Còn gọi là thược dược
Tên khoa học Paeonia lactiflora pall ( Paeonia albiflora Pall )
Thuộc họ Mao Lương Ranunculaceae
Bạch thược (Radix Paeoniae albae) là rễ phơi hay sấy khô của cây thược dược. Vì vị thuốc sắc trắng do đó có tên như vậy.
A. Mô tả cây
Bạch thược hay còn gọi là thược dược là một cây sống lâu năm, cao khoảng 50-80cm, rễ củ to thân mọc thẳng đứng, không có lông. Lá mọc so le, xẻ sâu thành 3-7 thùy hình trứng dài 8-12cm, rộng 2-4cm, mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa rất to mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng, mùa hoa ở Trung Quốc từ tháng 5-7 mùa quả vào các tháng 6-7.
B. Phân bố thu hái và chế biến
Cho đến nay ta vẫn nhập thược dược từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc trồng cho củ to hơn, loại mọc hoang cho củ nhỏ hơn. Mọc hoang ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Hà Bắc, Liêu Ninh, Hà Nam, Sơn Đông, trong rừng dưới những cây bụi và cây to. Sau 4 năm trồng mới được thu hoạch, đào rễ vào các tháng 8-10, cắt bỏ thân rễ và các rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, đồ lên cho chín, sau khi sửa cho thẳng phơi hay sấy khô. Tại Hàng Châu người ta đào rễ vào tháng 6, cắt bỏ rễ con, đồ lên rồi phơi, sau khi phơi 1-2 ngày phải tẩm nước cho mềm, lăn cho tròn rồi tiếp tục phơi. Khi phơi không nên phơi nắng quá to để tránh nứt hay cong queo, có khi sông diêm sinh cho đến trắng.
C. Thành phần hóa học
Trong thược dược có tinh bột, tanin, canxi oxalat, một ít tinh dầu, axit benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy, tỷ lệ axit benzoic chừng 1,07%.
D. Tác dụng dược lý
Chất axit benzoic trong thược dược uống với liều cao có thể sinh co quắp cuối cùng gây mê sảng và chết. Do thành phần này thược dược có tác dụng trừ đờm, chữa ho.
Năm 1950 Lưu Quốc Thanh báo cáo nước sắc thược dược có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng, ly, thổ tả, tụ cầu, thương hàn, phế cầu trực tràng bạch hầu. Năm 1947 Từ Trọng Lữ báo cáo bạch thược có tác dụng kháng sinh với vi trùng lỵ shiga.
Tác dụng trên sự co bóp của ống tiêu hóa:
Năm 1940 Tào Khuê Toản dùng nước sắc thược dược thí nghiệm trên mẩu ruột cô lập của thỏ thì thấy với nồng độ thấp có tác dụng ức chế, với nồng độ cao gây hưng phấn, sau đó ức chế. Năm 1953 (Nhật Bản Đông Dương y học tạp chí) một số tác giả Nhật Bản đã nghiên cứu thấy thược dược có tác dụng kích thích nhu động dạ dày và mẩu ruột cô lập của thỏ. Các tác giả còn phối hợp thược dược với cam thảo theo bài thuốc thược dược cam thảo thang, thí nghiệm trên dạ dày và ruột trên thì thấy liều thấp có tác dụng xúc tiến sự co bóp bình thường của dạ dày và ruột nhưng với liều cao có tác dụng ức chế. Nếu trước khi dùng đơn thuốc, dùng acetylcholine hay histamin để gây kích thích trước, thì tác dụng ức chế lại rõ rệt.
E. Công dụng và liều dùng
Tính vị theo đông y: Vị đắng chua hơi hàn, vào 3 kinh can, tỳ, phế có tác dụng nhuận gan, làm hết đau, dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu dùng chữa đau bụng, tả lỵ, lưng ngực đau, kinh nguyệt không đều, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.
Thược dược làm thuốc giảm đau, thông kinh trong những bệnh đau bụng
(do ruột co bóp quá mạnh) nhức đầu, tay chân nhức mỏi, còn dùng cho phụ nữ bế kinh xích bạch đới lâu năm không khỏi.
Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc
Đơn thuốc có thược dược
Thược dược cam thảo thang: Thược dược 8g, cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày chữa 2 chân đầu gối sưng nhức không co duỗi được, đau bụng.
Quế chi gai linh chuột: (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh dùng chữa đầu nhức mắt hoa). Quế chi 6g, thược dược 6g, đại táo 6g, sinh khương 6g, phục linh 6g, bạch truật 6g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200 ml chia làm 3 lần uống trong ngày.