1. Thành phần:
Ba đậu, Đại hoàng, Can khương, lượng bằng nhau
2. Cách chế và dùng:
Ba đậu bỏ vỏ ép hết dầu, các vị thuốc sấy khô tán bột mịn làm thành hoàn với mật ong, mỗi lần uống từ 1 – 2g với nước ấm, sau khi uống xong nếu không đi tả uống thêm 0,5 đến 1g tùy theo thể chất người bệnh. Luyện mật ong khoảng 40 – 50% mật làm hoàn nhỏ.
3. Tác dụng:
Công trục hàn tích
4. Giải thích bài thuốc:
Trong bài thuốc vị Ba đậu cay nhiệt tuấn hạ, khai thông bế tắc là chủ dược. Can khương ôn trung trừ hàn để kiện tỳ dương. Đại hoàng thông đại tiện làm giảm bớt tính nóng cay độc của Ba đậu. Ba vị thuốc hợp lại làm thành bài thuốc có tác dụng cấp hạ hàn tích.
5. Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chỉ định chữa các chứng lý hàn thực, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, bụng đầy chướng, đại tiểu tiện không thông, trường hợp nặng có khó ở, cấm khẩu, chân tay quyết lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch “trầm khẩn”.
Trên lâm sàng dùng để chữa các chứng nhiễm độc thức ăn, cần tẩy xổ, chứng xơ gan cổ trướng, thận hư nhiễm mỡ, bụng đầy trướng đau, đại tiểu tiện không thông, bệnh lý thường nặng thuốc lại tác dụng mạnh,tổn thương đến chân âm, chân dương cho nên cần kết hợp với tây y để đạt kết quả tốt.
Những trường hợp người già trẻ em cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không dùng, trường hợp dùng thuốc xổ, tả hạ không cầm, cho bệnh nhân ăn cháo gạo nguội để cầm hoặc truyền dịch để cứu tân dịch.
Phụ phương:
Tam vật bạch tán (Thương hàn luận) gồm có: Cát cánh 3 phần, Ba đậu bỏ vỏ ruột sao đen tán mịn 1 phần, Bối mẫu 3 phần. Tán bột mịn trộn đều mỗi lần uống 2 – 4g. Có tác dụng gây nôn, thực đờm, tả hạ, hàn tích, chủ trị chứng đàm thịnh ứ trệ, khó thở, khò khè, mạch “trầm khẩn” có lực.
BBT Website - ST