Ngày 16/5/2024, tại Hội trường Hải Thượng Lãn Ông (Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam), Bộ Y tế phối hợp với Học viện tổ chức Hội thảo góp ý: “Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định nêu trên.
Tham dự hội thảo có: Lãnh đạo Bộ Y tế: PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Uỷ viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các Vụ, Cục của Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, các sở y tế, các bệnh viện, các Hội nghề nghiệp và Tổ chức quốc tế...
Các vị đại biểu tham dự Hội thảo
Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ gồm 9 Chương, 42 Điều nhằm giải quyết nhằm giải quyết 3 vấn đề theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khoẻ là đào tạo đặc thù, phù hợp với quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nhất là mô hình đào tạo bác sĩ và công nhận trình độ đào tạo chuyên sâu đặc thù, chuẩn hoá các chương trình đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa, cấp chứng chỉ để duy trì giấy phép hành nghề và phát triển nghề nghiệp.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị, các chuyên gia đã thảo luận cho ý kiến vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, lộ trình đào tạo bác sĩ, nguyên tắc công nhận liên thông kết quả học tập đã tích luỹ trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa, quy địnhvề đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản. Đồng thời, chia sẻ nội dung về côngtác đào tạo chuyên khoa của các nước trên Thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Về hệ thống thể chế quản lý đào tạo nhân lực y tế, các nước đều có xu hướng xây dựng các văn bản luật riêng trong đó có các quy định về kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực y tế như: Luật Bác sĩ, Luật Điều dưỡng ở Nhật Bản; Luật Dịch vụ y tế ở Hàn Quốc; Luật Y khoa, Luật Điều dưỡng ở Thái Lan; Luật về An toàn và nhân lực lao động của Úc …
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Ở nước ta, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 có nội dung quan trọng liên quan đến đào tạo nhân lực y tế về tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh - đây chính là một điểm mới của Luật. Tại thời điểm này, trên cả nước có 26 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, trong đó số cơ sở giáo dục đại học công lập có 20/26 chiếm gần 80% số cơ sở; số học viên đào tạo chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 và bác sĩ nội trú tốt nghiệp trung bình hằng năm khoảng 6.000 - 7.000 học viên trên tổng số hơn 9000 học viên sau đại học lĩnh vực sức khỏe tốt nghiệp.
Tuy nhiên công tác đào tạo chuyên khoa của nước ta còn một số hạn chế như chất lượng đào tạo chuyên khoa giữa các cơ sở giáo dục còn khác nhau, chính sách về đào tạo chưa cập nhật, đồng bộ và thống nhất. Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu để từng bước hội nhập khu vực và quốc tế...
"Nhiệm vụ của Bộ Y tế là phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế về đào tạo nhân lực y tế trong đó có nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, với mục tiêu chuẩn hóa chất lượng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản lý đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khoẻ" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Các điểm cầu tham dự Hội thảo
Trên cơ sở tham luận của các đại biểu,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo làm đầu mối phối hợp với Vụ Pháp chế, các chuyên gia và các đơn vị có liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu tiếp tục thảo luận, thống nhất các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo Nghị định về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, công nhận văn bằng để đảm bảo tính hội nhập, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo
T/h: Như Quỳnh; Ảnh: Hùng Phúc