ung thư, ung thư vú hơn chục loại. Riêng ung thư phổi cũng đến mấy tuýp ung thư phổi. Nhiều bệnh nhân thắc mắc như tại sao cùng ung thư vú, ung thư phổi nhưng không được điều trị giống nhau, người được mổ, người không, người xạ trị người không.... Như trường hợp của bạn, tùy vào vị trí khối u, hạch, ở vùng kỹ thuật khó lấy, khó mổ. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ còn cơ hội xạ trị, hóa trị cho bác hay không? Cách xạ trị tập trung vào chính khối u, giảm tác động đến mô lành xung quanh. Ngoài hóa trị chúng tôi còn có cách điều trị nhắm trúng đích. Tế bào ung thư phổi đột biến gen hay không để quyết định nhằm trúng đích. Bạn hãy thảo luận với bố để xem bác còn tham gia hóa trị và xạ trị không? Xạ đen và tam thất là phù hợp với nhiều người chứ không riêng gì bệnh nhân ung thư. Nhưng nó tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa người bệnh. Như tôi, tôi không phù hợp, còn nhớ khi tôi sinh nở ăn tam thất lại không hợp. Vậy phải tùy thuộc vào thể trạng của bác chứ không nên tự ý cho bác dùng.

Có những “thánh” nói có cục tam thất ung thư nào cũng chữa khỏi, chẳng rõ nó chứa thành phần gì. 

Tây y không có bác sĩ nào chữa được tất cả các bệnh của tây y, thầy thuốc đông y cũng vậy. Mỗi bác sĩ thường chỉ điều trị "đóng đinh" ở bệnh người ta chuyên sâu. Nếu nghe người nào "nổ" ung thư nào cũng chữa được thì phải cảnh giác, đấy không phải là đông y đâu ạ.

Hoàng Anh
 
(HoàngAnh88@gmail.com)
Mẹ tôi năm nay 60 tuổi cứ thay đổi thời tiết là đau khớp, đặc biệt khớp gối. Xin bác sĩ Cảnh chỉ giúp cách chữa theo đông y cho bệnh của mẹ tôi. Tôi nghe nói đông y chữa bệnh mãn tính rất hiệu quả có đúng không thưa bác sĩ. Vì mẹ tôi vừa bị khớp vừa bị tiểu đường xin cảm ơn bác sĩ Cảnh.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Mẹ bạn 60 tuổi và đang đau khớp gối, bạn có thể đưa mẹ đến với chúng tôi để chúng tôi xác định xem mẹ bạn bị đau khớp gối do thoái hóa khớp hay đau trên nền viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị khớp bằng YHCT có thể thích nghi hoàn toàn với bệnh tiểu đường của mẹ bạn. Điều trị khớp bằng YHCT không ảnh hưởng tới thuốc điều trị tiểu đường của y học hiện đại giúp bệnh nhân vừa kiểm soát được tiểu đường vừa giải quyết được tình trạng bệnh đau khớp.

MC
Mạng xã hội lan truyền bài thơ về các món ăn kiêng kị nhau, chẳng hạn: Mật ong , sữa , sữa đậu nành?/ Ăn cùng tắc tử - phải đành xa nhau! Gan lợn, giá, đậu nực cười/ Xào chung, mất sạch bổ tươi ban đầu! Thịt gà, kinh giới kỵ nhau?/ Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên! Liệu điều này có cơ sở nào không thưa bác sĩ?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Trong đông y, có từ "phối ngũ", tức là dựa trên 4 tính chất của thuốc để người ta phối ngũ. Ví dụ như thăng - giáng - phù- trầm, tức là thăng là có vị thuốc nhẹ đi lên, giáng là vị thuốc đi xuống, phù là thuốc nổi lên, trầm là thuốc lắng xuống. Ví dụ trầm hương, tại sao lại có tên như vậy, khi thả trầm hương vào nước nó chìm xuống, do tỷ trọng lớn, tinh dầu lớn nó chìm xuống và có mùi hương. Hay hoa cúc, là loại thường được dùng cho người bị đau đầu, làm cho con người nhẹ nhõm- gọi là thăng. Hay vị thuốc giáng, mộng lệ, bản chất là vỏ con hàu, để chữa bệnh lý về thận. Dựa trên thăng - giáng - phù - trầm mà người ta dùng thuốc.

Liên quan đến vấn đề ẩm thực, nó trở thành văn hóa, như thịt gà mà không có lá chanh thì không ngon. Tuy nhiên có những người chia sẻ thông tin để phục vụ cho mục đích khác, thu hút đám đông. Nếu các bạn quan tâm đến sức khỏe đừng bao giờ dùng mạng xã hội để chăm sóc sức khỏe cho bạn mà hãy tin vào bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho mình. Cần thiết bạn có thể hỏi dược sĩ để tư vấn dùng thuốc cho bạn. 

TS Phạm Thị Việt Hương: Cách đây 2 tháng có trường hợp bệnh nhân đi chữa ung thư nói là không hiệu quả. Nhưng khi tìm hiểu ra, thì là do bệnh nhân điều trị không bài bản, bỏ dở điều trị, hay điều trị chưa đúng, chưa đủ và đổ lỗi do tây y. Dòng chia sẻ của bạn này thu hút nhiều người. Trong cuộc sống hàng ngày, trong đông y hay tây y cũng vậy, thuốc này không được dùng với thuốc kia.

Câu hỏi của bạn là một đề tài khác.  

Một khán giả
 
( Taman@gmail.com)
Bố tôi rất thích phương pháp chữa bệnh đông y. Tôi nghe nói chữa được các bệnh mãn tính xin TS Cảnh cho biết các bệnh mãn tính nào chữa theo đường đông y hiệu quả. Với những bệnh đó phối hợp y học hiện đại và y học cổ truyền ra sao cho tốt thưa bác sĩ.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bệnh mạn tính cả thế giới gọi là bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch chẳng hạn. Trong tim mạch phổ biến hiện nay là đột quỵ não và đột quỵ tim. Bản chất đột quỵ não có 2 loại, vỡ mạch máu não hay hình thành cục máu đông làm tắc mạch máu não, một trong những nguyên nhân có liên quan đến rối loạn mỡ máu. Đông y có thuốc điều trị rối loạn mỡ máu rất tốt, như một người bị cholesterol hay triglycerid cao quá, chúng tôi dùng thuốc kiểm soát mỡ máu theo tiêu chuẩn khoa học hiện nay rất tốt. Khi kiểm soát mỡ máu tốt, sẽ giúp hạn chế bệnh tim mạch.

Hay một người bệnh sau nhồi máu cơ tim, hẹp lòng động mạch vành, bệnh nhân đã đặt stent, làm thế nào để không bị tái phát, phòng ngừa đột quỵ lại. Đây là điều cần chia sẻ của cả 2 nền y học, chúng tôi tiếp cận vấn đề này để đông y có thể tham gia được. 

Một quan điểm của đông y, việc hình thành cục máu đông đã rõ, nhưng làm sao hình thành cục máu đông, chúng tôi tiếp cận theo một cách khác. Liệu người bệnh có bị nhiễm hàn, nhiễm lạnh không, là cơ hội để cục máu đông xuất hiện. Hay như bệnh sốt xuất huyết chẳng hạn, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết, làm sao để cấp cứu trong đông y. Đông y cho rằng, nhiệt cực thì xuất huyết, chúng tôi giảm nhiệt cho người bệnh, khống chế sốt sẽ tránh được xuất huyết ồ ạt. 

Quay lại bệnh mạn tính, như bệnh cơ xương khớp chẳng hạn, người tuổi cao có nguy cơ có bệnh khớp đều có thể dùng y học cổ truyền điều trị hiệu quả.

Hay như bệnh ung thư, thuộc tứ chứng nan y, việc tham gia của đông y như thế nào cho phù hợp. Không phải tất cả các loại ung thư điều trị bằng đông y đều phù hợp. Cần lựa chọn phương pháp nào là phù hợp nhất để đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Nguyễn Mỹ
 
(Kỳ Sơn, Nghệ An)
Gần đây trong huyện tôi có một vài trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Tôi đọc một số tài liệu thì thấy nói cây mã đề có tác dụng hút độc ở các vết thương do rắn cắn. Tôi xin hỏi các bác sĩ là trước khi chuyển đi bệnh viện thì liệu có thể dùng cây mã đề để hút bớt độc rắn giảm các tai biến do rắn cắn được không? Xin cảm ơn các chuyên gia.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Khi bị rắn cắn là một ngộ độc cấp, rất nguy hiểm, việc đầu tiên phải xử trí để không cho chất độc vào cơ thể. Ngay khi bị rắn cắn phải garo ngay, sau đó bạn có thể dùng mã đề để bớt sưng hoặc chảy máu. Về nguyên tắc đây là một ngộ độc cấp cứu, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để xử trí, càng nhanh càng tốt, thậm chí phải đến cơ sở y tế có khả năng chống độc. Nếu chỉ đơn thuần đắp mã đề không được vì mã đề không giải quyết độc, mã đề chỉ có khả năng làm dịu, giảm xuất huyết tại chỗ, giảm sưng... Trường hợp này cần cấp cứu ngay.



Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống


Tin liên quan:

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam Đêm ga la chào đón tân sinh viên: Nồng ấm tình thầy trò

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam khai giảng năm học 2017 – 2018

Truyền hình trực tuyến: Sống chung với bệnh dạ dày

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Rộn ràng ngày nhập học - Chào đón tân sinh viên năm học 2017 - 2018

Bệnh viện Tuệ Tĩnh mở rộng khu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Đi đầu trong đào tạo nhân lực Y dược cổ truyền

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn