Truyền hình trực tuyến: Sống chung với bệnh dạ dày

Date: 22/09/2017Lượt xem: 4571

Truyền hình trực tuyến: Sống chung với bệnh dạ dày

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chứcv buổi truyền hình trực tuyến với chủ đề "Sống chung với bệnh dạ dày". Chương trình được truyền hình trực tuyến vào lúc 14h30, thứ Năm, ngày 21/09/2017. Toàn bộ nội dung cuộc trao đổi được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Mời độc giả đón xem video chương trình:


 

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh phổ biến. Theo Hội khoa học Tiêu hóa , tại Việt Nam, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng,  70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ.  Đây là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên nếu để bệnh viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày hay  ung thư dạ dày.

 

Theo thống kê, số người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam  lên tới 11.000 người.  Đáng chú ý là 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày. Đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 chiếm tỉ lệ khoảng 20 - 25% là một con số rất cao.

Những đối tượng  thường xuyên  bị áp lực, căng thẳng trong công việc hay ăn uống thất thường, thường sử dụng rượu bia ... là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh dạ dày.  Nhưng nhiều người bệnh không biết rằng cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị căn bệnh này nếu không bệnh rất hay tái phát.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh dạ dày, cách phòng và chữa trị căn bệnh này, đặc biệt là làm   thế nào để bảo vệ dạ dày của mình luôn khỏe mạnh, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Sống chung với bệnh dạ dày”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam


PGS.TS  Trần Ngọc Ánh chuyên ngành tiêu hoá. Đại học Y Hà nội - Trưởng khoa Nội,  Bệnh viện Đại hoc Y Hà Nội.


PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Dẫn chương trình: Việt Tú

 

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ&Đời sống bắt đầu từ vào lúc 14h30, ngày thứ năm, 21/9/2017. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, PGS.TS  Trần Ngọc Ánh chuyên ngành tiêu hoá. Đại học Y Hà nội - Trưởng khoa Nội,  Bệnh viện Đại hoc Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhận lời tham gia chương trình.

Trân trọng cám ơn nhãn hàng Kukumin IP đã đồng hành cùng chương trình!

Mời độc giả tham gia chương trình tương tác truyền hình trực tuyến

Khán giả tương tác với chương trình:
1. Like Fanpage Báo Sức khoẻ và đời sống
2. Share link sự kiện của chương trình.
3. Trả lời câu hỏi của chương trình chính xác và nhanh nhất.

Những khán giả có câu trả lời chính xác nhất và nhanh nhất sẽ được chúng tôi công bố và nhận được những phần thưởng từ chương trình.

Câu hỏi tương tác số 01:

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh dạ dày?

A. Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)

B.  Ăn uống không điều độ, thiếu khoa học (như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức ăn chua, cay..), làm việc quá sức, áp lực cao, mất ngủ...

C. Sử dụng thường xuyên thuốc chống viêm giảm đau nhóm steroid.

D. Tất cả các đáp án trên.

Đáp án đúng là D

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK DUNG THÙY ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 1 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Câu hỏi tương tác số 02:

Nguyên nhân chủ yếu gây ra trào ngược dạ dày thực quản là gì?

A. Do niêm mạc dạ dày bị tổn thương như viêm loét, viêm trợt, sung huyết, phù nề…

B. Do bẩm sinh

C. Do thường xuyên ăn quá no

D. Do thường xuyên hay cúi thấp

Đáp án đúng là A

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK KIỀU OANH ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 2 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Câu hỏi tương tác số 03:

Cách nào giúp phòng tránh bệnh dạ dày?

A. Ăn uống điều độ, khoa học, hạn chế các loại gia vị quá cay hoặc quá chua, café, trà, rượu bia, thuốc lá, nước có gas…

B. Tăng cường vận động, tạo thói quen sinh hoạt điều độ, chừng mực.

C. Lựa chọn các sản phẩm an toàn, nguồn gốc tự nhiên phù hợp với bệnh dạ dày.

D. Tất cả các đáp án trên

Đáp án đúng là D

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK PHỈ THÚY ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 3 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

      Câu hỏi 3: Cách nào giúp phòng tránh bệnh dạ dày?
      A. Ăn uống điều độ, khoa học, hạn chế các loại gia vị quá cay hoặc quá chua, café, trà, rượu bia, thuốc lá, nước có gas…
      B. Tăng cường vận động, tạo thói quen sinh hoạt điều độ, chừng mực.
      C. Lựa chọn các sản phẩm an toàn, nguồn gốc tự nhiên phù hợp với bệnh dạ dày.
      D. Tất cả các đáp án trên

      Hải Yến

      NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :
      MC
      Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi PGS.TS Trần Ngọc Ánh, tình hình bệnh nhân mắc các bệnh lý về dạ dày đến khám tại BV Đại học Y Hà Nội ra sao thưa bác sĩ?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Mỗi ngày Bệnh viện ĐH Y tiếp nhận hơn  300 bệnh nhân đến khám các bệnh về tiêu hóa, trong đó 50% là các bệnh lý dạ dày, 30% là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, còn lại 20% là bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng khoảng 10%. Đây là một sự thay đổi rất nhiều. Trước đây 10 năm, bệnh lý loét dạ dày tá tràng chiếm ưu thế nhưng hiện nay bệnh lý trào ngược dạ dày chiếm ưu thế. 

      MC
      Thưa TS. Đậu Xuân Cảnh, y học cổ truyền quan niệm như thế nào về bệnh dạ dày? Đông y hiện nay có những phương pháp điều trị bệnh này như thế nào ạ?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Trong y học cổ truyền bệnh dạ dày được mô tả lâu đời  được gọi là Vị quản thống. Có mấy nguyên nhân chính gây nên, từ bên ngoài do bị nhiễm lạnh (hàn). Nếu ban đêm người bệnh nằm ngủ quên đắp chăn, hở bụng sẽ làm cho dạ dày  không thực hiện chức năng tốt làm cho người bệnh không cảm thấy thoải mái. Hoặc do nguyên nhân ăn uống, người bệnh ăn no quá hay đói quá, hay nóng quá, lạnh quá hoặc  căng thẳng trong công việc đều  ảnh hưởng đến dạ dày. Hoặc do suy nhược bệnh lý hoặc do cơ thể lao động quá mệt mỏi cũng làm cho dạ dày bị ảnh hưởng.

      MC
      Xin hỏi bác sĩ những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về dạ dày và nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này là gì?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Nguy cơ bệnh nhân mắc bệnh lý dạ dày rất nhiều. Có 4 bệnh lý chúng tôi hay gặp ở phòng khám là trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày. Mỗi bệnh có cơ chế bệnh sinh khác nhau. Dạ dày là cửa ngõ thông với bên ngoài. Nguyên nhân hàng đầu mắc bệnh dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - loại vi khuẩn lây qua đường ăn uống, thức ăn bị nhiễm bẩn. Tất cả các đối tượng trẻ em, người lớn hay người lớn tuổi đều có thể bị nhiễm vi khuẩn HP chứ không ưu tiên một đối tượng nào đặc biệt.

      MC
      Chế độ dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng giúp con người khỏe mạnh, chống lại bệnh tật. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm có khuyến cáo gì giúp người dân trong việc phòng tránh các bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày...?
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Dinh dưỡng đúng cách đóng góp cho dự phòng nhiều bệnh. Để phòng bệnh dạ dày, chế độ ăn không nên ăn lúc đói quá, lúc no quá, bởi nó kích thích dạ dày phát sinh. Bây giờ bạn trẻ đua nhau ăn cay quá, gây tổn thương dạ dày. Ăn nóng quá cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nên ăn điều độ, đừng ăn thực phẩm cứng quá, ... để giúp cho sức khỏe dạ dày, thực quản tốt hơn. 

      Nguyễn Chiêu, 70 tuổi
       
      (Thái Bình)
      Xin bác sĩ cho biết tôi năm nay 70 tuổi, hay bị ợ hơi, căng tức vùng thượng vị, thỉnh thoảng bị đau âm ỉ, miệng tiết nhiều nước bọt và hay viêm họng tái phát nhiều lần, rát họng và giọng bị khàn đi. Khi đêm ngủ tôi thấy hay bị trào ngược dịch và thức ăn, sáng dậy đánh răng là buồn nôn. Vậy có phải là tôi bị bệnh dạ dày hay không? Bệnh viêm/loét dạ dày, trào ngược dạ dày có những triệu chứng thường gặp nào? Tôi phải làm xét nghiệm gì?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Nghe câu hỏi của bác tôi nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân thường có triệu chứng về ống tiêu hóa, đau từ thượng vị đi ngược lên trên, một triệu chứng ngoài ống tiêu hóa là bệnh nhân có đau rát họng, ho khan, nhiều bệnh nhân đến khám tai mũi họng đầu tiên, sau đó loại trừ bệnh lý tai mũi họng mới nghĩ đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Với triệu chứng của bác tôi nghĩ nhiều đến bệnh trào ngược dạ dày bởi đây là bệnh gặp khá nhiều ở người lớn tuổi.

      MC
      Vậy xin hỏi thêm bác sĩ là xét nghiệm và nội soi dạ dày thông thường có đau không, có tốn kém hay không? Tại BV Đại học Y HN nơi bác sĩ đang làm việc hiện nay khám hết khoảng bao nhiêu tiền?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Tôi đã làm nội soi hơn 20 năm, tùy theo ngưỡng chịu đựng của bệnh nhân, có những bệnh nhân rất bình thường, khi nội soi chỉ khoảng 1-2 phút là xong, nhưng có những bệnh nhân khó chịu có nôn ọe.

      Thực ra khi cho 1 ống cỡ ngón tay vào họng sẽ hơi khó chịu.

      Bệnh lý dạ dày có nhiều loại khác nhau, mỗi bệnh lý có chi phí điều trị khác nhau. Còn giá nội soi dạ dày của chúng tôi thì theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra ở BV ĐH Y chúng tôi có triển khai dịch vụ theo yêu cầu như nội soi gây mê, nội soi đường mũi hoặc nội soi MPI, ngoài ra tất cả đều theo quy định của Bộ Y tế.

      Anh Vũ Bình (Bắc Ninh)
      Tôi đã có tiền sử viêm xung huyết dạ dày, viêm trợt rải rác hang vị dạ dày, HP âm tính, tôi dùng thuốc tây đã đỡ, nhưng muốn dùng thêm chế phẩm chứa curcumin để phòng và điều trị bệnh thì có nên không? Tôi tìm hiểu thị trường hiện có nhiều loại curcumin lắm, vậy loại nào là tốt và đảm bảo an toàn?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Curcumin trong y học cổ truyền bản chất là Nghệ. Tác dụng nghệ  trong y học cổ truyền là hoạt huyết, chống viêm, giảm đau, giúp quá trình trong tiêu hóa... Trong y học cổ truyền nghệ nếu dùng hằng ngày để làm gia vị nấu ăn. Còn trong y học cổ truyền thì ít khi dùng nghệ làm vị thuốc đơn thuần để chữa bệnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều nhà thuốc, công ty dược sản xuất chế phẩm curcumin, và nano curcumin. Nhưng hiện giờ  có nhiều loại và lời khuyên cho bạn là nên chọn loại curcumin của các hãng có uy tín và được bộ y tế cấp phép.

      MC
      Cũng về bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, xin được hỏi TS. Đậu Xuân Cảnh, ông có thể tư vấn cho khán giả một số món ăn- bài thuốc tốt để hỗ trợ điều trị căn bệnh này không ạ?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Khi đã bị bệnh dạ dày thì theo y học cổ truyền món ăn hằng ngày có thể sử dụng là vị thuốc hoài sơn giúp tì vị tốt. Trong ăn uống của bệnh dạ dày thì không nên để đói quá, nếu không ăn gì thì cũng nên uống một ly nước để trung hòa axit dạ dày. Trong đông y thì tối kỵ là để dạ dày trống không vì sẽ không có gì để bảo vệ dạ dày. Cần ăn đúng bữa, đúng giờ, thức ăn quá lạnh sẽ gây nên bệnh dạ dày, sẽ gây rối loạn dạ dày. Chức năng dạ dày là hòa và giáng, nó làm trào trộn thức ăn và  giáng xuống tiếp tục tiêu hóa. Đặc biệt là tá tràng, nếu dạ dày không thực hiện được công năng hòa trộn thức ăn. Hiện y học hiện đại đã  chứng rõ được quá trình tiết dịch vị của dạ dày liên quan đến vấn đề dạ dày. Không nên ăn quá no để dạ dày còn có thể co bóp. Còn nếu đói quá không có gì để tiêu hóa thì chính điều đó sẽ làm tổn thương dạ dày. Trong hằng ngày có thể nấu cháo ý dĩ, hạt sen để ăn.

      Thanh Sơn
       
      (Hà Đông)
      Năm nay tôi 30 tuổi, cách đây khoảng hơn 10 ngày tôi ăn vào thì bị đầy bụng, sôi bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau âm ỉ và nóng rát vùng thượng vị, đi ngoài phân đen. Sau đó tôi có đi khám nội soi gây mê ở BV Đại học Y Hà Nội thì có kết quả như sau: viêm loét nông dạ dày, dương tính với HP, nấm dạ dày. Tôi đã uống thuốc được 7 ngày nhưng cảm thấy bệnh không giảm. Xin bác sĩ cho tôi hỏi nấm dạ dày là gì, liệu tôi có bị ung thư hay không? Nội soi có phát hiện được ung thư không thưa bác sĩ?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Dạ dày thông thương với bên ngoài rất nhiều, nấm có thể tồn tại xung quanh chúng ta rất nhiều, bình thường bệnh nấm dạ dày là bệnh lý không thường gặp. Chúng tôi thường gặp nấm dạ dày trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư, bệnh nhân điều trị hóa chất, người nhiễm virus HIV, hầu hết trong trường hợp đó là do người ta bị suy giảm miễn dịch, và khi tiếp xúc với nấm sẽ trở thành tác nhân gây bệnh. Không phải trong môi trường chúng ta nhiều nấm

      Tôi không rõ nấm của bạn là gì, nấm men cũng chưa chắc phải điều trị.

      Tôi cho rằng nếu bạn đi ngoài phân đen là xuất huyết tiêu hóa, nhưng nội soi là viêm loét dạ dày nông. Tôi cho rằng phân đó là màu xanh đen chứ không phải màu đen. Nếu bạn xuất huyết tiêu hóa sẽ phải nhập viện. 

      Nội soi có phát hiện được ung thư không? Kỹ thuật nội soi của Việt Nam hiện cũng rất phát triển. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân lo sợ nguy cơ ung thư dạ dày quá nên đề nghị được sinh thiết. Tuy nhiên khi chúng tôi nội soi chúng tôi nhìn thấy hình ảnh tổn thương thế nào mới sinh thiết. Tôi xin nói là dạ dày chúng ta là một vùng rất rộng, kim sinh thiết mở ra chỉ được 0,6cm, như vậy chúng tôi bấu cũng chỉ được vùng tổn thương từ 1-2,5cm. Nên tôi thường trả lời với bệnh nhân chúng tôi không thể sinh thiết tất cả dạ dày được. Nội soi hoàn toàn có thể phát hiện tổn thương ung thư, điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ. Trong một số trường hợp, nội soi khó phát hiện được bằng ánh sáng trắng, chúng tôi sử dụng hệ thống nội soi nhuộm màu để phát hiện tổn thương rất sớm. Chúng tôi đã phát hiện và xử lý bằng cắt hớt ung thư dạ dày sớm.

      Khán giả 0973261xxx
      Chào bác sĩ, tôi năm nay 42 tuổi, khoảng 1 tuần gần đây tôi bị đau tức, nóng rát, ợ chua… nên đi khám thì được bác sĩ cho nội sôi. Kết quả: viêm trợt hang vị dạ dày có HP. Tôi được kê uống thuốc Tây và cũng thấy đỡ hơn nhưng người cảm thấy rất gầy mòn, mệt mỏi. Tôi nghe nói dùng thuốc Tây nhiều có thể gây kháng thuốc, tái phát nhanh, không thể khỏi triệt để nên tôi muốn dùng thêm thảo dược để khỏi hẳn có được không thưa bác sĩ?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Bạn có thể yên tâm là thuốc Tây y có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh dạ dày. Tuy nhiên bạn có thể dùng thêm thuốc đông y. Còn bạn nói thuốc Tây y không chữa khỏi hoàn toàn là chưa chính xác. Còn trong sinh hoạt  bạn còn cảm thấy chưa được thoải mái như ăn chưa ngon miệng, bụng sình hơi... thì bạn có thể đến các cơ sở y học cổ truyền để chẩn trị thêm xem bạn ở thể nào để có thể dùng thêm thuốc khác. Nếu dạ dày bạn còn nóng rát trong đó thì vi khuẩn đã hết nhưng tính nhiệt trong dạ dày chưa trở lại bình thường thì bác sĩ đông y thì có thể kê cho bạn bài thuốc cụ thể theo thể trạng của bạn.  

      Độc giả
      Tôi đọc thông tin trên mạng thấy nhiều người nói ăn nghệ trộn với mật ong có thể làm giảm bệnh đau dạ dày. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Thay vì ăn nghệ và mật ong thì tôi có thể ăn mứt nghệ được không? Nếu tôi làm bột nghệ hoặc mua tinh bột nghệ làm thủ công thì việc sử dụng nghệ này có nguy cơ gì không? Xin cảm ơn bác sĩ.
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Ăn nghệ và mật ong là thực phẩm bổ sung truyền thống của người Việt Nam được sử dụng nhiều thế hệ trong bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

      Trong nghệ có chất chống viêm, liền sẹo nên nó làm cho dạ dày tránh tổn thương, nhanh liền sẹo. Trong mật ong các các vi chất dinh dưỡng, vitamin khoáng chất nồng độ nhỏ từ thiên nhiên.

      Nên chọn nghệ và mật ong thì tốt hơn so với ăn mứt nghệ. Mua tinh bột nghệ về chế biến về mặt an toàn thực phẩm chưa yên tâm có đảm bảo đúng là nghệ hay không, có pha trộn màu thực phẩm không? Cần phải mua ở địa chỉ đáng tin cậy.

      Nghệ hấp thu tỷ lệ rất ít, hấp thu không nhiều. Có chế phẩm tinh chất nghệ nhỏ, curcumin dạng nano siêu nhỏ tốt hơn. Ngoài nghệ mật ong, có thể chọn thêm tinh chất nghệ chế biến dạng nano sẽ tốt hơn.

      Độc giả
      Với những người bị viêm thực quản trào ngược thì nên có chế độ ăn uống như thế nào thưa PGS.TS Nguyễn Thị Lâm?
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Chế độ chăm sóc dinh dưỡng để thực phẩm lưu thông dạ dày nhanh hơn cũng hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

      Những yếu tố kích thích như cà phê thuốc lá nên bỏ, kích thích cortisol gây trào ngược đạ dày thực quản. Đồ rán nướng gây khó tiêu, tích tụ ở dạ dày thực quản lâu hơn.

      Nên ăn cá kho hơn là cá rán. Thịt cũng nên ăn thịt mềm. Ăn trứng và sữa (gây kiềm) tốt trung hòa bớt dịch dạ dày, giải phóng thực phẩm ở dạ dày nhanh hơn. Bánh mỳ hút dịch giảm ứ đọng ở dạ dày. Tránh rau quả cứng quá như rau sống, rau già làm lưu trữ ở dạ dày lâu hơn. Đối với ngời già nên ăn chậm nhai kỹ giúp tiêu hóa nhanh hơn, tránh đọng ở dạ dày.

      Hoàng Thị Hà
       
      (Hải Phòng)
      Con gái tôi mới 10 tuổi nhưng đã bị viêm loét dạ dày. Ban đầu cháu bị đau bụng, buồn nôn, nên gia đình đã cho cháu đi khám. Kết quả nội soi cho thấy có dịch dạ dày trong, thân và phình vị niêm mạc bình thường. Niêm mạc hang vị xung huyết nhẹ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đã lấy mẫu ở hang vị để xét nghiệm vi khuẩn HP. Kết luận cuối cùng nói cháu bị viêm loét dạ dày. Xin hỏi BS bệnh này điều trị có dứt điểm được không? Trẻ nhỏ đã mắc viêm loét dạ dày thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe về sau không? Tôi cần chăm sóc cháu như thế nào để nhanh hồi phục thưa các chuyên gia?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Vi khuẩn HP đã được tìm ra năm 1983 và được giải Nobel, đây là một loại vi khuẩn thông thường và hoàn toàn có thể ức chế bằng kháng sinh. Tuy nhiên nhiều người quá nâng cao vai trò của HP, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, chỉ định điều trị HP đại trà nên vi khuẩn nó kháng khá nhiều loại kháng sinh, nên giờ đây việc điều trị vi khuẩn HP khó khăn hơn. Tuy nhiên đây là vi khuẩn hoàn toàn chúng ta có thể khống chế bằng kháng sinh. Khi điều trị không đúng và đủ liều thì vi khuẩn kháng thuốc và khó điều trị hơn.

      Loét dạ dày tá tràng gặp khá nhiều ở trẻ em, bất kể lứa tuổi nào, trẻ 2-3 tuổi hoặc 11-12 tuổi. Vi khuẩn HP gặp khá nhiều và lây qua đường ăn uống, nếu trong gia đình, dùng chung bát đũa, chất thải đều có vi khuẩn HP. Trong gia đình bố mẹ bị nhiễm vi khuẩn HP thì 60-70% trẻ em sẽ bị nhiễm.

      Làm sao để chăm sóc cháu, đầu tiên phải điều trị đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ, sau điều trị cháu có thể ăn uống bình thường, không cần một chế độ đặc biệt nào với cháu cả.

      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tôi khuyên mẹ cần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đúng lứa tuổi của cháu. Tuy nhiên có thể chia nhỏ thức ăn, ăn thức ăn mềm, để không gây tổn thương niêm mạc dạ dày tá tràng, ninh hầm, không nên ăn đồ rán, nướng, ăn rau sống làm cho quá trình tiêu hóa khó hơn. Có thể ăn trứng và sữa giúp trung hòa dịch vị dạ dày, sữa uống có thể uống thêm sữa chua men sống, có tác dụng giảm bám dính vi khuẩn HP nếu cháu bị nhiễm. Đồ rán, nướng ở nhiệt độ cao protein rất khó tiêu, cần bỏ ăn đồ cay, như mỳ 7 cấp độ, đều có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

      MC
      Xin hỏi thêm TS. Đậu Xuân Cảnh, trong Đông y có những cách nào chữa bệnh viêm thực quản trào ngược ạ?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Trong đông y thì ở các y văn cổ có nói đến trạng thái trào ngược nôn mửa có liên quan đến dạ dày thì có nguyên nhân chính là 2 chứng đó chứng tích và chứng hàn. Cái hàn bên ngoài làm cho dạ dày không làm được chức năng chính của mình. Các thầy thuốc đông y sẽ xem lại thể trạng cơ thể có bị hàn không. Còn về chữa thì tìm nguyên nhân gây bệnh, còn về đông y rất quan tâm đến vấn đề ăn uống. Thức ăn đưa vào cơ thể cần nhai kỹ, cẩn thận để thức ăn nhuyễn để làm cho ăn mà như uống, chính điều này giúp cho dạ dày tiêu hóa tốt hơn.  Khi tiêu hóa tốt hơn thì làm cho chứng tích trong dạ dày không tồn tại khiến cho không bị trào ngược. Các thức ăn trong để trong tủ lạnh mà mang ra ăn sẽ không tốt, cần làm thức ăn nóng lên.

      binhyenxanh@gmail.com
      Tôi bị bệnh tiểu đường đã 5 năm nay, giờ lại bị viêm bờ cong nhỏ dạ dày. Tôi đọc tài liệu thì có nói nghệ có tác dụng rất tốt với dạ dày nhưng một số tài liệu khác lại nói chính hoạt chất curcumin trong Nghệ vàng có thể làm giảm đường huyết ở những người bị bệnh tiểu đường, do đó khi sử dụng ở bệnh nhân tiểu đường cùng với các thuốc điều trị, nó có thể làm người bệnh bị tụt đường huyết gây những biến chứng nặng nề hơn cả việc đường huyết tăng. Như vậy có đúng không thưa các chuyên gia?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Hiện nay chúng tôi chưa có nghiên cứu về curcumin làm giảm đường huyết hay không nhưng một số tài liệu có khuyến cáo rằng Curcumin có thể làm giảm đường huyết. Bạn cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ điều trị cho bạn để có sự giám sát xem lượng đường huyết bạn ra sao. Còn theo tôi nếu bạn dùng Curcumin thì bạn cần sử dụng một liều rất thấp để có tác dụng.

      TS. Lâm bổ sung:  Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa đủ bằng chứng để chứng minh rằng Curcumin có thể làm hạ đường huyết. Cái hạ glucose ra máu trong bệnh đái tháo đường chủ yếu do ta thực hiện chế độ ăn không đúng, để đói quá, đến bữa mà không ăn. Nguyên tắc của bệnh nhân đái tháo đường là ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn, chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lức, gạo nảy mầm theo công nghệ Nhật Bản, nó giữ được chất xơ hòa tan cũng như không hòa tan trên vỏ hạt gạo  làm cho quá trình tiêu hóa đều. Phối hợp giữa bữa ăn và thuốc có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu hạ đường máu mà xa bữa ăn nữa thì gây ra hạ đường máu. Đó là nguyên nhân chính chứ không phải do nghệ gây đường máu.

       

      Độc giả
      Với những bệnh nhân vừa điều trị bệnh dạ dày vừa điều trị xương khớp thì có cần chú ý gì trong ăn uống và sinh hoạt không thưa BS?
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Như PGS. Ngọc Ánh đã trao đổi, các bác sĩ lâm sàng sẽ có thuốc phối hợp để giảm gánh nặng dạ dày. Bệnh nhân xương khớp không nên uống thuốc lúc đói, uống sau ăn để giảm tổn thương dạ dày. Nên chọn chế độ ăn cho người bị dạ dày: thực phẩm mềm dễ ăn, tránh thực phẩm cứng gây tổn thương dạ dày.

      Một số bệnh nhân thiếu canxi dài ngày và thiếu vitamin D gây thoái hóa khớp mãn tính. Bệnh nhân dạ dày có thể ăn sữa và chế phẩm sữa. Khẩu phần ăn của người VN khẩu phần ăn mới đảm bảo 50% lượng canxi, vì vậy nên uống bổ sung thêm canxi, chẳng hạn như viên cốm canxi. Vitamin D chủ yếu có trong ánh nắng mặt trời. Ở miền bắc, có mùa đông làm giảm hấp thụ vitamin D từ nắng. Vitmain D thực phẩm chỉ đáp ứng 10-20%, vào mùa đông nên bổ sung thêm chế phẩm vitamin D liều cao hoặc vitamin D liều nhỏ hàng ngày để tốt cho xương khớp.

      Hải Anh
       
      (Phú Thọ)
      Tôi mới đi nội soi dạ dày phát hiện có 3 polyp dạ dày kích thước từ 2-4,6mm, tôi thường có cảm giác đau vùng thượng vị, thỉnh thoảng có buồn nôn, đặc biệt khi polyp bị viêm loét, chảy máu. Mỗi lần bị bệnh tôi thường thấy chán ăn, người gầy, kèm theo có rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, phân lúc lỏng lúc rắn, sôi bụng…. Xin hỏi polyp của tôi có biến thành ung thư hay không? Tôi có thể loại bỏ polyp dạ dày này được không ?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Theo như kết quả bạn nói thì polyp của bạn không to lắm, hoàn toàn có thể cắt bằng kim sinh thiết qua nội soi , nếu polyp rất lớn hoặc u dưới niêm mạc có nguy cơ thủng thì không cắt được.

      Các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, sôi bụng không liên quan đến polyp dạ dày, giống triệu chứng rối loạn ống tiêu hóa của hội chứng ruột kích thích nhiều hơn,  vì dạ dày chúng ta khá to, nếu có polyp cũng không cản trở tới đường tiêu hóa thức ăn.

      Thông thường để biết polyp có nguy cơ ung thư hóa hay không phải sinh thiết, dựa vào mô bệnh học. Có những polyp lớn nguy cơ ung thư hóa cao hơn polyp bé. Tuy nhiên có những polyp bé vẫn có nguy cơ ung thư, lúc đó chúng tôi vẫn phải điều trị. Vậy để biết polyp của bạn có nguy cơ ung thư hay không phải cắt và sinh thiết xem kết quả mô bệnh học là gì.

      Độc giả
      Với bệnh nhân đau vùng thượng vị thì cần có chế độ ăn uống như thế nào thưa bác sĩ?
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Theo mô tả, bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương, viêm nhiễm đường dạ dày, tá tràng. Chúng ta nên có chế độ "nương nhẹ" dạ dày như ăn đồ ăn mềm, tránh đồ ăn cứng, đồ rán nướng, tránh ăn nhiều gia vị, đồ cay nóng. Trong cuộc sống, nên tránh căng thẳng, tinh thần thoải mái để giúp dạ dày khỏe.

      Có thể dùng bài thuốc dân gian như mật ong nghệ làm làm vết thương. Nên ăn các món ăn ướp nghệ như cà nấu đậu phụ và nghệ,.... Các món ăn đưa thêm nghệ vào rất tốt. Nghệ còn giúp chống oxy hóa, trẻ lâu, làm đẹp da.

      Thanh Bình
       
      (binhhoa481art@yahoo.com)
      Tôi năm nay 38 tuổi, thỉnh thoảng có uống rượu bia, gần một năm trở lại đây, tôi bị chứng hay nghẹn ở cổ kèm với ợ hơi, có cảm giác luôn luôn bị mắc nghẹn ngay cổ. Tôi có đi nội soi dạ dày tá tràng, kết quả là bị viêm thực quản trào ngược. Tôi đã uống nhiều thuốc nhưng triệu chứng đó vẫn không khỏi, mấy ngày gần đây vào buổi chiều tôi hay bị khó thở và mệt. Nên điều trị như thế nào để bệnh dứt hẳn?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Tôi nghĩ bạn có thể bị trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên tôi không phải là người khám để khẳng định chính xác.

      Bệnh này có thể điều trị được không? Với phương pháp hiện đại chúng tôi vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Vì cơ chế bệnh sinh của nó rất phức tạp, do cơ thắt yếu, dịch dạ dày trào lên, trong một số trường hợp bệnh nhân có nuốt vướng, nuốt nghẹn, lúc nào cũng thấy vướng ở cổ. Nguyên nhân tại sao co thắt thực quản thì người ta chưa biết. Còn nguyên nhân nữa do dị tật bẩm sinh ở dạ dày. Phần lớn người ta cho rằng là do co thắt thực quản yếu. Y học hiện đại cũng không biết nguyên nhân, nên chưa chữa khỏi căn bệnh này. Ngay cả 1 số trường hợp điều trị nội khoa không đỡ người ta phải phẫu thuật để đóng lại góc thực quản, tuy nhiên dễ tái phát. Trào ngược dạ dày thực quản chưa chữa được, từ 15-30% bệnh tiêu hóa liên quan tới trào ngược dạ dày, ở Việt Nam chúng tôi gặp càng ngày càng nhiều, còn chiếm ưu thế hơn cả bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh này liên quan đến chế độ dinh dưỡng rất nhiều.

      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Chế độ chăm sóc dinh dưỡng để thực phẩm lưu thông nhanh hơn sẽ hỗ trợ giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản. Các chất kích thích như cà phê, thuốc lá nên bỏ, vì làm cơ thể tiết nhiều cortisol- yếu tố tổn thương dạ dày thực quản. Hay các thực phẩm rán, nướng, khó tiêu. Trứng và sữa là thực phẩm gây kiềm trung hòa axit dạ dày giải phóng thức ăn nhanh hơn, ăn bánh mỳ hút dịch cũng giảm ứ đọng trong dạ dày. 

      Thúc Minh (TP Hồ Chí Minh)
      Một tuần nay em bị đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Em đã đi nội soi dạ dày thì được biết là bị viêm hang vị, tiền môn vị, niêm mạc phù nề, sung huyết đỏ. Xin hỏi bác sĩ bệnh này có nguy hiểm không? Cần làm gì để điều trị dứt điểm. Em dùng nghệ mật ong có tốt không? BS có thể tư vấn một số bài thuốc Đông y dễ áp dụng tại nhà được không ạ?
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Đầu tiên bạn cần đến cơ sở y tế để khẳng định bạn bị đau dạ dày do nguyên nhân gì, điều này rất quan trọng để chữa trị bệnh lý triệt để. Khi bác sĩ khẳng định được nguyên nhân đau dạ dày của bạn là gì, đó là do vi khuẩn HP. Khi bác sĩ đã kê thuốc cho bạn mà bạn muốn dùng thêm nghệ mật ong thì đó là rất tốt giúp mau khỏi bệnh lý dạ dày, mau phục hồi sức khỏe.

      PGS.TS. Trần Ngọc Ánh bổ sung: Viêm dạ dày thì có nhiều nguyên nhân. Nếu viêm dạ dày (khoảng 60% do HP). Nếu viêm dạ dày do vi khuẩn HP thì phải điều trị vi khuẩn HP, còn nếu viêm dạ dày do các thuốc chống viêm không steroid, tức là không phải là những bệnh nhân viêm khớp mà các bệnh nhân dùng thuốc cảm cúm thông thường cũng có thể gây nên viêm loét dạ dày cấp. Nguyên nhân thứ 3 là do dịch dạ dày trào ngược lên. Còn một số nguyên nhân hiếm gặp như viêm dạ dày do lympho thì tùy theo tính chất mô bệnh học các bác sĩ khi nội soi thấy cần sinh thiết để xác định nguyên nhân chính xác viêm dạ dày là gì.

      Nguyễn Hữu Cảnh, 26 tuổi, Nghệ An
      Hiện tại cháu đang khám và điều trị ngoại trú ở BV Bạch Mai được 1 năm rưỡi về bệnh Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản mức độ A. Cháu muốn hỏi bác sĩ, trường hợp của cháu có nên điều trị kết hợp thêm y học cổ truyền được không ạ. Cách đây 1 năm rưỡi cháu có sút cân khá nhiều từ 60kg xuống 43kg, dạo này cháu uống đều nhưng vẫn không tăng cân. Mới đây còn bị sốt 2 lần nên thể trạng lại gầy thêm. Cháu nhờ bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt ạ. Cháu cảm ơn.
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Cháu có thể sử dụng thêm thuốc y học cổ truyền. Cháu có thể đến Bệnh viện y học cổ truyền để bác sĩ khám vì cháu đang bị hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Tất cả bệnh trên cần thuốc để điều trị kháng vitamin, kháng dị ứng để điều trị chính vì vậy có thể có một số thuốc ảnh hưởng đến dạ dày cho nên cần bác sĩ chuyên khoa. Thuốc y học cổ truyền cũng vậy cần có loại thuốc để điều trị mà không ảnh hưởng đến các bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng có nguy cơ trở lại. Khi điều trị dạ dày tốt thì các thuốc đông y sẽ hỗ trợ tốt trong ăn uống, chính dinh dưỡng tốt lên sẽ làm sức khỏe phục hồi.

      TS Lâm bổ sung: Ở đây cháu có gầy đi vì vậy cần có chế độ ăn bồi dưỡng hơn so với bình thường. Chính vì vậy lựa chọn món ăn theo nguyên tắc điều trị dạ dày, chia nhỏ bữa ăn. Khi thể trạng tốt thì các bệnh cũng sẽ tốt lên. Cháu có thể bổ sung thêm viên đa vi chất dinh dưỡng giúp kích thích ăn ngon.

      Nhật Minh
       
      (Hải Dương)
      Thưa các chuyên gia, tư thế nằm ngủ hoặc ăn cơm, ngồi làm việc có thể ảnh hưởng tới bệnh dạ dày hay không? Xin chuyên gia chỉ ra tư thế đúng khi nằm ngủ, ăn cơm và làm việc để tốt nhất cho hệ tiêu hóa.
      PGS.TS Nguyễn Thị Lâm :

      Tư thế nằm ngủ ít ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Thường tư thế nằm ngủ là điều quan tâm ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh, trẻ nằm sấp có thể gây tử vong bất ngờ. Còn ở người trưởng thành, bạn có thể nằm ngủ ở tư thế nào thoải mái nhất.

      Còn khi ăn, đứng hoặc ngồi thì ăn thoải mái hơn. Còn có những bạn vừa nằm vừa ăn thì sẽ không tốt như khi ngồi ăn.

      TS. Đậu Xuân Cảnh bổ sung:

      Khi ngủ, bao giờ cũng phải đắp chăn mỏng trên bụng để giữ ấm bụng. Đó là nguyên tắc quan trọng bảo vệ hệ tiêu hóa, không chỉ đơn giản cho dạ dày, tá tràng mà toàn bộ hệ tiêu hóa, đảm bảo thân nhiệt cơ thể 37 độ, chỉ cần lạnh một chút nó ảnh hưởng tới dạ dày, hệ tiêu hóa, men gan,... Vì vậy, vào mùa hè khi gia đình bạn dùng điều hòa, đừng quên đắp chăn mỏng trên bụng. 

      Trần Trung
       
      (Nam Định)
      Tôi bị bệnh dạ dày, năm đôi ba lần phải dùng thuốc, mới đây tôi phát hiện thêm bệnh về xương khớp nhưng, phải dùng thuốc chống viêm, giảm đau. Tuy nhiên tôi đọc thông tin sử dụng tôi thấy thuốc này gây loét dạ dày - tá tràng... Vậy làm sao để vừa uống thuốc trị viêm khớp mà bệnh dạ dày của tôi không bị ảnh hưởng? Có cách nào để hạn chế hoặc khắc phục tác dụng phụ này không? Mong BS tư vấn giúp.
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Trong các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, đứng ở vị trí thứ 2 sau vi khuẩn HP, là do dùng thuốc chống viêm non-steroid - chính là thuốc chữa bệnh lý viêm khớp. Nếu bệnh nhân bị khớp mà có bệnh lý viêm loét dạ dày kèm theo thì điều gì sẽ xảy ra. Thứ 1, nếu bệnh nhân có ổ loét cũ sẽ gây xuất huyết tiêu hóa ở những ổ loét cũ, thứ 2 bệnh nhân chưa có ổ loét sẽ xuất hiện tổn thương viêm loét mới. Trong y học hiện đại người ta sẽ chọn lựa thuốc ít tác dụng đến dạ dày nhất, bệnh nhân hoàn toàn có thể nói với bác sĩ về tiền sử bệnh của mình để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. 

      Nếu bệnh nhân vừa bị gút vừa bị loét dạ dày tá tràng, trong trường hợp đó chúng tôi sẽ dùng thuốc vừa chữa dạ dày vừa chữa về khớp.

       

      Nguyễn Thị Sáu (Châu Đốc):
      Tôi năm nay 30 tuổi, đang mang thai được 2 tháng. Tôi bị suy nhược cơ thể, bị đau dạ dày, thiếu máu cơ tim. Xin hỏi, các bệnh này ảnh hưởng nhiều tới quá trình mang thai của tôi không? Tôi sợ uống thuốc nhiều sẽ không tốt cho em bé, bác sĩ chỉ giúp tôi các bài thuốc tốt cho phụ nữ mang thai bị đau dạ dày với ạ. Xin cảm ơn.
      TS. Đậu Xuân Cảnh :

      Khi bạn đang mang thai thì tất cả các thuốc dùng thì bác sĩ hết sức cân nhắc, bạn không thể tự mình dùng thuốc. Đây là thời kỳ đang phát triển của thai nhi thì dùng thuốc cần bác sĩ chuyên khoa. Khi bạn bị đau dạ dày thì dinh dưỡng đông y nói rằng tỳ vị là cội nguồn của khí huyết mà khí huyết là cội nguồn của sức khỏe. Khi bạn ăn uống không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn cần đến bác sĩ y học cổ truyền để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để hết bệnh dạ dày mà giúp cho bạn ăn uống tốt để quá trình phát triển thai nhi tốt.

       

      PGS. TS. Trần Ngọc Ánh: Không biết chẩn đoán của bạn có đáng tin cậy không không vì tuổi bạn còn trẻ mà thiếu máu cơ tim vì thiếu máu cơ tim cần có một quy trình rõ ràng. Khi bạn dùng thuốc cẩn trọng vì bạn đang mang thai.

      Thu Hà
       
      (hathumai2089vit@gmail.com)
      Cách đây vài tháng cháu thấy người nôn nao, sau đó đại tiện phân đen. Cháu cũng hay đau bụng và mỗi lần đau uống thuốc đau dạ dày thì đỡ. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu bị chảy máu dạ dày? Hiện cháu không đau bụng nữa nhưng hay khó thở, chóng mặt. Cháu phải làm gì?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Nếu đau thượng vị và đau lúc đói giống với triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng. Đi ngoài phân đen là dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa. Trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân tôi thấy bệnh nhân thường nhầm lẫn giữa phân đen và phân xanh. Tôi sợ bạn là phân đen, lâu ngày bị xuất huyết tiêu hóa gây thiếu máu bệnh nhân sẽ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Muốn biết chính xác bạn cần đến cơ sở y tế để nội soi mới biết chính xác được. Nhiều bệnh nhân đi ngoài phân xanh lo ngại bị xuất huyết tiêu hóa nhưng khi nội soi lên lại không có vấn đề gì cả.

      Trần Trung
       
      (Phú Xuyên)
      Tôi thường bị đau vùng thượng vị sau khi ăn khoảng 2 - 3 tiếng, hoặc khi đang đói mà ăn vào sẽ đau ngay, có khi cơn đau hành hạ vào lúc nửa đêm, gần sáng gây mất ngủ, ngày hôm sau sẽ mệt mỏi, buồn ngủ ảnh hưởng rất lớn đến công tác, học tập và cuộc sống thường ngày. Tôi phải làm thế nào để trị những lúc đau cấp như vậy, bác sĩ tư vấn giúp tôi với ạ?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Nếu đau lúc đói là loét tá tràng, nếu bạn mất ngủ thì sáng bạn sẽ bị mệt mỏi là điều tất nhiên. Tôi nghĩ bạn đau khá nhiều. Nếu khi đói người bị loét tá tràng sẽ tự điều chỉnh như khi đau bạn có thể uống 1 cốc sữa, ăn 1 cái bánh người ta sẽ hết đau và không đến mức mất ngủ. Nếu bạn rất đau có thể là ổ loét khá nghiêm trọng hoặc có thể là do bệnh khác như u tụy hoặc viêm tụy. Để biết chính xác bạn phải đến cơ sở y tế để khám. 

      Hà Anh
       
      (Tp Hồ Chí Minh)
      Mẹ cháu bị ung thư dạ dày, đã qua đời khi 55 tuổi. Cháu cũng từng bị viêm loét dạ dày. Xin hỏi bác sĩ bệnh ung thư dạ dày có di truyền không, làm thế nào để phòng mắc bệnh ung thư dạ dày thưa bác sĩ?
      PGS.TS Trần Ngọc Ánh :

      Luận văn tiến sĩ tôi làm chính là về ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy có tỷ lệ nhỏ ung thư dạ dày có tính di truyền, dưới 20%. Những người nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn những người nhóm máu khác. Nhưng không phải nhất thiết những người nhóm máu A có thể bị ung thư dạ dày. HP là tác nhân gây ung thư dạ dày nhóm 1. Nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn người khác, thứ 2 cần xem trong gia đình mình có ai bị nhiễm HP hay không. Cộng dồn 2 yếu tố nguy cơ thì khả năng ung thư dạ dày cao hơn người khác.

                                                              Theo Hải Yến - Báo SK&ĐS


      Tin liên quan:

      Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Rộn ràng ngày nhập học - Chào đón tân sinh viên năm học 2017 - 2018

      Bệnh viện Tuệ Tĩnh mở rộng khu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

      Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Đi đầu trong đào tạo nhân lực Y dược cổ truyền

      Lễ bế giảng lớp châm cứu - Xoa bóp bấm huyệt dành cho cán bộ thuộc Cục Y tế - Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật - Bộ Công an

      Khám chữa bệnh miễn phí cho gần 5000 lượt nhân dân vùng cao Điện Biên

      Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học

      Lý Thời Trân
      Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
      Xem thêm
      TUỆ TĨNH
      Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
      Xem thêm
      HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
      Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
      Xem thêm
      Trương Trọng Cảnh
      Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
      Xem thêm
      Hoa Đà
      Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
      Xem thêm
      Copyright © 2016 Vatm.edu.vn