Truyền hình trực tuyến: Điều trị hiệu quả bệnh cơ xương khớp thường gặp

Date: 15/11/2017Lượt xem: 4850
SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điều trị hiệu quả bệnh cơ xương khớp thường gặp” vào 9h30, thứ Tư, ngày 15/11/2017. Chương trình được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Mời các bạn theo dõi chương trình

Thời tiết chuyển mùa là cơ hội để các bệnh cơ xương khớp phát triển, bệnh thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Với những người vốn đã có sẵn bệnh lý cơ xương khớp thì đây là dịp  bệnh dễ tái phát.  Theo thống kê của ngành Xương khớp Việt Nam, hiện nay tỷ  lệ người mắc các chứng bệnh về xương khớp chiếm 35% dân số, trong đó lứa tuổi từ 50 - 70 chiếm 70%.  Lứa tuổi 25 đến 45 tuổi cứ 100 người thì có 27 người bị đau lưng, 20 người bị đau vai, 8 người bị đau khớp và 3 người bị viêm khớp. Điều này cho thấy, bệnh lý xương khớp đang ngày càng gia tăng nhanh, không chỉ ở người cao tuổi mà còn đang dần trẻ hóa.

Dù ít có khả năng gây tử vong, nhưng bệnh cơ xương khớp nếu không được điều trị sẽ để lại những di chứng vô cùng nặng nề với người bệnh. Nó làm giảm hoặc mất đi khả năng vận động, lao động bình thường của người bệnh, ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống …

Bên cạnh đó, việc tập thể thao như yoga là xu hướng hiện nay cũng là một biện pháp hữu hiệu giúp hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, tuy nhiên, nếu tập không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương, lợi bất cập hại.

Vậy làm thế nào để bảo vệ hệ cơ xương khớp? Đối phó thế nào với các cơn đau khớp? Khi nào thì cần phải phẫu thuật khớp? Cách tập yoga ra sao để tốt cho hệ cơ xương khớp, những bệnh gì không nên tập yoga, lứa tuổi nào có thể tập yoga, mức độ tập ra sao? …. Những tiến bộ trong điều trị các bệnh về cơ xương khớp hiện nay là gì, tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Điều trị hiệu quả bệnh cơ xương khớp thường gặp” do Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.


PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai



PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.


Huấn luyện viên yoga Hoàng Thị Mai Dung

Dẫn chương trình: Trà My


Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ & Đời sống bắt đầu từ vào 9h30, thứ Tư, ngày 15/11/2017.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

Hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Trong mỗi chương trình chúng tôi cũng sẽ có những câu hỏi tương tác tới khán giả và những khán giả có câu trả lời chính xác và nhanh nhất, đồng thời like và share thông tin của chương trình sẽ nhận được những phần quà.

Báo điện tử Sức khoẻ & Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội  đã nhận lời tham gia chương trình.

Mời độc giả tham gia chương trình tương tác truyền hình trực tuyến

Khán giả tương tác với chương trình:
1. Like Fanpage Báo Sức khoẻ và đời sống
2. Share link sự kiện của chương trình.
3. Trả lời câu hỏi của chương trình chính xác và nhanh nhất.

Những khán giả có câu trả lời chính xác nhất và nhanh nhất sẽ được chúng tôi công bố và nhận được những phần thưởng từ chương trình.

Câu hỏi tương tác số 01:

Nhóm đối tượng nào có tỷ lệ mắc thoái hoá khớp cao nhất?

A. Từ 20 - 30 tuổi

B. Từ 30-40 tuổi

C. Từ 50 tuổi trở lên

Đáp án đúng là C

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK QUỲNH MAI ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 1 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Câu hỏi tương tác số 2:

Tác động tổng hợp từ Bột Đạm Thủy Phân với xương khớp:

A, Giúp duy trì, tái tạo và bảo vệ sụn khớp, xương dưới sụn, tăng tiết dịch khớp

B, Hỗ trợ giảm triệu chứng viêm khớp, thoái hóa khớp

C, Giúp giảm đau an toàn, giúp khớp vận động linh hoạt.

D, Tất cả các đáp án trên

Đáp án đúng là D

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK TUYẾT MÙA HÈ ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 2 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :
MC
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, thưa bà, xin bà cho biết, bức tranh tổng quát về bệnh cơ xương khớp ở Việt Nam? Những đối tượng nào có nguy cơ mắc các bệnh về cơ xương khớp? Xin bà có thể giải thích lý do?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Bệnh lý cơ xương khớp là bệnh lý thường gặp, có thể gặp cả ở trẻ em và người lớn tuổi. Tuy nhiên những bệnh lý như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp thường gặp ở người lớn tuổi. Theo Tổ chức y tế thế giới, bệnh cơ xương khớp là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế. Thoái hóa khớp chiếm 1/3 trong nhóm bệnh lý cơ xương khớp. Ngày nay bệnh lý cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, thậm chí có bệnh nhân mới 35 tuổi đã bị thoái hóa khớp, đây là một vấn đề cần quan tâm để điều trị sớm, phòng tránh khớp biến dạng, hạn chế vận động khớp sau này.

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, đó là do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp, bệnh lý đau quanh khớp vai, đau các điểm bám gân. Một nguyên nhân nữa là do chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ, uống nhiều rượu bia, có thể gây bệnh lý về gút, hoặc những bệnh nhân chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính. Vấn đề nữa là do bệnh nhân đi điều trị hoặc tiêm tại những cơ sở không vô trùng dẫn tới nhiễm khuẩn khớp, những trường hợp này điều trị rất nan giải.

MC
Tại sao căn bệnh này thường phát triển vào mùa đông, hoặc những khi thay đổi thời tiết thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, khí hậu ẩm dễ dẫn tới bệnh lý cơ xương khớp, hoặc những bệnh nhân đang có bệnh lý cơ xương khớp sẽ có những đợt tiến triển kịch phát. Vì trong ổ khớp có dịch khớp và dây chằng quanh khớp, bao  khớp. Khi thời lạnh, dịch khớp khô quánh lại, mạch máu nuôi dưỡng cơ cạnh khớp giảm, co kéo các dây chằng, bao khớp để chống lại cái lạnh. Đây là nguyên nhân gây đau khớp gia tăng vào trời lạnh.

MC
Thưa PGS.TS. Kiều Đình Hùng, xin ông có thể cập nhật về các phương pháp điều trị bệnh cơ xương khớp hiện nay cho độc giả?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Thực ra điều trị cơ xương khớp có nhiều phương phá, trước hết mình phải loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh xương khớp. Hiện nay có 7 nguyên nhân thoái hóa khớp: một tuổi tác, cân nặng (liên quan đến chế độ dinh dưỡng, thức ăn nhanh nếu lên 1kg thì mức độ chống đỡ của khớp sẽ là 3-4kg, tại vì khi chạy, bước cầu thang thì khớp chịu tải 3-4 lần cân nặng), vận động (vận động không đúng , học không đúng tư thế, chơi thể thao), giới tính (phụ nữ thoái hóa khớp nhiều hơn đàn ông, dưới 50 là tương đương nhau nhưng trên 50 thì thấy phụ nữ tiền mãn kinh bị thoái hóa khớp nhiều hơn, lượng estrogen xuống, lượng estrogen làm cho khớp được nuôi dưỡng tốt hơn), chơi thể thao quá mức (không phù hợp với tuổi như: cử tạ 100% về sau sẽ bị thoái hóa cột sống, thoát vị, hoặc ngồi không đúng tư thế)... Để phòng và điều trị thì trước hết mình phải loại bỏ các nguyên nhân, sau đó đến chế độ dinh dưỡng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi khớp, sụn khớp. Bổ sung dinh dưỡng khớp, các dịch khớp. Đó là để phòng bệnh khớp. Hiện nay đã có nhiều kỹ thuật chẩn đoán sớm như: chụp cắt lớp (bằng hệ thống máy cộng hưởng từ) dựa vào màu sắc để biết được (xanh, đỏ, tím, vàng) độ thoái hóa. Ở mỗi loại thì điều trị ra sao, ngoài ra khi bị đau nhiều thì điều trị nội khoa. Nếu điều trị nội khoa thất bại thì tiến hành phẫu thuật khớp. Phẫu thuật khớp rất tiến bộ (thay khớp gối, kỹ thuật thay khớp bán phần). Trước hỏng khớp thì thay toàn bộ nhưng giờ có thể thay từng phần hỏng của khớp (người trẻ rất khuyến khích phương pháp này vì phương pháp rất tốt, thời gian thay chỉ 45 phút, không tổn thương dây chằng, 3 ngày có thể di chuyển được. Đã có chuyên gia Đức sang chuyển giao công nghệ). Điều trị khớp thì quan trọng vẫn là nội khoa hoặc là điều trị phục hồi chức năng và kết hợp với thuốc đông y thảo dược.

MC
Thưa TS. Đậu Xuân Cảnh, thực trạng hiện nay nhiều người cho rằng, cứ hết đau nghĩa là khỏi bệnh nên khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm nhận thấy giúp giảm đau nhanh để chữa trị mà không biết đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho khớp bị thoái hóa ngày càng nặng lên. Hiện nay, có không ít sản phẩm chỉ tập trung giải quyết cơn đau, thậm chí là thuốc đông dược tưởng chừng an toàn cũng có trộn lẫn corticoid, không thể giải quyết được tận gốc bệnh khớp mà chỉ che lấp triệu chứng, xua tan cơn đau, còn căn nguyên của bệnh vẫn vậy. TS có ý kiến và lời khuyên như thế nào với người dân về vấn đề này?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Theo quan điểm của tôi tất cả những người bị bệnh khớp cần phải có chẩn đoán xem bị bệnh gì. Trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh khớp có nguyên nhân rất quan trọng là từ sinh hoạt của chúng ta, cùng với tuổi tác, giới tính… mỗi nguyên nhân thì có cách điều trị khác nhau. Do đó khi một người bị đau khớp thì cần khám để bác sĩ chẩn đoán xem đau khớp do nguyên nhân gì là vô cùng quan trọng đối với họ. Bởi vì có những bệnh lý về khớp phải chữa bằng y học cổ truyền, có những bệnh lý phải chữa bằng y học hiện đại. Ví dụ như nhiễm trùng do tiêm khớp không đúng nếu không điều trị đúng thì sẽ hỏng khớp của bệnh nhân. Hoặc viêm đa khớp dạng thấp nếu được phát hiện sớm, chữa đúng bài bản, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền thì có thể đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Hay một người bệnh thoái hoá khớp được chẩn đoán sớm có thể điều trị phục hồi được bằng thuốc đơn thuần, kết hợp giảm đau cho bệnh nhân bằng y học cổ truyền và hiện đại, và cùng với các biện pháp không dùng thuốc khác như xoa bóp, châm cứu, thuốc mát xa tại chỗ… tất cả những điều ấy cũng đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh, vấn đề là bệnh nhân phải được chẩn đoán bệnh rõ ràng. Ngược lại nếu thoái hoá khớp không được chẩn đoán sớm và điều trị một cách đầy đủ thì nó sẽ dẫn đến những thoái hoá nặng hơn, thậm chí điều trị nội khoa không còn hiệu quả và bệnh nhân phải cần đến can thiệp ngoại khoa, tất cả những điều đó làm cho bệnh trầm trọng hơn. Thoái hoá khớp liên quan đến tuổi tác, cân nặng, và theo đông y thì “thận chủ cốt”, trong cơ thể có những đường kinh mạch mà khi trời mùa đông các kinh mạch bị tắc lại làm xuất hiện các triệu chứng đau mỏi và khi có tuổi rồi thì chức năng thận suy giảm đi, không nuôi dưỡng được khớp và dẫn đến thoái hoá khớp. Tôi khuyên bệnh nhân đừng tự ý dùng thuốc bừa bãi mà cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.

MC
Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, sự ra đời của nhiều thiết bị điện tử, khiến con người ngày càng ít vận động, cùng với đó là sự xuất hiện của các bệnh về cột sống như cong vẹo cột sống, thoái hoá cột sống thắt lưng, viêm cứng khớp cột sống, gai cột sống…. xin bác sĩ cho biết bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi nào? Dấu hiệu nào cho biết các bệnh về cột sống thưa ông?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Rất đơn giản là khi bị bệnh thì thấy mỏi, trẻ em thì phải hướng dẫn ngồi học đúng tư thế, những người làm văn phòng phải biết cách phòng tránh, tránh ngồi lâu, cần đổi tư thế, nghỉ ngơi mấy phút để thay đổi tư thế. Khi bị rồi thì có thể thấy mỏi do thoái hóa, sau đó là đau khớp. Và cần đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng.

 

MC
Thưa các chuyên gia, hiện nay bệnh cơ xương khớp còn xuất hiện ở cả những đối tượng trẻ. Theo thống kê của ngành Xương khớp Việt Nam, ở lứa tuổi 25 đến 45 tuổi cứ 100 người thì có 27 người bị đau lưng, 20 người bị đau vai, 8 người bị đau khớp và 3 người bị viêm khớp và nữ mắc bệnh xương khớp nhiều hơn nam. Xin PGS.TS Kiều Đình Hùng có thể cho bạn đọc biết, tại sao lại có hiện tượng này? Có thể dự phòng sớm việc thoái hóa khớp bắng những cách nào?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Tôi cũng không rõ vì trước đây chưa có các thống kê. Tuy nhiên tôi nghĩ là hiện nay nguyên nhân gây thoái hóa khớp nhiều nên làm cho tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đặc biệt là béo phì vì mỗi 1kg tăng lên thì sẽ chịu tải 3-4kg. Tỷ lệ chơi thể thao cũng nhiều hơn, chơi thể thao cũng đúng cách (mỗi lứa tuổi chọn một môn phù hợp). Tôi rất phản đối cử tạ vì chấn thương xương khớp ở bộ môn này rất nhiều, chỉ nên chơi cử tạ nằm thôi còn cử tạ đứng thì không nên  (thực ra cột sống, nếu chiều cao 1m6 thì cân nặng chỉ được 60-70kg thôi chứ nếu nặng hơn buộc cột sống phải chịu tải) Nếu chịu tải đúng tư thế thì không nói, còn chịu tải không đúng thì sẽ dẫn đến các chấn thương, thoát vị rất lớn. Ngoài ra, cơ thể ngoài 22 tuổi (nữ) nam (25 tuổi) sẽ bắt đầu thoái hóa nên chế độ dinh dưỡng, tập luyện rất quan trọng để phòng tránh. Gần đây chúng tôi gặp tình trạng thoái  hóa khớp do chấn thương (chơi thể thao) đặc biệt là khớp gối. Đặc biệt là điều trị không đúng cách thì thoái hóa rất sớm, khi bị bệnh cần biết cách vận động, tập luyện ra sao cho đúng.  Nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống không nên tập đi bộ, tập yoga .

MC
Thưa chị Dung, xin hỏi, yoga có tác dụng thế nào với các bệnh về cơ xương khớp?
HLV yoga Hoàng Thị Mai Dung :

Tập Yoga giờ là xu hướng được mọi người yêu thích, phù hợp từ người trẻ đến người già. Tập yoga giúp chắc khỏe xương khớp, giảm nhức mỏi đau vai gáy cổ. Sau khi tập từ 3-6 tháng, tăng miễn dịch trong cơ thể, ít bị bệnh về hô hấp,đường thở, tiêu hóa tốt hơn. Tập yoga giờ đây mọi người yêu thích, tập các bài đơn giản có thể giúp cải thiện sức khỏe.

Khi chúng ta tập luyện yoga, một số bạn với sự tập luyện không được hướng dẫn với HLV có kinh nghiệm và nôn nóng so sánh cơ thể chúng ta với cơ địa người khác, chúng ta có thể bị chấn thương, đặc biệt khớp cổ, ở tư thế lộn ngược đầu, đảo ngược, do kỹ thuật tiết cơ chưa tốt sẽ gây chấn thương đốt sống cổ, nếu ngả trước, ngả sau quá sâu, có thể dẫn đến tình trạng chấn thương, đau các khớp.

MC: Thưa PGS.TS. Kiều Đình Hùng, ông đã gặp trường hợp nào bị chấn thương do tập yoga hay chưa?

PGS.TS. Kiều Đình Hùng: gần đây, tôi gặp một người Hàn Quốc sang đây, anh ý đau lưng, anh ý đi bệnh viện, rất may không tổn thương tủy sống, về sau điều trị được. Mỗi phương pháp đều có tác dụng chữa bệnh: yoga, châm cứu bấm huyệt,... tuy nhiên kỹ thuật phải đúng. Kể cả bấm huyệt không bài bản cũng để lại hậu quả. Yoga tập không đúng cũng để lại hậu quả. Có người tập yoga chữa đau lưng xong lại bị thoát vị đĩa đệm. Tập gì cũng phải có chuyên môn. Làm đúng sẽ tốt, làm sai sẽ ko tốt.

PGS.TS Nguyễn Mai Hồng: tập luyện phải đúng cách, nếu sai ảnh hưởng đến dây chẳng, đây khớp. Tập tạ không đúng có thể chèn ép đĩa đệm, gây đau thần kinh tọa. Khi đau khớp mà đi bộ làm các đầu xương chèn ép vào nhau gây chèn dịch khớp, càng đau hơn. Đi lên đi xuống cầu thang, nếu béo phì, khi đi xuống trọng lượng cơ thể vào xương chày khớp gối càng làm mòn khớp, gây đau khớp.

Các biện pháp tập luyện tránh tải trọng khớp như đi bơi, đạp xe với người thoái hóa khớp gối. Nâng tạ vừa phải đối với người đau khớp vai, nói chung các động tác không bị quá tải.

TS. Đậu Xuân Cảnh: động tác nào cũng phải có giới hạn của nó, quá tải sẽ gây tổn thương. Tập tạ quá tải sẽ gây tổn thương, chấn thương đốt sống cổ. Cần phải không được vượt qua ngưỡng đấy. Cần đi khám bác sĩ. Cần có sự hỗ trợ của bác sĩ để khỏi bị quá ngưỡng.

Đau khớp mà càng đi bộ nhiều lại vô tình làm tổn thương khớp nặng lên. Cái đó phải do bác sĩ tư vấn mới mang lại hiệu quả.

MC
Làm thế nào để phòng bệnh cơ xương khớp thưa PGS TS Nguyễn Mai Hồng?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Để phòng bệnh cơ xương khớp, mọi người cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý, ví dụ như những người thường xuyên phải làm việc với máy tính cúi nhiều, chúng ta phải tập các động tác cổ, ngửa, nghiêng, quay, ngồi phải thẳng lưng, đôi khi chúng ta phải đứng dậy đi lại vận động để làm dịch khớp lưu thông, tránh hiện tượng quánh dịch khớp gây đau khớp. Khi dịch khớp lưu thông tốt kích thích sản xuất các thành phần khác trong ổ khớp như axit hyaluronic, glucosamin.  

Với những người mắc bệnh khớp, cần dùng thuốc bổ sung các thành phần trong ổ khớp vì trong ổ khớp có nhiều thành phần như collagen, axit hyaluronic, glucosamin và một số yếu tố vi lượng khác. Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho khớp từ sớm để tránh thoái hóa khớp tiến triển sớm. Hiện nay, có một thực trạng là có nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp, vì vậy cần bổ sung dịch khớp để tránh thoái hóa khớp sau này.

MC
Ngoài điều trị bằng thuốc, các phương pháp điều trị, hỗ trợ của y học cổ truyền đối với người mắc bệnh cơ xương khớp là gì?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bệnh khớp ngoài dùng thuốc thì y học cổ truyền có biện pháp châm cứu, khi người bệnh đang đau đớn thì biện pháp châm cứu rất tốt. Hoặc dùng các biện pháp như mát xa, chườm nóng bằng các thảo dược (ngải cứu nóng) rất tốt để giảm đau nhức ở khớp. Ví dụ một nhân viên văn phòng ngồi lâu không đúng tư thế hoặc mải mê công việc quên thay đổi tư thế, sau đó xuất hiện đau lưng, mỏi cổ, quay cổ khó… thì sử dụng biện pháp bấm huyệt, chườm các thảo dược là biện pháp hiệu quả nhất cho người bệnh.

MC
Với xu hướng phát triển của các bệnh mạn tính hiện nay, có nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan đến bệnh khớp như gút chẳng hạn, xin ông có thể cho biết thêm bệnh nào có biến chứng lên khớp? Làm thế nào để phân biệt bệnh khớp với các bệnh có biểu hiện ở khớp khác?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Khớp có rất nhiều bệnh khác nhau: thoái hóa khớp (ai cũng gặp khi đến tuổi già) ngoài ra một số bệnh thấp tim có biến chứng khớp (vì có vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào đường họng khi vào cơ thể thì cơ thể sản xuất ra chất chống lại  thì vô tình chống lại cả khớp và cả van tim nữa. Các cụ gọi là thấp khớp đớp vào tim). Các bệnh do lupus ban đỏ thì phải điều trị miễn dịch chứ không phải khớp bình thường hoặc bệnh viêm đa khớp. Gần đây có phương pháp điều trị mới. Chúng tôi đã mổ rất nhiều cho bệnh nhân gút, đây là có thể coi là thảm họa vì chúng ta biết là gút là bệnh âm thầm vì có các hạt tophi đọng trong khớp mà khi để đến đau rồi thì nó rất khó điều trị vì hạt tophi dính vào các tổ chức mềm trong khớp và không thể nào lấy hết được. Và chỉ làm đỡ phần nào thôi, nếu không phòng trước thì đến lúc mắc bệnh vô cùng khó điều trị. Điều trị gút chỉ là tạm thời chứ đau sẽ tồn tại mãi. Ngoài ra gần đây chúng tôi thấy chữa khớp bình thường thì các thuốc vào bao khớp rất khó vì các bao khớp có màng, nhiều bác sĩ tiêm khớp nhưng cần tiêm khớp đúng vì có rất nhiều tai biến vì tiêm khớp. Nhà nhà, người người tiêm khớp thì rất nguy hiểm vì chỉ học có vài ba tuần mà về thực hành thì rất nguy. Vì tiêm vào khớp cần chỉ định đúng, kỹ thuật tốt, vô khuẩn  tốt, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân tiêm xong có mủ khớp và đó là một thảm họa vì không thể nào điều trị trở lại ban đầu. Bệnh nhân khớp nên đến bác sĩ chuyên khoa sâu khám bệnh, tư vấn và nên điều trị cần tuân thủ không lạm dụng

Bạn Lê vy (huynhthevy80@gmail.com)
Chào bác sĩ. Năm nay em 37 tuổi , bị đau lưng 3 năm rồi. Chụp MRI, X-quang bác sĩ nói trượt đốt sống l5s1 hết 1/3. Bệnh này chỉ mổ chứ không trị gì khỏi, em rất lo lắng. Bác sĩ cho em lời khuyên nên mổ sớm bây giờ hay để đau nặng rồi mới mổ. Mổ sớm có tốt hơn không. Bác sĩ cho em lời khuyên. Chân thành cảm ơn.
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Thực ra là bạn bị trượt đột sống L5 S1.  Bệnh trượt đột sống nếu tuổi 70-80 tuổi thì mình có thể điều trị nội khoa nhẹ nhàng nhưng bạn mới 37 tuổi thì bắt buộc phải mổ để cột định lại cột sống (thường thay luôn đĩa đệm) hiện nay kỹ thuật mổ rất là tốt và nằm viện chỉ khoảng 1 tuần và 5-7 ngày sau có thể đi lại được và hiện nay kỹ thuật mổ không làm tổn thương thần kinh. Tôi nghĩ bạn cần mổ sớm vì bạn còn trẻ xương còn vững. Nếu điều trị nội thì chất lượng cột sống rất là giảm (không đi chơi, chơi thể thao, tập yoga).

Phạm Anh Hằng
 
(Trần Quốc Hoàn)
Tôi tập luyện yoga và GYM Và Dance thời gian khoảng 2 năm trong khi tôi tập Yoga bị chấn thương ở vùng lưng và bắp đùi tôi đau khoảng gần 2 tháng âm ỉ sau đó tôi đau nhiều quá ở phần hông đi lại cứ thấy nhói đau ngồi xuống cũng rất khó Tôi đã đi khám bs và điều trị hơn 10 ngày rồi mà mới đỡ một chút đi lại nhiều lại thấy đau ở phần mông (kết quả chụp Xquang của thôi ghi là hiện tại chưa thấy gì tổn thương còn hình ảnh tôi mang xuống cho bs xem bác sĩ nói phần xương sống lưng của tôi bị tụt mất một chút xíu nên nó đau ảnh hưởng đến khớp háng) bác sĩ kết luận tôi bị hẹp khớp háng. Bác sĩ điều trị cho tôi bằng phương pháp tiêm thuốc với điện châm bấm huyện lúc đó thì tôi thấy đỡ nhưng về nhà đi lại nhiều một chút lại thấy đau. tôi nhờ chương trình gửi để bác sĩ để giúp tôi có thể điều trị ở nhà và khi điều trị xong tôi có tập luyện trở lại được không?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Đối với bệnh nhân đau ở vùng thắt lưng, hông, nhiều trường hợp đau lan xuống sau đùi hay gặp là đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm khi siêu âm thấy hình ảnh hẹp khe khớp, chụp X quang thấy hình ảnh gai xương ở rìa khớp háng. Đối với bệnh nhân thoái hóa khớp, kèm theo dấu hiệu đau thần kinh tọa, cần dùng những thuốc điều trị cơ bản, trong giai đoạn bệnh ổn định có thể hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục thể thao ở mức độ vừa phải. Với bệnh nhân có hẹp khe khớp, thoái hóa khớp, những động tác quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến khớp, ngoài ra sử dụng kèm thuốc điều trị thoái hóa khớp để tránh hiện tượng thoái hóa khớp tiến triển càng nặng.

HLV Hoàng Dung: Như PGS Hồng đã chia sẻ, bạn đã có triệu chứng của thoái hóa và đau thần kinh tọa. Khi tập yoga bạn không nên kéo giãn quá mức phần gân cơ khoeo, không ưỡn quá mức phần đầu gối hoặc sau gối, không ngửa sau quá mức, gập phía trước quá mức sẽ kéo căng khớp gối. Bạn có thể tập luyện nhẹ nhàng, không vặn xoắn cột sống, các bài tập cần tập vừa phải, không cố quá mức thì sau 1 thời gian, từ 3-6 tháng, bạn sẽ thấy bớt đi triệu chứng đau. 

TS Đậu Xuân Cảnh: Khi tập yoga mà có chấn thương, đau thần kinh tọa, phương pháp điều trị bạn có thể dùng thuốc y học hiện đại hoặc y học cổ truyền. Về tập luyện bạn có thể tập bơi để cột sống không bị áp lực. Khi bị chấn thương không điều trị dứt điểm sẽ bị ảnh hưởng tới sinh hoạt và lao động sau này. Với những trường hợp thoát vị đĩa đệm không có chỉ định phẫu thuật, y học cổ truyền có phương pháp điều trị bảo tồn rất hiệu quả.

Tu Bui ()
Tôi bị thoái hoá đốt sống cổ L5, trong một lần chơi bóng chuyền, khi ngửa đầu lên trời và thực hiện đánh bóng thì thấy như có luồng điện cắt qua gáy và không thể tiếp tục chơi được. hiện giờ tôi cảm thấy đau buốt kèm theo ngứa ở sau vai trái và ở phiá sau đầu cánh tay nơi giáp với ổ khớp vai. Khi quay tay thì thấy kêu như vướng vào sợi dây chằng khớp bả vai. Hỏi : 1/ tôi bị bịnh gì? Có phải viêm chu vi vai ?Có tự chữa khỏi được không? 2/nên đi khám và chữa trị ở đâu. Tôi ở tp hcm Xin cảm ơn.
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Thực ra thông tin anh đưa ra không rõ thực ra không phải là L5 mà là C5, thứ nhất là có 2 bệnh phần biệt: 1 viêm quanh khớp vai hoặc tổn thương các dây chằng của khớp vai (nếu chơi thể thao) biểu hiện là cử động khớp vai hạn chế và rất đau. Thứ 2 là bệnh cột sống chèn ép dây thần kinh và cũng đau, cần phần biệt hai cái đó. Thông thường bệnh ở cột sống cổ thì đau cổ rất là nhiều rồi lan ra hai cánh tay nhưng vai vẫn cử động tốt. Khi cử động vai hạn chế các động tác giơ lên quay ra sau thì thường là bị khớp vai. Tốt nên khám bác sĩ chuyên khoa và chụp cộng hưởng từ sẽ biết bệnh ở chỗ nào.  

 

PGS.TS Nguyễn Mai Hồng bổ sung: Đau cột sống cổ cần chụp X quang hoặc chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán phân biệt giữa đau cột sống cổ do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa hoặc một số bệnh lý khác như là viêm đĩa đệm cột sống cổ có thể gặp. Bệnh nhân đau khớp vai có thể  phối hợp đau cả cột sống cổ. Đối với đau khớp vai chúng ta hay gặp nhất là thể viêm quanh khớp vai thể viên gân nhị đầu, viêm gân trên vai và cái này chẩn đoán thì chắc chắn và đơn giản nhất là có thể siêu âm và có thể nhìn thấy tổn thương khớp vai. Đối với viêm quanh khớp vai đơn thuần có thể sử dụng thuốc như chống viêm, giảm đau, thuốc giãn cơ, cải thiện triệu chứng.

MC
Thưa chị, vẫn biết tập luyện thể thao có thể phòng tránh bệnh về xương khớp, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến biến chứng nếu tập luyện không đúng cách, thiếu khoa học. Chị có thể hướng dẫn cách tập yoga sao cho hiệu quả?
HLV yoga Hoàng Thị Mai Dung :

Để tập luyện yoga đúng cách và chúng ta giữ sức khỏe tốt sau khi tập luyện, nên chọn bài phù hợp với bản thân ngay từ ban đầu. Không tập cố quá, căng ép quá ngay từ lúc ban đầu. Chúng ta tránh để gân cơ bị kéo giãn quá mức hoặc phần xương chúng ta phải chịu tác động uốn cong hoặc gập trước quá mức, hoặc chịu tác động trên bê nặng cả một thân hình khi chúng ta đứng trên đầu hoặc đứng trên cẳng tay hoặc chân. Vì thế chúng ta chọn bài tập phù hợp với cơ thể ngay từ ban đầu, chọn HLV có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt, người ta sẽ hướng dẫn mình.

Với người bị thoát vị đĩa đệm, bị cơ thể đau nhức. Chúng ta phải điều trị triệu chứng đau ban đầu, khi tạm thời đẩy lùi mới tập để lưu thông khí huyết, ngăn ngừa thoái hóa cơ xương khớp. Lời khuyên là điều trị cho ổn định đã, khi cơn đau không còn hành hạ cơ thể mới bắt đầu tập nhẹ nhàng các bài tập cho người thoái hóa khớp hoặc thoát vị đĩa đệm.        

MC: Nếu bị thoát vị đĩa đệm có tập yoga được không, thưa PGS.TS. Kiều Đình Hùng?

PGS.TS. Kiều Đình Hùng: Tập vẫn có thể tập được, nhưng thoái hóa hay thoát vị ở mức độ nào? Người bị gập cột sống quá mức tập xong lại không thể đi lại được. Trong trường hợp thoát vị tập giãn và ưỡn thì tốt chứ không tập gập cột sống, sẽ làm khớp quá tải, bệnh nặng hơn. 

chau nguyen
Em là nữ năm nay 21 tuổi, sau khi khám + chụp MRI được chẩn đoán là Thoái hóa đĩa đệm đốt sống cổ, được kê thuốc điều trị. Trước đó có điều trị 2 tuần với Vitamin 3B (B1, B6, B12), Canxi dạng viên uống… Em bị đau vùng sau vai Phải do có 1 thời gian em viết bài quá nhiều dẫn đến đau, chỉ đau vùng sau vai P, không lan lên cổ hay xuống cánh, cẳng, bàn, ngón tay, đau tăng dần khi viết bài, cứ mỗi khi viết bài là sẽ đau. Bác sĩ cho em hỏi, em cần phải điều trị tiếp như thế nào? Và có bài tập vật lí trị liệu nào giúp giảm đau không ạ. Em cảm ơn bác sĩ, mong các bác sĩ giải đáp giúp em.
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Trước hết cảm ơn bạn. Thoái hóa đĩa đệm dùng các loại vitamin không có tác dụng, thứ nhất đau thì dùng các thuốc giảm đau chống viêm trước. Thứ 2 thuốc bổ sung các sụn, cột sống cũng sụn đĩa đệm bổ sung kết hợp tập luyện. Khi bệnh nhân thoái hóa cột sống không còn chắc để các búi cơ cổ, trước sau và hai bên thật khỏe để giữ cột sống không thỉnh thoảng sẽ đau. Đó là cách tập luyện và có thể kết hợp xoa bóp để làm cho cơ cổ khỏe ra để giữ cột sống. Thực ra tuổi 20-21 cũng không gặp khó khăn để điều trị.

Nguyễn Thị Huyền Anh, 29 tuổi
 
(Quảng Ninh)
Thưa bác sĩ, tôi là nhân viên văn phòng thường xuyên phải làm việc bằng máy tính và ngồi lâu, nên tôi hay bị đau lưng và rất mỏi cổ. Dù đã dùng nhiều phương pháp như dán cao, xoa bóp, bấm huyệt, nhưng tình trạng không được cải thiện mấy. Xin bác sĩ cho biết, có phải tôi đã mắc bệnh khớp hay không? Làm sao để cải thiện tình trạng đau nhức này?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Đây là vấn đề rất hay gặp ở những người trẻ tuổi, đặc biệt ở giới văn phòng, đó là trường hợp đau cột sống cổ có thể do thoái hóa sớm, thoát vị đĩa đệm, có thể do xơ hoặc mất đàn hồi của đĩa đệm. Giữa 2 đốt sống có nhân nhầy để đốt sống cử động được, tuy nhiên vì lý do không vận động, nhân nhầy đó kém, dần dần xơ cứng lại dẫn đến hiện tượng đau. Những người trẻ khi có đau cột sống cổ, đau cột sống thắt lưng do tư thế làm việc cần tập luyện, phối hợp vận động đúng cách, như tập luyện cổ hoặc đi bơi để giữa 2 khe đốt sống giãn ra, đĩa đệm không bị chèn ép vào dây thần kinh sẽ gây đau. Thêm vào đó, cần có chế độ dinh dưỡng tốt, nhiều bạn trẻ do ăn kiêng giữ dáng gây ra hiện tượng thoái hóa khớp vì thiếu các chất dinh dưỡng trong sụn khớp, cần bổ sung canxi, vitamin D hoặc những thành phần trong ổ khớp như glucosamin để giữ sụn khớp, đĩa đệm tránh hiện tượng thoái hóa sớm.

TS Đậu Xuân Cảnh: YHCT có phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, chườm thảo dược, châm cứu rất hiệu quả. Cần kết hợp điều trị với bản thân người bệnh, không ngồi lâu quá, khi ngồi cần có chỗ dựa, nếu ngồi khoảng 1 tiếng cần thay đổi tư thế. Nếu đau cần đi khám ngay để được điều trị sớm dễ phục hồi hơn, tránh thoái hóa.

 

MC
Chị có thể hướng dẫn cho bạn đọc là những nhân viên văn phòng vài bài tập nhỏ để giảm mỏi cổ vai gáy không?
HLV yoga Hoàng Thị Mai Dung :

Bệnh với người làm văn phòng thường liên quan tới vai, gáy cổ, thắt lưng. Khi chúng ta ngồi nhiều, hai phần vai của chúng ta sẽ bị kéo xuống, và đôi khi người ta phải ngồi thẳng lưng, cơ vai bó lại, thắt lưng bị ảnh hưởng, bị mỏi. Khi chúng ta ngồi khoảng độ một vài tiếng, chúng ta nên vận động vài phút, vài động tác đơn giản đỡ cho phần cổ bị mỏi quá mức vì cúi xuống hay ngửa lên. Chúng ta đan 2 tay lại để dưới cằm, hít sâu đẩy cột sống lên. Mở căng phần cánh tay ra, đẩy cằm nhẹ lên, vươn cằm nhẹ và nhìn lên. Sau đó giữ khoảng 10 giây, và thở thật chậm rồi chúng ta ấn cằm xuống và cúi xuống, kéo căng 2 cánh tay lên. 

Đến vùng vai, chúng ta có thể đặt 1 tay lên vai trái, và tay kia lên mé thái dương, và chúng ta kéo căng một bên khớp cổ, vận động kéo căng phần bên cơ cổ này. Mỗi lần tập giữ khoảng 6-10 giây. Và tập khoảng 5-7 lần. Chúng ta cũng làm như vậy với vai bên kia.

Chúng ta có thể đặt nhẹ cùi tay vào cằm, quay nhẹ, quay nhẹ cổ ra phía vai bên trái, giữ một chút rồi quay nhẹ cổ sang bên phải. 

Một bài tập như thế chỉ đơn giản 3-5 phút thôi và chúng ta đã có sự linh hoạt của khớp cổ rồi. Đồng thời cổ của chúng ta cũng được thư giãn và massage. 

Sau đó chúng ta massage tay, thật ấm tay và chúng ta bóp dọc hai bên cơ cổ sau gáy. Một bên vai chúng ta cũng bóp nhẹ, để cơ bả vai không bị bó lại. Vai không bó thì lưng cũng đỡ mỏi phía sau. 

Hoàng Anh
 
(Hà Đông)
Chào bác sĩ, vợ tôi bị gai đôi cột sống đã 2 năm, điều trị bằng phương pháp bấm huyệt nhưng không đỡ. Giờ vợ tôi nên chuyển sang phương pháp điều trị nào, thưa bác sĩ vì vợ tôi không muốn điều trị theo tây y? Tôi xin cảm ơn
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Gai đôi cột sống phải điều trị thích nghi là chính vì bản chất của nó là bẩm sinh chứ không phải dùng thuốc để mất gai đôi đi. Nhưng chúng tôi phải xem xét toàn bộ gai đôi có kết hợp với cái gì không mà bây giờ nó gây đau, ví dụ gai đôi kết hợp với thoát vị, hoặc gai đôi kết hợp với thoái hoá… do đó cần phải được khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu chỉ gai đôi thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn, không có vấn đề gì cả.

PGS.TS. Kiều Đình Hùng: Tôi cũng đồng ý với TS. Cảnh là gai đôi cột sống là bẩm sinh, nhiều bệnh nhân và cả bác sĩ cũng nhầm lẫn đau do gai đôi nhưng không phải vậy. Gai đôi chỉ phẫu thuật khi khe hở quá rộng gây ra thoát vị, tuỷ và màng tuỷ lồi ra ngoài. Còn gai đôi bình thường thì thường nhỏ, không có triệu chứng đau, gai đôi đau thì phải tìm nguyên nhân khác (thoái hoá đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, viêm các rễ thần kinh, viêm khớp và các khớp, đặc biệt là viêm khớp cùng chậu rất hay bị đau).

Trần Hồng Loan
 
(loantran2308@gmail.com)
Chào bác sĩ! Mẹ tôi năm nay ngoài 60 tuổi. Nhưng cứ mưa là mẹ tôi bi đau khớp gối, bà cứ ra tiệm thuốc mua thuốc giảm đau uống. Tôi nghĩ uống thuốc giảm đau nhiều không tốt, bác sĩ giúp tôi cách khắc phục và giải thích cho mẹ đừng uống thuốc giảm đau nữa và làm cách nào khắc phục được triệu chứng trên?
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng :

Với mẹ bạn, trên 60 tuổi đau khớp gối cần nghĩ nhiều đến thoái hóa khớp. Một số bệnh lý khác cũng gây đau khớp gối như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút. Tuy nhiên, với viêm khớp dạng thấp thường có triệu chứng toàn thân như sốt hoặc thiếu máu, bệnh gút liên quan đến chế độ dinh dưỡng, gây ra hạt tophi xuất hiện quanh khớp. Với bệnh nhân trên 60 tuổi, đau khớp gối thì chúng ta nghĩ nhiều đến thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp là bệnh liên quan đến người cao tuổi, già đi sụn khớp thoái hóa, đầu xương cọ vào nhau gây ra hiện tượng đau khớp. Ở giai đoạn nhẹ, có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau đơn thuần như paracetamol. Nếu bệnh nhân đau hơn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm giảm đau không steroid. Khi sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroid, cần kiểm tra chức năng thận hoặc xem bệnh nhân có bị đau dạ dày hay không vì nếu bệnh nhân có suy thận hoặc viêm loét dạ dày tá tràng từ trước khi dùng thuốc có thể xuất huyết tiêu hóa hoặc suy thận nặng hơn.  Chính vì vậy, bệnh nhân thoái hóa khớp, cần thận trọng khi sử dụng những thuốc không kê đơn của bác sĩ. Những trường hợp này, đi khám bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau ở mức an toàn nhất phối hợp với thuốc điều trị thoái hóa khớp, nặng có thể tiêm khớp. Hiện nay có một số biện pháp điều trị thoái hóa khớp khi bệnh ở giai đoạn 2, 3 như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc từ mô mỡ tự thân. Đây là các biện pháp đã  được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai và đem lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân.

TS Đậu Xuân Cảnh: Bạn có thể đến YHCT bằng các phương pháp như châm cứu, xoa bóp tại chỗ rất tốt, có thể chữa bệnh ngay tại địa phương. 

Bạn Nguyễn Tú Trân (Hà Nội)
Cháu nhà tôi năm nay 14 tuổi, nhưng rất thích tập yoga. Cháu rất thích tập các động tác xoắn vặn, tôi sợ ảnh hưởng đến sự phát triển xương của cháu. Nếu cháu không tập luyện từ nhỏ, bây giờ mới bắt đầu tập yoga có nên cho cháu đi tập không, thưa chuyên gia. Có bị ảnh hưởng tới xương khớp của trẻ không?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng :

Thực ra khi tập yoga thì tuổi càng sớm thì tập càng tốt. Tuy nhiên mỗi lứa tuổi thì cách tập khác nhau, cháu mới 14 tuổi (là con gái mà đã có kinh rồi) thì các sụn khớp không phát triển nữa thì tập cần giới hạn vì không bằng tuổi nhỏ hơn. 14 có thể tập được nhưng cần chuyên gia hướng dẫn.

HLV Hoàng Dung bổ sung:  Thực ra trẻ em tập yoga tốt tăng sức bền và phát triển các nhóm cơ đồng thời tăng khả năng tập trung giúp trẻ tự tin, tăng hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa. Thường lứa tuổi tập từ 6 tuổi trở lên đã được tập yoga tốt. Bạn 14 tuổi khuyến khích tập luyện  nhưng cần có sự hướng dẫn của các HLV vì cơ địa trẻ  dẻo và lúc đó tập theo bản năng vì thế có trường không sử dụng cách chiết cơ, không gập về đằng sau quá nhiều hại cột sống hoặc căng duỗi quá mức (tư thế xoạc) mà cơ chưa được làm ấm sẽ dẫn đến giãn dây chằng vì thế tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV. Xoắn vặn theo cơ thể với bạn thì rất tốt vì cơ địa của trẻ đang dẻo dai tập trên ngưỡng của cơ thể không quá ép.

MC
Không ít trường hợp gãy xương tìm đến bó lá. xin hỏi TS, Cảnh điều này có nên hay không?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Phương pháp bó lá là một phương pháp rất tốt nhưng trong trật khớp, gãy xương thì có một việc quan trọng là bác sĩ phải cố định xương, khớp của bệnh nhân lại vì nếu không cố định xương, không tạo áp lực lên xương thì xương sẽ rất khó liền và gây lệch, rất nguy hiểm. Do đó tôi khuyên bệnh nhân khi bác sĩ mổ cho bạn rồi mà bạn muốn dùng thêm thuốc đông y kích thích liền xương nhanh hơn và chống phù nề thì hiệu quả hơn cho bạn. Còn nếu đơn giản chỉ bó lá đơn thuần thì tôi khuyên bạn không nên lựa chọn.

Phan Thu Hương
 
(Hải Dương)
Thưa bác sĩ, mẹ tôi năm nay 68 tuổi, bị bệnh tiểu đường đã 8 năm. Vài năm trở lại đây, mẹ tôi thường bị đau xương khớp, Được biết mới có nghiên cứu về bột đạm thủy phân khi kết hợp cùng Glucosamin sulfat có nhiều hiệu quả cho bệnh xương khớp. Xin hỏi bác sĩ là mẹ tôi có thể uống bổ sung được không? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến bệnh tiểu đường của mẹ tôi không?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Thứ nhất bệnh tiểu đường và cơ xương khớp là 2 việc khác nhau. Tất nhiên bệnh tiểu đường làm rối loạn chuyển hoá có thể làm bệnh cơ xương khớp nặng lên, khó điều trị. Và đặc biệt trong bệnh cơ xương khớp có người dùng thuốc có thành phần corticoid thì không phù hợp, không được phép sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường hoặc nếu có dùng thì phải dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của bác sĩ. Còn sản phẩm đa vi lượng acid amin thuỷ phân là một sản phẩm được nghiên cứu từ biển dùng cho bổ âm cũng rất tốt, bạn có thể dùng mà không có ảnh hưởng gì tuy nhiên phải kiểm soát đường huyết, cao quá hay thấp quá cũng nguy hiểm. Rối loạn chuyển hoá nếu không được kiểm soát sẽ gây những vấn đề phức tạp khác của tiểu đường. Do đó tôi khuyên bạn riêng đái tháo đường phải kiểm soát rất chặt chẽ bằng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • PGS.TS. Kiều Đình Hùng
    PGS. TS. Kiều Đình Hùng Trưởng khoa Ngoại BV Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ trường Đại học Y Hà Nội,
    ĐẶT CÂU HỎI
  • TS. Đậu Xuân Cảnh
    Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam
    ĐẶT CÂU HỎI
  • PGS.TS Nguyễn Mai Hồng
    Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai
    ĐẶT CÂU HỎI
  • HLV yoga Hoàng Thị Mai Dung
    Huấn luyện viên yoga
    ĐẶ
Tin liên quan:

Công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo nhiệm kì 2017 -2022

Khai giảng lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên ngoại ngữ và lớp ngoại ngữ tăng cường cho sinh viên Học viện

Ban giám đốc - Ban chấp hành Công đoàn Học viện tổ chức mừng sinh nhật cho CBCCVC,LĐHĐ có ngày sinh nhật trong quý IV 2017

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Sự lớn mạnh của Học viện có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ

Truyền hình trực tuyến: Những sai lầm khi điều trị bệnh cơ xương khớp

Truyền hình trực tuyến: Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả trong điều trị bệnh

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn