Truyền hình trực tuyến: Những sai lầm khi điều trị bệnh cơ xương khớp

Date: 10/10/2017Lượt xem: 8066

Truyền hình trực tuyến: Những sai lầm khi điều trị bệnh

 cơ xương khớp

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những sai lầm khi điều trị bệnh cơ xương khớp”. Chương trình được truyền hình trực tuyến vào lúc 9h30, thứ Tư, ngày 4/10/2017. Toàn bộ nội dung cuộc trao đổi được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Mời các bạn theo dõi chương trình

Xã hội càng phát triển, áp lực công việc ngày càng nhiều, nhịp sống càng hiện đại  khiến không ít người  bỏ quên việc chăm sóc sức khỏe của mình, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ hệ cơ xương khớp.  Các bệnh cơ xương khớp giờ đây không chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi, mà còn xuất hiện ở nhiều người trẻ, nhất là những người làm việc văn phòng, hay người thường xuyên phải lao động nặng … Bệnh thường không gây tử vong  nhưng ảnh hưởng  tới chất lượng cuộc sống.

Phần lớn mọi người đều sợ bệnh cơ xương khớp nhưng không ít trường hợp mắc phải các sai lầm trong điều trị bệnh như: tập luyện quá sức, hay bẻ khớp, vặn vẹo cột sống, không điều trị hoặc tự ý dùng thuốc giảm đau liên tục… Thậm chí nhiều trường hợp dùng các loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc khiến bệnh xương khớp không khỏi mà còn gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Nhằm giúp bạn đọc trang bị kiến thức đầy đủ, tránh những sai lầm đáng tiếc để bảo vệ, chăm sóc và phòng ngừa các bệnh về cơ xương khớp, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “ Những sai lầm khi điều trị bệnh cơ xương khớp”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam


PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.


TTƯT.ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Dẫn chương trình: Trà My

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ&Đời sống bắt đầu từ vào lúc 9h30, ngày thứ Tư, 4/10/2017. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức; TTƯT.ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhận lời tham gia chương trình.


Mời độc giả tham gia chương trình tương tác truyền hình trực tuyến

Khán giả tương tác với chương trình:
1. Like Fanpage Báo Sức khoẻ và đời sống
2. Share link sự kiện của chương trình.
3. Trả lời câu hỏi của chương trình chính xác và nhanh nhất.

Những khán giả có câu trả lời chính xác nhất và nhanh nhất sẽ được chúng tôi công bố và nhận được những phần thưởng từ chương trình.

Câu hỏi tương tác số 01:

Yếu tố nguy cơ nào làm tăng khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp?

A. Tuổi tác

B. Béo phì

C. Chấn thương hay có bệnh mạn tính ở khớp

D. Tất cả các trường hợp trên

Đáp án đúng là D

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK NGUYỄN HÀ AN ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 1 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Câu hỏi tương tác số 02:

Thói quen nào gây ảnh hưởng đến khớp?

A. Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức…

B. Làm việc sai tư thế, mang vác vật nặng…

C. Cả A và B

D. Khởi động kỹ trước khi tập thể thao

Đáp án đúng là C

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK TONY LAM ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 2 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Câu hỏi tương tác số 03:

Những cách đúng  để  điều trị các bệnh xương khớp?

A. Tuân thủ đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ

B. Ngừng thuốc nếu đỡ.

C. Phối hợp tập luyện, phục hồi theo hướng dẫn

D. Cả A và C

Đáp án đúng là D

CHÚC MỪNG ĐỘC GIẢ CÓ FACEBOOK KHÁNH ĐẶNG ĐÃ TRÚNG THƯỞNG CÂU HỎI SỐ 3 CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

Hải Yến

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :
MC
Thưa PGS Nguyễn Mạnh Khánh, xin ông có thể cho biết một con số cụ thể về tỷ lệ số bệnh nhân mắc bệnh lý cơ xương khớp đến khám tại Viện Chấn thương chỉnh hình được không, so với trước đây số bệnh nhân đến khám tăng giảm thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Theo thống kê tại Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, số lượng bệnh nhân đến khám về chấn thương chỉnh hình và các bệnh lý cơ xương khớp, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 350 - 400 bệnh nhân, nếu kể cả các bệnh lý cột sống, mỗi ngày chúng tôi khám cho khoảng 500 -600 bệnh nhân mỗi ngày, con số này tăng theo từng năm. Lý giải sự tăng rất nhiều nguyên nhân: mặt bệnh đa dạng hơn, tuổi thọ tăng cao, ý thức của người dân về chăm sóc sức khỏe tăng cao, trình độ kỹ thuật chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam tăng cao, bắt kịp với khu vực và thế giới. Số lượng bệnh nhân đến với chúng tôi vẫn tăng đều.

MC
Các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở những đối tượng nào, những yếu tố nguy cơ nào làm một người dễ mắc bệnh lý xương khớp, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cách đây 20 năm, bệnh nhân đến với chúng tôi chủ yếu do chấn thương do tai nạn như chấn , đến nay mô hình bệnh tật đã thay đổi, ngoài các bệnh lý chấn thương, trật khớp, tai nạn giao thông..., các bệnh lý không do nguyên nhân chấn thương rất nhiều, chiếm tỷ lệ từ 40 -50% , ví dụ những bệnh lý thoái hóa khớp, bệnh lý do hậu quả của chấn thương thể thao như đứt dây chằng, chấn thương khớp vai , chấn thương vùng cổ chân,  hoặc các bệnh lý mạn tính khác như hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hóa khớp gối....

Lứa tuổi mắc rất đa dạng, từ người cao tuổi, đến trung niên và cả các cháu thiếu nhi. Do tuổi thọ của chúng ta đang tăng lên, bệnh nhân đến với chúng tôi có những người 80-90, thậm chí 100, 105 tuổi cũng đến phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức.

MC
Xin hỏi TS. Đậu Xuân Cảnh, hiện nay các bệnh lý cơ xương khớp rất phổ biến, đặc biệt những bệnh lý về khớp như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp… xin ông cho biết đông y có thể điều trị những căn bệnh như vậy không và hiệu quả điều trị đến đâu?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Hiện nay các bệnh lý về khớp đông y đều có thể điều trị nhưng các bệnh lý về khớp thì tây y được lựa chọn để điều trị nhiều hơn y học cổ truyền. Các bệnh về khớp thuộc bệnh không lây nhiễm, mạn tính của khớp: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gút... y học cổ truyền có thể điều trị rất hiệu quả. Đây là bệnh lý cần điều trị dài ngày, vừa yêu cầu khỏi bệnh vừa yêu cầu phục hồi chức năng. Người bệnh có thể yên tâm lựa chọn phương pháp y học cổ truyền vì có hiệu quả và giúp người bệnh có một cơ thể khỏe mạnh.

MC
Với các bệnh lý về khớp, ngoài điều trị bằng thuốc còn có các phương pháp điều trị nào thưa TS Cảnh?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Trong y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị bệnh khớp như ngoài thuốc ra còn xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, hoặc ngâm dược liệu hoặc cao dán trực tiếp. Các phương pháp này đều có hiệu quả và được sử dụng hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung:  Trong quan điểm tây y có nhiều phương pháp giống đông y. Thông thường chỉ định  phẫu thuật khi các phương pháp khác không đáp ứng được hoặc không triệt để bệnh. Trước đó áp dụng nội khoa nhiều thuốc phối hợp hoặc các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, matxa cơ, hồng ngoại, điện phân, các bài tập. Đối với bệnh nhân cột sống thì có thể kéo giãn cột sống hoặc bệnh nhân sau chấn thương thì hạn chế vận động các khớp thì có thể tập luyện để các khớp mềm ra lấy lại chức năng. Đối với các trường hợp mà không thể điều trị  hoặc điều trị không hiệu quả thì mới chỉ định phẫu thuật. VD: Như sau thay khớp háng do gãy cổ xương đùi trên bệnh nhân loãng xương sẽ giải quyết phần cấp cứu còn sau đó vẫn phải tiếp tục điều trị các thuốc về loãng xương, bổ sung canxi.

MC
Có rất nhiều người nói rằng, chỉ sau một lần tập luyện, vận động sai tư thế, cảm thấy đau …. phải vào viện mới biết mình mắc bệnh khớp. Xin PGS Khánh có thể cho biết các bệnh cơ xương khớp có thể phát hiện được sớm không, làm thế nào để biết mình mắc bệnh?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Để vận hành khớp có ít nhất 2 diện xương với nhau, ví dụ như khớp gối có xương đùi, xương chày và xương bánh chè, xung quanh còn có hệ thống bao khớp, gân, cơ, dây chằng, bao hoạt dịch... nếu một trong những yếu tố đó bị ảnh hưởng cũng làm người bệnh đau. Cũng có thể sau chấn thương, gẫy xương cũng gây đau, rạn xương sau chấn thương cũng làm người bệnh đau, sau những cú ngã sai tư thế gây chảy máu trong khớp cũng gây đau, những người thừa cân béo phì hay người bị bệnh gút, nồng độ axít uric cao, những tinh thể urat lắng đọng trong khớp, hay sau một bữa ăn thịnh soạn, người bệnh bị kích ứng viêm bao khớp, lúc đó đau mới đi khám thì biết mình có vấn đề về khớp. Thậm chí người  ngồi xổm lâu, tạo sức ép lên khớp gối lớn hoặc  trẻ em sau 1 lần viêm họng đi khám mới biết mình bị viêm khớp gối. Mặt bệnh rất đa dạng, triệu chứng đặc thù riêng cho từng loại bệnh khác nhau. Lời khuyên của chúng tôi là khi nghi ngờ bệnh nhân cần đi khám ở các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ có những chẩn đoán và chỉ định chính xác nhất mới phát hiện sớm được bệnh.

MC
Chấn thương khi tập thể thao thì theo Đông y cần xử trí như thế nào?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Trong chấn thương của thể thao, khi một người bệnh có chấn thương về khớp thì phải xác định là chấn thương gì như: chấn thương đầu gối hay bánh chè, dây chằng... Khi xác định chấn thương thì cần lựa chọn phương pháp điều trị, khi phẫu thuật xong rồi thì đến giai đoạn phục hồi thì trong đông y tham gia điều trị phục hồi rất rõ ràng và hiệu quả. VD như sưng nề, ứ huyết trong quá trình phẫu thuật, hỗ trợ giúp chức năng sớm phục hồi thì y học cổ truyền có những bài thuốc tốt.

Khi chấn thương thì cần xem đó là vấn đề khoa học cần các bác sĩ chuyên khoa, phải xác định rõ là chấn thương gì. Khi chấn thương cơ cũng phải xác định cụ thể, nếu đứt cơ thì phải phẫu thuật nối lại.

Một số người dân có thói quen không phù hợp với khớp vì khớp có tầm hoạt động nhất định. Nếu vượt quá ngưỡng tầm hoạt động của nó thì sẽ gây hậu quả VD: thói quen bẻ tay, ngón tay, cổ tay, cổ đó là những cái không nên làm vì không hạn chế được tầm của nó. VD như động tác bẻ cổ rất nguy hiểm. VD như khớp gối nếu như ngồi xếp bằng thì khớp gối chịu tải. Với cột sống phải ngồi đúng tư thế, không mang vác nặng. Phụ nữ nếu đi giày cao ngót mà đi đường dài thì không tốt cho cột sống...

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung:  Các cháu học sinh khi ngồi học mà chiều cao ghế, bàn không phù hợp có thể gây chấn thương cột sống. Cũng cái bàn đó từ lớp 1 đến lớp 6 mà không thay bàn thì ảnh hưởng cột sống hoặc tư thế ngồi không đúng cũng gây gù vẹo cột sống. Hoặc nhân viên văn phòng ngồi một tư thế không vận động cũng ảnh hưởng đến cột sống. Hoặc người cao tuổi hay ngồi xổm lâu ngày cũng ảnh hưởng không tốt đến cột sống.

Để điều trị bệnh khớp thì nên phối hợp tây y và đông y. Trong trường hợp mang tính cấp tính, cần phẫu thuật thì tây y còn sau đó có thể dùng đông y.

MC
Vậy việc sử dụng các phương pháp đông y hay tây y có lợi hơn cho người bệnh trong điều trị các bệnh cơ xương khớp?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Quan điểm của tôi nên phối hợp. Trong những trường hợp cấp tính, cần phải can thiệp bằng phẫu thuật thì theo tây y, sau đó có thể phối hợp đông y và tây y.

TS Đậu Xuân Cảnh: Tôi hoàn toàn đồng ý với PGS Khánh. Đối với bệnh khớp nên phối hợp tây y để chẩn đoán chính xác là bị khớp ở mức độ nào. Khi bị khớp, có nhiều phương pháp và nhiều kỹ thuật để điều trị, nên lựa chọn cái nào trước, cái nào sau, có những bệnh cần phải phẫu thuật bắt buộc phải phẫu thuật trước, sau đó và đến giai đoạn phục hồi có thể áp dụng đông y kết hợp tây y . Phương pháp kết hợp cả y học cổ truyền và y học hiện đại bao giờ cũng đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Độc giả
Thưa ThS. Lê Thị Hải, rất nhiều bạn đọc có chung một thắc mắc là bệnh xương khớp thường xuất hiện theo mùa, nhất là khi trời trở lạnh, về mặt dinh dưỡng, cần có chế độ ăn thế nào để phòng mắc bệnh khớp khi trời lạnh?
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Bệnh cơ xương khớp hiện nay rất phổ biến. Về dinh dưỡng, chế độ ăn tốt cho tất cả mọi người thì đều tốt cho xương khớp cả.

Mỗi bệnh có chế độ ăn khác nhau. Người thừa cân béo phì thường bị xương khớp, bệnh gout; người gầy thiếu dinh dưỡng dễ bị loãng xương, viêm đa khớp dạng thấp. Tùy dinh dưỡng, tùy bệnh từng người mà có chế độ dinh dưỡng riêng.

Nói chung là nên áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng. Kể cả bệnh khớp, giống người bình thường không nên ăn quá mặn, hạn chế axit béo chưa no, giảm đường, hạn chế thực phẩm ăn nhanh thiếu khoáng chất. Vai trò của vitamin A, vitamin D kháng viêm giảm đau khớp. Nên ăn cá giàu omega 3, omega 6. Ăn quá nhiều axit béo dễ gây viêm,...

Về mùa lạnh, người bệnh xương khớp có cảm giác đau nhiều hơn, thay đổi thời tiết ảnh hưởng nhiều tới bệnh khớp, nhất là người cơ địa dị ứng. Mùa lạnh không cẩn thận, ăn thực phẩm không đảm bảo ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi vận động, ngâm nước ấm cảm giác dễ chịu hơn, máu lưu thông tới khớp, giảm đau khớp, chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.

Nhìn chung người bệnh khớp nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, không quá nhiều chất đạm. Nếu ăn nhiều đường gây thừa cân béo phì, gây thoái hóa khớp. Chế độ ăn nên giàu vitamin và khoáng chất, đạm động vật vừa phải. Nên ăn thực phẩm nguyên hat, giàu đậu đỗ, vitamin A, E, C chống oxy hóa, .... Chế độ ăn giàu vitamin khoáng chất tốt cho sức khỏe nói chung, trong đó có sức khỏe xương khớp.

Khán giả Trung tâm Y tế Sơn Dương
Tôi là nữ, năm nay 52 tuổi, bị thoái hóa khớp bàn tay từ 2 năm nay, sáng ngủ dậy hoặc lâu không co duỗi các ngón tay thì bị cứng lại, phải xoa bóp co duỗi một lúc mới cầm nắm được, mới đây tôi lại bị đau khớp gối, tôi đã đi khám được chẩn đoán là thoái hóa khớp. Tôi đã được điều trị thuốc tây, và uống cả thuốc đông y tại Phòng khám ứng dụng thuốc dân tộc ô chợ dừa nhưng không khỏi và có phần lan sang các ngón tay, ngón chân khác. Cho tôi hỏi giờ tôi nên làm thế nào
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Nếu có triệu chứng như vậy cần đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác xem bạn đang bị viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp hay thoái hóa khớp vì buổi sáng mà cứng khớp thì triệu chứng này là của người viêm khớp dạng thấp nhiều hơn là thoái hóa khớp, bạn cần lưu ý điều này. Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là hai phương pháp điều trị khác nhau. Bạn trên 50 tuổi thì thoái hóa sinh là đương nhiên có. Bạn nên đến cơ sở y tế nên xác định rõ.  Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp thì đông y đều có phương pháp điều trị. Bạn có thể đến các cơ sở y học cổ truyền trong cả nước để điều trị.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phức tạp, khi người bệnh bị thoát vị đĩa đệm thì phải xem phải điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn. Nếu quá ngưỡng gây liệt, gây đau thì phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nếu không đau quá mức, bị liệt thì có thể điều trị bằng y học cổ truyền. Y học cổ truyền điều trị theo hướng phục hồi mang lại hiệu quả tốt. Có người bị đau tại chỗ, có người bị đau lan tỏa. Có người có biểu hiện lâm sàng là đau thần kinh tọa, Nếu không có chỉ định phẫu thuật thì điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu.

Độc giả
Thưa Ths Lê Thị Hải, khi mắc các bệnh lý xương khớp có cần kiêng thực phẩm nào không, thực phẩm như thế nào khiến bệnh nặng thêm?
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Trong bệnh về xương khớp, thực phẩm phải kiêng chúng ta cũng không cần kiêng tuyệt đối. Đối với bệnh gout, cần kiêng thực phẩm giàu đạm. Người béo phì kiêng chất béo và đường,...

Nên kiêng thức ăn không tốt cho sức khỏe như thức ăn mặn, fast food, nhiều đường, nước ngọt có gas, chất béo chuyển hóa,...

Tùy loại bệnh khác nhau thì chế độ dinh dưỡng có thể khác nhau nhưng nhìn chung nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế chất béo, chất đạm, đồ ngọt,...

Nguyễn Hồng Minh
 
(nguynhng621@gmail.com)
Thưa bác sĩ tôi năm nay 56 tuổi bị đau khớp vai phải gần hai tháng nay. Lúc đầu dang tay rộng ra thì thấy đau nhói một tí thôi, tôi cứ nghĩ mình bị giãn dây chằng, nên tôi chỉ mát xa ,xoa bóp bằng rượu thuốc. Nhưng không bớt, sau đó tôi có lấy đá lạnh chườm vào vai 2 lần. Mới đầu thì thấy lạnh tê nhưng sau đó đau nhiều, nhất là giơ tay lên cao hay vươn ra xa. Tôi đi khám bệnh viện hai lần có chụp phim thì bác sĩ nói viêm quanh vai phải và cho thuốc kháng viêm và giảm đau nhưng không bớt. Tôi lại đi châm cứu nhưng càng châm càng đau, nên tôi không châm nữa. Mong Bác sĩ tư vấn điều trị giúp tôi. Xin chân thành cám ơn Bác sĩ .
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Nghe triệu chứng của bác tôi nghĩ bác bị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, bản chất là một dạng thoái hóa của vùng khớp vai, do phì đại mỏm cùng vai làm hạn chế động tác dạng xương cánh tay so với xương bả vai. Lâu ngày dần các khối cơ chóp xoay sẽ bị ma sát, tiếp xúc vào mỏm cùng vai, người bệnh khi nâng xương cánh tay lên sẽ đau. Tôi khuyên bác nên đi chụp lại phim X quang khớp vai, nếu cần thiết phải chụp cộng hưởng từ để đánh giá mức độ viêm, rách, tổn thương khối cơ chóp xoay để điều trị cho bạn . Nếu nhẹ có thể dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu, nặng thì cần phẫu thuật nội soi khớp vai, bác sĩ sẽ tạo hình lại, làm sạch, lấy bỏ tổ chức thoái hóa giúp người bệnh hết đau, cải thiện chức năng vận động của khớp vai.

Huỳnh Thị Thu Vân (thuvanhuynhthi2012@gmail.com)
Kính thưa Bác sĩ, Tôi 59 tuổi, bị đau cổ vai, chụp X quang kết quả: gai cột sống cổ đốt C2. Đang được BS cho uống thuốc kháng viêm và giản cơ, có giảm đau nhưng bị sưng mặt. Tôi đọc trên mạng có chỉ bài thuốc: lấy hột đu đủ, bỏ lớp vỏ mềm bên ngoài, đâm nát rồi đắp lên đốt sống cổ, thời gian đắp: nửa tiếng/ 1 lần và đắp khoảng 20-30 ngày thì gai đốt sống cổ sẽ mòn. Xin hỏi Bác sĩ, phương pháp này có hiệu quả không và có phản ứng phụ nào không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Việc lấy hạt đu đủ đắp lên để tiêu gai đốt sống cổ thì đây là một phương pháp  không đúng, không khoa học. Bạn không nên dùng. Để tiêu gai này không bác sĩ nào điều trị tiêu gai cả vì bản chất gai này là hình ảnh của thoái hóa đốt sống gây nên. Điều trị để cơ thể thích nghi gai này chứ không phải để mất gai này. Khi thoái hóa cột sống cổ thì có biểu hiện như đặc xương, lớp sụn cứng lại gọi là xương hóa sụn gây đau nhiều, gai xương là bất thường là điều kiện gây đau bất thường cho bệnh nhân. Gai này không phải điều trị bằng hạt đu đủ là được. Bạn không nên dùng. Y học cổ truyền có thể điều trị tốt cho bạn như xoa bóp, châm cứu, thuốc xoa bóp tại chỗ hoặc uống.

Minh Tâm
 
(Yên Bái)
Cho em hỏi chế độ dinh dưỡng giàu canxi, ít cholesterol có thể phòng ngừa và giảm đau do viêm khớp dạng thấp hay không? Mẹ em năm nay 70 tuổi, bị viêm khớp dạng thấp đã lâu. Xin các chuyên gia tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp mẹ em. Mẹ em có thể uống thêm sản phẩm chức năng gì ngoài chế độ dinh dưỡng hàng ngày?
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Đối với bệnh nhân đã hơn 70 tuổi, lại có viêm đa khớp dạng thấp, bệnh càng ngày tăng lên. Đối với chế độ dinh dưỡng, nếu không thừa cân béo phì, vẫn có thể có chế độ ăn bình thường. 

Mẹ bạn tăng cholesterol thì phải áp dụng ăn kiêng, kiêng nội tạng động vật. Đối với người già nên kiêng cholesterol. Nên ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, axit béo giàu omega-3, omega-6, nên kiêng chất béo động vật vì nó gây đau. Nên ăn chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt. Nên kiêng đường, chất béo,...

Nên ăn nhiều rau hoa quả tốt cho sức khỏe người già nói chung và tốt cho xương khớp nói riêng.

MC
Tôi bị đau khớp gối đã chục năm nay, mỗi buổi sáng không thể vận động ngay được, rất đau, khớp gối bị cứng lại. Tôi phải xoa bóp rất lâu mới đi được, tôi đã đi khám ở khoa ngoại Bệnh viện Đại học Y bác sĩ bảo tôi bị thoái hóa khớp gối. Tôi mong muốn được thay khớp gối nhưng bác sĩ khuyên chưa nên, hiện nay mỗi năm tôi đi tiêm vào khớp 2-3 lần, mỗi lần tiêm cũng đỡ được 1 tháng hơn, nhưng nghe nói rất hại. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi làm thế nào để thoát khỏi căn bệnh này, tôi muốn điều trị bằng đông y để không ảnh hưởng tới sức khỏe? Tôi nên khám và chữa trị thế nào?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Thoái hóa khớp gối nếu điều trị bằng y học cổ truyền thì có thể điều trị hiệu quả cho bạn nên bạn có thể các cơ sở y học cổ truyền để điều trị như Học viện y học cổ truyền như bệnh viện Tuệ Tĩnh. Có thể điều trị phương pháp dùng các thuốc y học cổ truyền. Hiệu quả như giảm đau tối đa, có thể đi lại bình thường, các chức năng khớp gối trở lại bình thường. Điều trị bằng y học cổ truyền thì chúng tôi điều trị không có các tác dụng phụ bạn có thể yên tâm và tính tái phát rất ít, nếu có tái phát thì thời gian tái phát lâu và mức đột tái phát nhẹ.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung: Trường hợp của bác chưa đến mức độ 4.Tây y chia làm 4 mức độ, độ 1, độ 2 thì có thể điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật và có thể dùng thuốc, tiêm chất nhờn giống như dịch nhờn của khớp. Có thể tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Có thể tiêm tế bào gốc vào khớp gối cũng có hiệu quả. Nếu ở mức độ 3 thì có thể cân nhắc phẫu thuật nội soi khớp gối. Vì  thoái hóa khớp gối có thể để lại dị vật trong khớp, phẫu thuật nội soi lấy bỏ đi, phần thoái, bao khớp viêm  có thể bỏ đi, sụn trên rác, thoái hóa trong khớp có thể  tạo hình lại v.v. Cộng với bơm rửa khớp gối lấy bỏ dịch viêm thì người bệnh đỡ đau nhiều. Nếu ở giai đoạn 4 thì cần chỉ định thay khớp gối.

Hoàng Hà
 
(Đà Nẵng)
Con tôi năm nay 12 tuổi, cháu đã bắt đầu dạy thì, thỉnh thoảng cháu kêu đau mỏi chân. Xin bác sĩ cho biết trẻ trong quá trình phát triển, khi nào thì cần bổ sung canxi cho trẻ, nếu trẻ không uống sữa cần chế độ ăn thế nào để tăng cường canxi phòng các bệnh xương khớp.
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Con của bạn 12 tuổi, đây là tuổi tiền dậy thì và dậy thì ở các cháu gái. Một số bé gái đã dậy thì rồi, các bé trai thì ở giai đoạn tiền dậy thì

Giai đoạn phát triển trẻ có các mốc quan trọng: bào thai, sơ sinh,...., dậy thì. Ở giai đoạn dậy thì, nhu cầu canxi và khoáng chất rất cao. Một số cháu còn đau xương khớp ở giai đoạn này. Bệnh thấp tim bây giờ thấp hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ một số cháu bé bắt bố mẹ bóp chân vào ban đêm bởi đau xương khớp. Nên chọn thực phẩm giàu canxi như sữa và chế phẩm của sữa, sữa không đường, phô mai. Nên ăn tôm cua cá, dạng nhỏ ăn được cả xương. Ăn cua đồng giàu canxi, bởi nó ở phần xương, vỏ, thịt có canxi nhưng không cao. Rau xanh như cải bó xôi, ... Tuy nhiên, canxi ở rau hấp thụ không tốt bằng canxi ở sữa hay hải sản. Nên bổ sung cả vitamin D, vitamin K để canxi được hấp thu, vận chuyển đến xương. Sau khi điều trị như vậy, tình trạng đau xương giảm.

Bác Phạm Toàn, 71 tuổi
 
(Thanh Hóa )
Những biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc gút có thể dẫn đến viêm khớp hay không? Vậy nếu chế độ ăn cho bệnh tiểu đường, phòng ngừa gút có thể giảm nhẹ viêm khớp không? Tuy nhiên, ăn kiêng khem như vậy có làm cho người bệnh thiếu dinh dưỡng, giảm đề kháng không? Xin lời tư vấn của chuyên gia.
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Chế độ ăn cho bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh gout. Hội chứng rối loạn chuyển hóa có người cả bệnh gout, tiểu đường, cao huyết áp,... Nếu chế độ ăn giảm gout thì giảm xương khớp, vì do lắng đọng tinh thể axit uric. Chế độ ăn giảm chất đạm, hạn chế rượu bia tốt cho bệnh gout thì đương nhiên bệnh xương khớp giảm. Bệnh tiểu đường giảm chất đường, chất béo,... cũng giảm bệnh xương khớp. Có người tiểu đường ăn kiêng quá mức làm cơ thể suy kiệt. Tùy theo thể trạng mà ăn kiêng. Nếu người không béo, không cần ăn kiêng quá ngặt nghèo. Ăn đủ chất đạm, nhưng bệnh gout phải kiêng nhiều hơn. Người tiểu đường thì không cần kiêng chất đạm. Cần ăn đủ vitamin, khoáng chất để sức khỏe tốt. Bác nên đến khám bác sĩ dinh dưỡng để có thực đơn cụ thể, dựa theo xét nghiệm bệnh của bác. Hai bệnh này chắc chắn phải ăn kiêng, và chế độ ăn sẽ giúp giảm nhẹ 2 bệnh này. 

Nguyễn Phúc Hưng
 
(Thái Bình)
Tôi rất thích chơi games hoặc chơi điện thoại. Cứ mỗi lần mỏi khớp ngón tay tôi có thói quen bẻ mấy ngón tay cho kêu rắc rắc cho đỡ mỏi, gần đây tôi có nghe nói làm vậy cũng ảnh hưởng đến khớp các ngón tay, làm nhiều sẽ ảnh hưởng về sau, không biết như vậy có đúng không ạ?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Đây là thói quen thường gặp ở rất nhiều người, mọi người cảm thấy dễ chịu khi bẻ tay. Thực ra về mặt vận động của khớp, bẻ tay là không khoa học, khi bẻ tay, diện khớp liên tục bị trượt lên nhau, hệ thống dây chằng bên liên tục bị giãn,  tiếng kêu đó là do dây chằng giãn gây ra kêu. Đặc biệt đối với những cháu nhỏ rất hại, làm biến dạng khớp, nhất là những khớp nhỏ ở ngón tay, làm phì đại các đầu xương gây mất thẩm mỹ, về lâu dài làm giãn hệ thống dây chằng bên và bao khớp xung quanh, đây là những yếu tố nguy cơ mà khi có tuổi, người bệnh sẽ bị lắng đọng, tích tụ chất chuyển hóa như axít uric ở đó sẽ dẫn tới bệnh khớp.

Nếu mỏi có thể lấy tay day nhẹ ở quanh khớp, nên hạn chế các động tác bẻ khớp.

TS Đậu Xuân Cảnh: Cần hiểu bản chất tiếng kêu, bạn đừng bắt dây chằng của bạn hoạt động quá mức làm giãn ra quá mức, nếu lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng. Các hoạt động không đúng chức năng và quá mức của dây chằng sẽ ảnh hưởng tới dây chằng và khớp . Để tránh mệt mỏi bạn có thể xoa bóp xung quanh để cho dễ chịu hơn.

Thanh Tùng
 
(Phúc Yên)
Tôi năm nay 42 tuổi, gần đây tôi có bị đau lưng, nhất là khu vận động mạnh hoặc tập thể thao, đi khám tôi mới biết mình bị thoái hóa đốt sống lưng. Tôi xin hỏi bác sĩ dinh dưỡng, tôi đang uống thuốc của bác sĩ, nhưng nghe nói ăn cà sẽ bị đau xương khớp, mà tôi lại rất thích món này, điều này có đúng không, tôi có phải bỏ hẳn món ăn này không?
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Rất nhiều người chúng ta truyền nhau, bị xương khớp không được ăn cà muối. Hiện tại, tôi chưa thấy tài liệu nào có mối liên quan bị xương khớp do ăn cà muối. Tuy nhiên, có liên quan đây thì có lẽ tất cả các món ăn muối mặn quá đều không tốt cho sức khỏe xương khớp, vì nó làm tăng đào thải canxi. Canxi 99% ở trong tủy xương, nó làm tăng đào thải canxi thì không tốt cho sức khỏe và xương khớp. Chưa kể, khi cà muối còn sống còn chứa chất độc hại gây ung thư. 

Tuy nhiên, không có tài liệu nào chính thức nói cà gây bệnh xương khớp. Tuổi cao nên hạn chế ăn muối mặn. Nếu trong bữa ăn, ăn dăm ba quả cà thì không hề gì, nhưng không nên ăn nhiều như có một số người do thói quen mà ăn tới cả bát cà muối thì không nên chút nào. 

TS. Đậu Xuân Cảnh bổ sung: Trong đông y, nói rằng đó là món ăn làm bệnh thấp phát triển nên. Đông y cho rằng, cà làm bệnh thấp phát triển. Nếu bạn ăn 1-2 quả thì không sao, nhưng ngày nào cũng ăn là không nên. 
Bạn Nguyễn Thị Mai (Maixuanbha@gmail.com)
Kính gửi bác sỹ, tôi năm nay 40 tuổi, là nhân viên văn phòng, thời gian gần đây tôi thường bị đau nhức cột sống cổ, đau mỏi cánh tay, nhiều lúc ngồi đứng lên bị tê chân.Xin hỏi bác sỹ tôi bị bệnh gì, bác sĩ có thể tư vấn cho tôi cách luyện tập, chế độ ăn, thuốc uống được không, tôi xin cảm ơn bác sĩ.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Bạn ở tuổi 40 và là nhân viên văn phòng thì độ di chuyển giảm đi và khi độ di chuyển giảm đi thì  khí huyết không lưu thông thì nó lắng đọng đầu tiên gây ra sự mệt mỏi. Bạn ở mức độ mệt mỏi nhiều hơn là bệnh lý. Tuổi 40 là tuổi bắt đầu xuất hiện thoái hóa (bản chất già hóa tự nhiên) để ngăn cản thì chúng ta phải luyện tập, vận động, dinh dưỡng để chức năng các bộ phận duy trì. Bạn cần xác định xem mệt mỏi do đâu, do khớp hay do đâu. Khi bạn làm máy tính, đọc tài liệu, ngồi thì hoạt động chân tay giảm đi. Khi bạn ngồi thì mức độ tỳ đè thì độ lưu thông máu kém đi. Vận động thì cơ sẽ cung cấp năng lượng cho bạn hoạt động. Tôi nghĩ bạn chưa có bệnh lý cụ thể nào và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với thông tin ít bạn đưa như vậy thì chưa phải bệnh lý và bạn nên vận động.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung: Nếu ngồi lâu ít vận động, ngồi lâu một tư thế thì cơ sau lưng cạnh cột sống làm việc liên tục không nghỉ gây tình trạng căng cơ liên tục gây triệu chứng đau liên tục. Không nhất thiết bệnh lý cụ thể như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống thì mới có triệu chứng như vậy. Người làm việc văn phòng nên có những vận động để cột sống làm việc để cơ giảm tải.

ThS. Lê Thị Hải bổ sung: Tuổi 40 thì bạn cần có chế độ kiêng khem một chút không như lúc còn trẻ. Bạn cần xem lại tình trạng dinh dưỡng của mình, bạn thuộc diện gầy hay béo nếu bạn béo phì thì bạn cần kiêng khem để có cân nặng chuẩn. Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng thoái hóa khớp do cân nặng. Ở tuổi bạn, nếu là nam giới cần hạn chế rượu bia. Chế độ ăn cân bằng là tốt, ăn đầy đủ ăn không quá nhiều, không ăn nhiều chất đạm gây ảnh hưởng làm tăng bệnh gút. Bạn cần tăng cường ăn nhiều rau quả, rau xanh giàu vitamin, khoáng chất. Các vitamin, khoáng chất là chất chống oxy hóa tốt. Đồng thời phòng ngừa bệnh sau này liên quan đến dinh dưỡng.

Nguyễn Xuân Dũng
 
(Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)
in hỏi, tôi năm nay 48 tuổi. Tôi bị vôi hóa cột sống lưng, rất thường xuyên bị đau nhức khó chịu. Trước giờ nghe mọi người nói khi bị vôi hóa cột sống thì nên hạn chế ăn hải sản hay các loại thực phẩm chứa nhiều canxi nên tôi cũng kiêng cữ. Chỉ sợ khi ăn vào sẽ lại bị đau nhức mình mẩy. Không biết tôi thực hiện như vậy có đúng không và có phải cứ là bệnh vôi hóa cột sống thì cần kiêng hẳn các loại thực phẩm chứa nhiều canxi không ? Mong giải đáp giúp tôi thắc mắc này. Xin cảm ơn!
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Khi chúng ta nói đến vôi hóa cột sống, thường nghĩ rằng do thừa canxi, nhưng không phải. Đấy không phải là do thừa canxi. Có những người kiêng không bao giờ ăn thủy hải sản, kiêng sữa. Đó là quan niệm không đúng. Trường hợp phải kiêng chỉ do bệnh gout. Người bị gout cần kiêng thực phẩm giàu đạm. Canxi lại tập trung vào phần vỏ và phần xương, nên không phải do ăn thịt thủy hải sản mà đã bổ xương đâu ạ. 

Bạn Nguyễn Thị Hồng Xuân – Hải Phòng
Mẹ tôi năm nay 62 tuổi bị đau nhức xương, từng được chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp, gần đây đi khám bác sĩ bảo bà bị viêm màng hoạt dịch, bà đi lại rất đau, chụp x quang bác sĩ có bảo khe khớp hẹp, hình khuyết. Bác sĩ tư vấn nếu không chữa mẹ tôi dần dần sẽ không thể đi lại được. Ngoài bệnh khớp bà còn bị cả bệnh đại tràng và dạ dày, bác sĩ cho tôi hỏi trường hợp của mẹ tôi nên điều trị tây y hay đông y, cái nào hiệu quả?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Mẹ bạn bị viêm khớp dạng thấp thì bản chất là bệnh lý miễn dịch mà bao hoạt dịch là một trong những vị trí tổn thương của khớp. Các khớp dính lại và tầm hoạt động của khớp bị ảnh hưởng nếu không được phục hồi chức năng sớm thì các hoạt động của  khớp bị hạn chế có thể gây ra biến chứng teo cơ lệch trục. Khi đã bị biến chứng teo cơ lệch trục thì  chức năng bị giảm nghiêm trọng. Trên thế giới chưa có phương pháp nào khỏi 100% tuy nhiên có thể điều trị hạn chế tối đa tình trạng đau của người bệnh kết hợp với phục hồi chức năng để khớp của bạn không bị ảnh hưởng. Về y học cổ truyền có thể điều trị bệnh này hiệu quả. Bạn có thể liên hệ để được điều trị có thể bằng thuốc, xoa bóp, châm cứu hoặc vật lý trị liệu để mẹ bạn không bị tàn phế.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung:  Nếu tình trạng khớp ở mức độ nặng như hẹp khe khớp biểu hiện là mòn sụn khớp, mòn nhiều sẽ gây ra lệch trục người bệnh đi lại khó khăn. Khi bị mòn sụn đó trơ phần sụn trắng chỉ còn xương cứng ở dưới. Khi vận động hai phần xương đi lại cọ nhau rất đau. Nếu mòn nhiều, biến dạng nặng hẹp khe khớp, điển hình một cái biến dạng do viêm khớp dạng thấp thì cũng phải cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Bệnh viện Việt Đức thì có thể thay khớp sau đó có thể điều trị kết hợp đông y và tây.

Đặng Hồng Thắm
 
(beutxiu@gmail.com)
Tôi năm nay 37 tuổi. Công việc của tôi là giáo viên. Mẹ tôi và các anh chị của tôi đều bị bệnh về đau thần kinh tọa và viêm dính khớp. Bản thân tôi vừa phẫu thuật cả hai tay do bị hội chứng ống cổ tay. Hai năm nay , hai đầu gối của tôi bị teo lại so với bình thường. Tôi bước đi hoặc lên xuống cầu thang thì nghe tiếng kêu lạo xạo trong khớp gối. Tôi đi kiểm tra thì bác sĩ bảo tôi bị thoái hóa khớp gối nhẹ. Công việc của tôi là phải đứng và di chuyển nhiều nên tôi rất khó chịu vì hai đầu gối của tôi rất nhức mỏi . Cách đây không lâu, sau khi bị té xe, đầu gối phải của tôi bị tràn dịch khớp gối phải bơm vài lần mới hết. Thêm nữa,hai ống cổ chân tôi cũng có cảm giác mỏi và đau. Gần hai ống cổ tay của tôi bị nổi hai mục gì cộm lên rất đau. Các khớp ngón tay luôn có cảm giác như kiến bò trong xương. Vậy bác sĩ có thể tư vấn cho tôi về phác đồ điều trị những biểu hiện bệnh vừa nêu. Chân thành cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh :

Bệnh lý viêm cột sống dính khớp, có một vài nghiên cứu cho là bệnh này có yếu tố di truyền, trường hợp của bạn hiện không rõ ràng. Với bạn có thể bị  dính cột sống, viêm dính khớp cùng chậu hoặc viêm dính khớp háng, tuy nhiên theo mô tả của bạn có vẻ bạn không bị các bệnh lý đó. 

Thứ 2 là bệnh lý đau khớp gối, tôi khuyên bạn nên đến khám cụ thể với các chuyên gia chuyên sâu về khớp gối mà tại BV Việt Đức rất nhiều chuyên gia như vậy, để loại trừ bệnh rách sụn chêm, đứt dây chằng, vỡ mảnh sụn hoặc kẹt sụn chêm, khi đi lại sẽ đau hoặc gây tràn dịch khớp gối tái phát.

Nếu bạn bị hội chứng ống cổ tay và phẫu thuật rồi, nếu bạn phẫu thuật sớm và chưa bị liệt quá lâu cơ chưa teo thì kết quả rất tốt. Nếu bạn nổi u cục ở mu tay cần nghĩ đến u nang bao dịch cổ tay, bệnh này khác với bệnh kia, thông thường do giãn hoặc rách bao khớp, gây thoát vị dịch khớp ở cổ tay, điều trị đơn giản nhất là băng chun, nếu không tái phát thì tốt, nếu không bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút hoặc phẫu thuật để tránh bệnh tái phát.

bác Hoàng Hải, Sơn La
Tôi năm nay 64 tuổi, mắc bệnh viêm khớp, trái gió trở trời là đau nhức khắp mình mẩy. Mặc dù các loại thuốc đông tây y tôi đều đã trải qua và xác định chung sống với bệnh cả đời. Tôi có thắc mắc là có phải bị bệnh khớp nên ăn nhiều các loại bì lợn, tai lợn sẽ giúp bổ sung chất nhờn cho khớp đúng không, nếu bị mỡ máu mà ăn mấy loại này có ảnh hưởng gì không?
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải :

Bác không nói rõ tình trạng dinh dưỡng của bác, bác có nằm trong tình trạng thừa cân béo phì không. Người thừa cân béo phì thường bị thoái hóa khớp, bởi trọng lượng gây quá tải cho xương khớp.

Bì lợn giàu collagen cũng được nhưng ăn quá nhiều không tốt. Trong bì, lượng cholesterol không phải là nhiều, nhưng ăn quá nhiều không tốt, chỉ nên ăn vừa phải thôi.

Collagen bản chất là protein. Chúng ta có thể ăn thực phẩm giàu protein tăng tổng hợp collagen. Ăn thực phẩm giàu vitamin C trong rau hoa quả có thể giúp tổng hợp collagen.

Tôi nghĩ rằng ăn bì, sụn để tăng collagen, chất nhờn thì cũng không khoa học lắm. 

Mạnh Cường (28 tuổi, nhân viên văn phòng)
Mẹ tôi bị khớp, cứ sáng ra là đau nhất là ở các khớp cổ tay, chân, , đầu gối, sáng sáng phải xoa bóp mới vận động được, mỗi lúc lên xuống cầu thang thấy lục khục trong khớp gối. Mặc dù bà uống rất nhiều thuốc bổ khớp nhưng không đỡ. Tôi đọc báo được biết nếu bệnh khớp không chữa đến nơi đến chốn sẽ biến chứng vào tim có đúng không? Tôi đọc có câu Khớp đớp vào tim. Xin bác sĩ chỉ giáo tôi phải đưa mẹ điều trị thế nào?
TS. Đậu Xuân Cảnh :

  2 phần, phần thứ nhất là những bệnh lý khớp có biến chứng ở tim thì đúng là có và đây là bệnh lý khớp ở trẻ em, đây là một tình trạng viêm, biểu hiện viêm ở khớp, các kháng thể ở cơ thể cũng làm viêm luôn, chính điều này  gây ra bệnh khớp mà tổn thương ở tim. Hiện nay ở chương trình thấp tim Quốc gia được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả trẻ em có biểu hiện khớp mà được chẩn đoán thấp tim thì đều được kiểm soát. Nếu người có tuổi có biến chứng ở tim thì thường rất ít và không rơi vào bệnh lý thấp tim mà là bệnh lý viêm khớp khác.

Mẹ bạn đang bị khớp vào buổi sáng, tất cả cái này là hội chứng của cứng khớp buổi sáng, thường gặp nhiều ở viêm khớp dạng thấp. Mẹ bạn có tuổi rồi nên cần phân biệt là viêm khớp dạng thấp hay là thoái hóa khớp hay kết hợp giữa viêm khớp dạng thấp và  thoái hóa khớp để các bác sĩ có phương pháp điều trị hiệu quả. Bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung: Bệnh lý khớp và bệnh lý tim ở người có tuổi là khác hẳn nhau. Nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh lý về khớp thì phát hiện bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, Giai đoạn muộn thì có thể suy tim hoặc kèm theo bệnh lý mạch máu như xơ vữa động mạch hoặc  nguy cơ như tắc mạch vành hoặc trường hợp ít vận động hoặc nằm lâu một chỗ hình thành cục máu đông, nguy cơ huyết khối hoặc kèm theo bệnh lý cũ mà không phát hiện ra. Bạn nên đi khám về khớp để khám tổng thể để xem có bệnh lý kèm theo không.

Bạn N.T.Bình – Sóc Sơn
Vợ tôi 64 tuổi, bị rách sơ bao đĩa điệm, phình lồi đĩa điệm, đau teo chân phải, khám và phẫu thuật ở BV Việt Đức, nay đã hơn 3 tháng, kiểm tra lại các bác sĩ nói là bình thường mà hiện tại vẫn đau và tê các đầu ngón chân phải. Mong nhờ bác sĩ tư vấn có cần dùng thuốc đông y hỗ trợ không và hướng dẫn giải thích giúp, chúng tôi xin cảm ơn.
TS. Đậu Xuân Cảnh :

Vợ bạn đã được phẫu thuật và về mặt  phẫu thuật đã không có sơ suất gì. Vợ bạn sau 3 tháng mà chân vẫn đau và tê các ngón chân. Sau phẫu thuật thì cơ thể cần thời gian để thích nghi và các chức năng thần kinh chi dưới cần thời gian để trở lại bình thường. Về y học cổ truyền có thể điều trị giúp phục hồi chức năng mang lại hiệu quả tốt. Đây là giai đoạn phục hồi nên bạn cần tin tưởng và nỗ lực của bản thân người bệnh cũng rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh bổ sung:  Thông tin bạn cung cấp cũng chưa đầy đủ. VD như sau bị thoát vị đĩa đệm đến lúc phẫu thuật bao lâu vì cái đó sẽ ảnh hưởng kết quả sau này. Bạn không có thông tin vị trí nào vì ở BV Việt Đức cũng có khoa phẫu thuật cột sống  và có nhiều chuyên gia giỏi có nhiều đề tài nhà nước. Nếu từ khi bị đến lúc phẫu thuật lâu thì cũng cần một thời gian tương ứng để phục hồi như cũ. Nếu người bệnh mới bị thì sẽ khác, nếu bệnh nhân bị nhiều chỗ một lúc, VD khi đến phẫu thuật đốt sống 2 được mổ tốt rồi sau đó người bệnh lại bị đốt sống  thứ  4  lại đau thì tính chất lại khác. Và sau mổ thì mức độ tập luyện đã đủ chưa, hợp lý chưa.

Tin liên quan:

Truyền hình trực tuyến: Kết hợp Đông - Tây y hiệu quả trong điều trị bệnh

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam Đêm ga la chào đón tân sinh viên: Nồng ấm tình thầy trò

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam khai giảng năm học 2017 – 2018

Truyền hình trực tuyến: Sống chung với bệnh dạ dày

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Rộn ràng ngày nhập học - Chào đón tân sinh viên năm học 2017 - 2018

Bệnh viện Tuệ Tĩnh mở rộng khu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn